Có nên dạy trẻ đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1?

19/07/2021 07:23
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cha mẹ nên tăng cường dạy cho trẻ nhiều kỹ năng khác và giúp trẻ có một tâm thế tốt để sẵn sàng vào lớp 1, thay vì chỉ dạy trẻ đọc thông viết thạo.

Có hai luồng ý kiến về việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1? Câu hỏi này thường được các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 quan tâm và chia thành hai luồng ý kiến rõ rệt.

Bên nói có thì cho rằng, học trước sẽ giúp bé không bị bỡ ngỡ, không bị tụt lại so với các bạn và lo sợ lớp học quá đông, trong khi thời lượng học không nhiều, chương trình học nhanh, trẻ sẽ không theo kịp. Bên nói không thì phản biện rằng nếu cho con học trước, con sẽ dễ bị tâm lý chủ quan, không tập trung và hứng thú với học bài trên lớp vì đã biết rồi.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ bị ép đi học trước khi vào lớp 1 sẽ có kết quả năm lớp 1 tốt hơn các bạn không học chữ trước. Nhưng sang đến năm lớp 2, những lợi thế đó không còn nữa, chưa kể trẻ hình thành thói quen học thụ động và không có hứng thú trong học tập nữa.

Đến năm lớp 3 thì mọi thứ còn tồi tệ hơn vì trẻ mất tập trung triền miên, mất hứng thú đi học, chắc chắn kết quả học tập sẽ không tốt. Vậy làm thế nào để con phát triển đúng và không tạo cho trẻ thói quen mất tập trung khi học?

Cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NVCC.
Cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ảnh: NVCC.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Lê Thị Nếp - Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn (huyện Hưng Hà, Thái Bình) cô Nếp chia sẻ: “Nếu dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo, đó là điều không nên.

Bởi điều này làm giảm sự hứng thú của trẻ khi vào lớp 1, ý thức cũng không tập trung như các bạn cùng lớp được học từ đầu, nếu trong một lớp lại có một số em đã biết, coi như “ta đây” biết hết rồi, không còn quan tâm gì nữa thì thực sự giáo viên cũng rất khó dạy.

Việc này hình thành ý thức lâu dài cho trẻ sau này khi khám phá những kiến thức mới, và sự sáng tạo… chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, các em bị hạn chế rất nhiều. Theo tôi, việc dạy trước kiến thức là không nên.

Khi đón một lớp mới các con vào lớp 1, các con cầm bút còn run, chưa biết cầm thế nào, chúng tôi phải dạy từ đầu cách cầm phấn, cầm bút, đưa từng nét chữ. Có thể nói những bước đầu làm quen rất vất vả cho cả thầy và trò.

Nhưng với kinh nghiệm lâu năm, tôi thấy nếu em nào khi vào lớp 1 mà chưa nắm được các âm 29 chữ cái thì việc ghép chữ sẽ rất khó khăn, bởi với 2 tiết học, chúng tôi không thể nào dạy được các con thuộc hết được những âm, lại còn thuộc được cấu tạo của âm đó, rồi ghép được những chữ khác nhau như chữ tr, chữ th…rồi đọc thờ a tha, thờ e the thì làm sao các con ghép và đọc được.

Như vậy các con sẽ rất khó khăn, phải chịu áp lực rất lớn trong giai đoạn lớp 1. Theo quy định, một âm chỉ dạy trong 2 tiết học, vừa dạy trò thuộc âm, biết được cấu tạo âm đó, ghép để đọc chữ, rồi cách viết ra làm sao…trong khi chỉ việc cầm bút đã run rẩy, khó khăn”.

Theo cô Nếp: “Trước khi vào lớp 1, các con đã đọc thông viết thạo, đó gọi là học trước. Còn việc giúp các con hiểu khái niệm, làm quen thì chỉ cần những câu chuyện, những hành động của bố mẹ ở nhà, chỉ vào chữ A và nói đây là chữ a, hoặc đây là chữ T…những hành động này đơn thuần chỉ là nói chuyện, trao đổi giúp trẻ làm quen với mặt chữ.

Mỗi chữ cái chỉ cần vài lần như vậy là trẻ sẽ hiểu và nhớ. Vậy, hai khái niệm học trước, và làm quen trước hoàn toàn khác nhau. Học trước thì không nên, nhưng nên cho trẻ làm quen trước.

