Vụ Tiến sĩ văng tục trên bục giảng:

“Có những giới hạn mà người giáo viên không được phép vượt qua..."

14/03/2012 09:00
Thu Hòe
(GDVN) - TS Văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: “Có những giới hạn mà người thầy không được phép vượt qua...”
Dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vụ việc Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh Doanh, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh dùng những lời lẽ dung tục giảng môn Kinh tế vĩ mô tại Viện Quản trị kinh doanh FSB (trường ĐH FPT).Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, một hình tượng giáo viên được coi là chuẩn mực về đạo đức, giỏi chuyên môn và là giáo viên văn giảng có tiếng trên kênh VTV2, Đài truyền hình Việt Nam. 
TS Lê Thẩm Dương: Giảng bài bằng những câu văng tục, chửi thề
TS Lê Thẩm Dương: Giảng bài bằng những câu văng tục, chửi thề
“Tôi thấy buồn và xấu hổ…” “Dư luận đã từng bức xúc thậm chí là phẫn nộ với những hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận ( dù rất nhỏ) những người làm thầy. Đó là chuyện giáo viên mạt sát, sỉ nhục hoặc có hành vi bạo lực không thể chấp nhận với học sinh. Và nay lại là clip một Tiến sĩ văng tục, chửi thề trong giờ giảng cho sinh viên!  Đọc, nghe, xem những bài báo, clip như vậy tôi thấy buồn và xấu hổ. Buồn vì những hạt sạn trong môi trường sư phạm vốn rất cần sự thuần khiết. Xấu hổ khi tôi hình dung ánh mắt của các lớp học trò, cách nhìn nhận của các em về những NGƯỜI THẦY.”. Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam.  Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, hiện tượng suy thoái về đạo đức, nhân cách của một bộ phận giáo viên, dù không nhiều, cũng cần đặc biệt báo động bởi yêu cầu mang tính đặc trưng của môi trường sư phạm, và cũng bởi những tác động tiêu cực tới xã hội. Bày tỏ những quan điểm xung quanh vụ việc gây xôn xao dư luận của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương những ngày qua, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: “Tôi cho rằng khi đứng trên bục giảng, người thày cần nhớ tới quan niệm của Turgot: “Điểm thiết yếu của sự giáo dục trước tiên là phải làm gương”. Đó cũng là quan điểm tôi muốn chia sẻ qua sự việc này.  Người thầy, dù ở bất kì cấp học nào cũng có trách nhiệm góp phần giáo dục nhân cách bên cạnh việc truyền thu kiến thức cho học trò. Truyền thu kiến thức đòi hỏi người thầy có học vấn; giáo dục nhân cách đòi hỏi người thầy trước tiên phải là một NHÂN CÁCH.  Nói như Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, khi người thầy có những lời nói phản cảm trong giờ giảng, anh ta đã không làm được gương khi dạy chữ và dạy người. Đó là những phát ngôn tạo độ chênh với học vị!
Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), hình tượng giáo viên được coi là chuẩn mực về đạo đức, tác phong và chuyên môn
Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), hình tượng giáo viên được coi là chuẩn mực về đạo đức, tác phong và chuyên môn
Trước câu hỏi của phóng viên: “Những phát ngôn nói trên của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương liệu có xứng đáng với học vị Tiến sĩ mà ông này đang có?” Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: Tôi nghĩ đến quan niệm của John Locke: “Học vấn chỉ là một phần rất nhỏ của giáo dục”, và cho rằng học vấn cũng chỉ là một phần rất nhỏ làm nên giá trị cho người làm công tác giáo dục. Những phát ngôn dung tục của người thày sẽ tạo ra một “độ chênh” đặc biệt phản cảm với chính bằng cấp, học vị của họ. “Người học thường chịu ảnh hướng rất lớn từ người thầy của mình. Sẽ có ít nhất hai tác động tiêu cực tới học trò khi người thầy không giữ được chuẩn mực, vượt khỏi ranh giới cho phép của một giáo viên. Có thể họ sẽ làm mất đi sự tôn trọng của người học dành cho mình, sự tiếp thu kiến thức của học trò sẽ bị hạn chế rất nhiều. Ngược lại, nếu người thày đó có sự uyên thâm về kiến thức, có trình độ học vấn cao, lại là thần tượng của học trò thì nhân cách kém cỏi của họ sẽ có hiệu ứng nguy hại hơn khi họ trở thành tấm gương không sáng! Đừng nhầm lẫn giữa “tự nhiên” và “dung tục” Lỷ giải về hiện tượng một số ý kiến thể hiện thái độ tán thành, hưởng ứng, coi những lời lẽ phản cảm kia là bình thường, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng: Những người này đang có sự nhầm lẫn giữa hai phạm trù “tự nhiên” và “dung tục”… “Hiện nay, nhiều giáo viên, giảng viên trẻ có những cách giảng bài mới mẻ, tự nhiên, thể hiện sự sáng tạo gần gũi với học người học; cũng có rất nhiều giáo viên thể hiện phong cách sống trẻ trung, hiện đại..., cùng với sự uyên bác về kiến thức, sự đúng mực trong tư cách tác phong, họ đã trở thành thần tượng thực sự với những tác động tích cực tới học trò.  Tuy nhiên, những phong cách đó hoàn toàn khác với sự dung tục, suồng sã, thậm chí thô thiển, điều này không chỉ cho thấy sự xuống cấp trong nhân cách người thầy mà còn là biểu hiện rõ nhất của thái độ không tôn trọng học trò. Chuyện giáo viên văng tục, chửi thề trước người học là điều không thể chấp nhận được với cương vị của 1 người thầy. Có những giới hạn mà người giáo viên không được phép vượt qua…”, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết phân tích Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: “Sự dung tục không được phép xuất hiện trong môi trường sư phạm cũng như trong tất cả những môi trường có văn hóa!”
Thu Hòe