Có một cách tính lương giáo viên không thực tế

23/10/2012 06:10
Xuân Trung
(GDVN) - Theo một cách tính lương giáo viên như một trang mạng mới đưa, mỗi năm nhà giáo được nghỉ 185 ngày, nếu tính cân đối giữa thời gian lao động thực tế so với thu nhập, lương giáo viên có lẽ không phải thấp như suy nghĩ hiện nay?
Nếu theo cách tính lương giáo viên như trên, mỗi năm các thầy cô giáo được nghỉ hè 3 tháng (91 ngày) cộng với các quy định chung như 12 ngày nghỉ phép/năm, 10 ngày nghỉ tết, lễ… Thêm nữa, trong số 9 tháng học, mỗi tháng học sinh được nghỉ 8 ngày (bao gồm thứ 7 và chủ nhật), như vậy 8 ngày nghỉ mỗi tháng nhân với 9 tháng bằng 72 ngày.
Và như vậy, một năm tính sơ bộ mỗi giáo viên nghỉ 185 ngày (91+10+12+72). Những con số trên  thực tế còn thấp vì trong một năm sẽ có những ngày nghỉ cùng với đó là những quy định khác (VD: Học sinh Hà Nội được nghỉ tết âm lịch năm 2012 là 11 ngày (từ 19/1-29/1),…).
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Nếu có người đem những ngày nghỉ của giáo viên ra so sánh như vậy là hết sức khập khiễng. Ảnh Xuân Trung
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Nếu có người đem những ngày nghỉ của giáo viên ra so sánh như vậy là hết sức khập khiễng. Ảnh Xuân Trung

Trao đổi với chúng tôi về cách tính này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội bức xúc và cho rằng, nếu có người đem những ngày nghỉ  của giáo viên ra so sánh như vậy là hết sức khập khiễng, vì lương của giáo viên được hưởng theo hệ số viên chức trong hành chính sự nghiệp. Trong những quy định đó giáo viên được hưởng những ngày nghỉ theo Luật Lao động, đây là chế độ của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. 

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho biết, đây là chế độ của giáo viên, không thể trừ cái này rồi chia đều ra cái khác như vậy, cách tính này là một tư duy không đồng nhất, không khoa học thì không thể so sánh được, làm vấn đề sai ngay từ đầu. “Đây là tính toán sai, không có căn cứ, giáo viên làm việc và nghỉ theo luật chứ không phải tự dưng nghỉ để đi chơi hay làm việc khác. Theo tôi được biết, bậc lương của giáo viên hiện xếp ở vị trí thứ 7 chứ không phải là thứ nhất, trong khi lúc nào chúng ta cũng nói giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để cho nhà giáo có năng lực, có chuyên môn để tập trung vào dạy học thì phải có mức lương cao, như vậy mới đúng với chế độ đãi ngộ”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải nâng cao đời sống của các giáo viên. Ảnh minh họa Internet
Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải nâng cao đời sống của các giáo viên. Ảnh minh họa Internet

Vẫn theo TS Tùng Lâm, giáo viên cấp 2 lên lớp với 16 tiết/tuần, để có được 1 tiết dạy các giáo viên phải lao động cật lực một tuần chứ không phải nghỉ như cách tính trên. Ông cho rằng, lâu nay quan niệm về lương của giáo viên là chưa thỏa đáng, nói là lương giáo viên phải cao hơn tất cả cũng rất khó, nhưng đó là lương xương máu. Nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để chúng ta đến tương lai, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa… thì phải giải quyết vấn đề lương cho giáo viên. 

Đúng như nhiều suy nghĩ, tầm quan trọng của nhà giáo trong việc định hình nhân cách không thể phủ nhận trong nhiều năm qua, đặc biệt trong tình hình và giai đoạn hiện nay khi đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi cần có nền giáo dục chất lượng tốt, có những con người đảm đương được công việc, bên cạnh đó phát huy được nhân cách làm người thì không thể thiếu đội ngũ nhà giáo.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Cái đó không có máy móc nào thay được người thầy. “Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hoà... chất lượng cao là phải ở chất lượng của thầy”, TS Tùng Lâm nhấn  mạnh.

Đồng quan điểm, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ về cách tính lương trên. GS Hạc cho rằng, từ trước tới nay không có ai tính như thế, tất cả mọi người đều đi làm phải có ngày nghỉ chứ không riêng gì giáo viên, không thể chia ra ngày nghỉ và ngày làm việc của giáo viên để tính lương.

“Nếu một năm nghỉ 185 ngày thì tính ra nghỉ 6 tháng/năm? Thực chất  giáo viên chỉ nghỉ 3 tháng hè, trong ba tháng hè đó giáo viên phải tập trung bồi dưỡng kiến thức, làm sao ngoài 3 tháng hè còn 90 ngày nghỉ nữa, lấy đâu ra. Cách tính như vậy là không có thiện cảm”, GS Hạc bức  xúc.

Chia sẻ với chúng tôi, một giáo viên cấp 3 dạy tại Trường THPT Thạch Kiệt (huyện Tân Sơn - Phú Thọ) cho biết, cách tính lương như vậy là một suy nghĩ cá nhân, không thể đưa lên bàn luận.

Giáo viên này cho rằng, cách tính trên là không hiểu gì về nhà giáo. Chúng ta đâu biết rằng, ngoài giờ lên lớp ra những giáo viên còn phải chuẩn bị bài giảng, chấm bài cho học sinh vào lúc nào? Hơn nữa, nếu tính mỗi năm giáo viên được nghỉ tận 185 ngày thì rất thiếu thực tế, bởi học sinh bắt đầu học từ tháng 8, kết thúc vào cuối tháng 5. Trong thời gian học sinh nghỉ giáo viên phải hoàn thiện hồ sơ, coi thi, chấm thi tốt nghiệp đến cuối tháng 6.

“Nói giáo viên được  nghỉ hè cũng đúng và không đúng, những giáo viên như chúng tôi nghỉ hè cũng phải đi tập huấn nâng cao kiến thức, vậy còn thời gian đâu mà nghỉ, chưa kể cùng học sinh tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức, thế nên cách tính như trên là thiếu thực tế”, giáo viên này cho biết. 

Những ý kiến phản đối từ cách tính lương giáo viên như trên được chúng tôi ghi lại mong có thêm sự chia sẻ từ bạn đọc. 
Xuân Trung