Phụ huynh không nên quá lo lắng việc con mình vào lớp 1 sẽ “chậm” hơn những bạn cùng lớp, theo kinh nghiệm của tôi, phụ huynh chỉ cần giúp con em mình làm quen như vậy trước khi vào lớp 1, khi vào lớp các con sẽ nắm rất chắc, việc ghép chữ ở lớp 1 sẽ rất nhanh. Còn việc ghép vần hoặc dạy viết trước thì hoàn toàn không cần, mọi việc giáo viên sẽ “lo” hết”.

Cô Phạm Thị Bích Ngọc - Khối trưởng khối I Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.
Cô Phạm Thị Bích Ngọc - Khối trưởng khối I Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Cần phải học trước, nhưng là học kỹ năng

Cũng về vấn đề này, cô Phạm Thị Bích Ngọc - Khối trưởng khối I Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Theo quan điểm của tôi là phụ huynh và cũng là giáo viên dạy lớp 1, các con sắp vào lớp 1 cần phải học trước nhiều kỹ năng, chứ không phải học đọc thông viết thạo.

Học các kỹ năng giao tiếp, giúp hình thành những thói quen tốt, học cách trải nghiệm, khám phá kiến thức, cuộc sống xung quanh…thay vì học những kiến thức khô khan, thực tế hiện nay có nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm cho trẻ học chữ, học số, điều này không thiết thực với trẻ.

Hơn nữa, việc học ở đây cũng tùy vào nhận thức của từng đứa trẻ, cha mẹ là người hiểu rõ hơn ai hết, biết rõ năng lực con mình đến đâu. Với những đứa trẻ nhận thức tốt, nhanh nhạy trước những thông tin hay kiến thức mới…như vậy không cần phải cho học trước quá nhiều.

Những trẻ như vậy chỉ cần học kỹ năng phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp với những người bạn mới, với cô giáo mới cũng như cách hòa nhập với môi trường lớp 1. Đó mới là quan trọng.

Ngược lại, với những trẻ có nhận thức chưa được nhanh nhạy, lúc này bố mẹ có thể tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng, phối hợp với các giáo viên mầm non thông qua các hoạt động dạy những bài thơ, bài hát… xem con đã sẵn sàng tiếp nhận hay chưa? Với những trẻ như vậy cần phải kiên trì, dành nhiều thời gian hơn giúp cho trẻ có một sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi vào lớp 1.

Vậy nên, nói đến việc học trước khi vào lớp 1, có hai vấn đề phụ huynh cần xác định, thứ nhất học ở đây là học gì? Thứ hai là phải đánh giá đúng năng lực, nhận thức của con để từ đó đưa ra những quyết định đúng nhất”.

Cha mẹ không nên “làm hộ” việc của thầy cô

Cô Ngọc nói: “Nhiều phụ huynh lo con vào lớp 1 sẽ không theo kịp chương trình học, theo tôi đây là tâm lý chung, tâm lý “đám đông”, và vô hình chung các bậc cha mẹ lại đặt tiêu chuẩn của con “người ta” vào con nhà mình.

Nếu như với những trẻ nhanh nhẹn, đã sẵn sàng cho việc học, cha mẹ có thể cho trẻ làm quen với bảng chữ cái, con số, thông qua các trò chơi nhẹ nhàng, chứ không phải là ngồi vào bàn học nghiêm túc.

Khi đứa trẻ chuyển từ mầm non sang tiểu học, lúc này quá trình nhận thức của các con từ tư duy trực quan đến tư duy trìu tượng, từ việc gắn con chữ, con số với hình ảnh giúp các con học nhưng cũng là chơi, trẻ không thấy bị áp lực, không sợ.

Bản thân lứa tuổi này, trẻ thường ham tìm tòi, khám phá, nên được học trước cũng chỉ là nhận thức thụ động, chưa phải là bài dạy của giáo viên trên lớp. Ở mỗi trang sách giáo khoa, nếu bố mẹ mở ra thì đơn thuần đó chỉ là những hình ảnh, những chữ cái.

Nhưng với giáo viên lớp 1, họ sẽ biến những hình ảnh, chữ cái đó thành những bài dạy được tương tác, trong 35 phút của 1 tiết học, các con không chỉ đọc hay viết, mà còn học nhóm, chơi các trò chơi nên cũng rất nhẹ nhàng.

Với bố mẹ thì chỉ biết dạy trẻ đây là chữ O, nhưng với chữ O đó trên lớp, giáo viên có thể biến thành một trò chơi. Chỉ một ví dụ như vậy, cùng một chữ O nhưng cách tiếp cận của trẻ sẽ hứng thú hơn thông qua cách dạy của giáo viên.

Bản thân giáo viên lớp 1, bất kỳ ở môi trường công lập hay tư thục, dù lớp đông hay ít học sinh thì bao giờ cũng gặp phải tình trang phân hóa năng lực học sinh, lúc này thầy cô sẽ sắp xếp sự phân hóa đó, nhưng bạn đã học trước, bạn chưa học, bạn biết nhiều hay ít…Từ đó giáo viên có sự lồng ghép, tương tác sao cho phù hợp nhất để trong cùng 1 tiết học không có sự phân biệt giữa bạn biết rồi hay chưa biết. Đó chính là năng lực, sự khéo léo của thầy cô lớp 1”.

Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Tùng Dương.
Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Ngọc chia sẻ: “Tôi thấy hiện nay rất nhiều bố mẹ đang “làm giúp” nhiệm vụ của các thầy cô lớp 1, thậm chí nhiều em vừa vào lớp 1 nhưng trước đó đã được học hết chương trình học kì I rồi, như vậy vô tình đã làm cho thầy cô quên đi nhiệm vụ của mình. Khi vào lớp 1, trẻ được học đúng quy trình để tiếp nhận kiến thức, như vậy sẽ thuận lợi hơn cho thầy và trò.

Có nhiều trẻ được học viết trước nhưng cách cầm bút lại chưa đúng, lúc này thầy cô vất vả uốn nắn lại từ đầu. Hầu như các con vào lớp 1 thường cầm bút và đưa từng nét viết đều sai, dựng dọc bút, viết ấn, miết, nhiều khi rách cả giấy.

Bố mẹ cứ lo cho trẻ đi học trước, trong khi các con chưa hề sẵn sàng tiếp nhận, vậy nên học trước chưa phải đã hay. Quan trọng là sự chỉ bảo của giáo viên lớp 1, và thái độ sẵn sàng học tập của trẻ sẽ quyết định trẻ có tiến bộ hay không, chứ không phải phụ thuộc vào việc được học trước.

Chương trình mới hiện nay, các con lớp 1 có 12 tiết Tiếng Việt gồm cả đọc, viết, lồng ghép ngoại khóa và 4 tiết Toán/tuần, thời lượng tiết Tiếng Việt được đẩy lên, Toán giảm đi. Những gì trong chương trình sách cũ đòi hỏi Toán ở mức cao quá sẽ được đưa dần lên các lớp trên bởi mục đích chính của trẻ khi vào lớp 1 là biết đọc, biết viết.

Với thời lượng tiết Tiếng Việt được tăng lên, như vậy hoàn toàn trẻ không cần phải được học trước, mà bố mẹ nên tăng cường dạy cho trẻ các kỹ năng khác và giúp trẻ có một tâm thế tốt để sẵn sàng vào lớp 1.

Tôi đã gặp một số trường hợp các con vào lớp 1, bố mẹ trao tận tay gửi cô, có thể nói bạn này rất thông minh, đọc thông viết thạo, nhưng câu đầu tiên mà bố mẹ nói là: Nhờ cô giúp cháu đi vệ sinh. Việc bố mẹ cho là quan trọng, dạy con đọc thông viết thạo rồi, trong khi các kĩ năng cơ bản, tự phục vụ bản thân thì cha mẹ lại quên.

Thế hệ bố mẹ được học ngày trước khác rất nhiều với thế hệ trẻ hiện nay, chính vì thế mà mọi người thường nghĩ các con cũng phải học như mình nhưng lại quên rằng bản thân năng lực trẻ ở mỗi thế hệ cũng sẽ khác nhau, các con thông minh, nhanh nhẹn hơn thế hệ trước rất nhiều”.

Tùng Dương