COVID – 19 khiến nhiều trường mầm non tư thục tan hoang, nguội lạnh

15/01/2022 06:29
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh không có, trường phải đóng cửa do dịch bệnh quá lâu, nhiều trường mầm non không trụ nổi, bán cả thiết bị học tập mà không ai mua…

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ em theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 30%.[1]

Từ năm 2020, do Covid-19 bùng phát, các trường mầm non nhiều lần phải đóng cửa. Như ở đợt dịch thứ tư này, các trường đã có gần 6 tháng dừng hoạt động, đồng nghĩa không có nguồn thu, dẫn đến nhiều khó khăn, không thể trả lương cho giáo viên, thầy cô phải vật lộn kiếm sống bằng nghề khác.

“Đến thời điểm hiện tại, chi phí lỗ rơi vào 5 tỷ, thêm 2 cơ sở bị đóng cửa tất cả phải mất hơn 8 tỷ, chưa tính tiền bù lỗ, mặt bằng trong thời gian qua”, bà Phạm Thị Lan, chủ trường mầm non tư thục Bông Sen Hồng ( Khương Đình- Thanh Xuân- Hà Nội) tâm sự với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi nói về tình cảnh của nhà trường.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không ít trường mầm non tư nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đóng cửa thời gian dài, điều này khiến hầu hết các trường học gặp khó khăn khi duy trì cơ sở lẫn ổn định nguồn lao động trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch. Các trường học phải đóng cửa hơn 11 tháng qua.

Việc này khiến nhiều trường tư thục lao đao, chủ trường phải tìm nhiều cách để xoay xở, bù lỗ, kéo dài sự sống cho trường, có những điểm phải nói là đổ bể".

Những hình ảnh vui nhộn của trường Mầm non Bông Sen Hồng có thể chỉ còn là dĩ vãng. Ảnh: Trường mầm non Bông Sen Hồng

Những hình ảnh vui nhộn của trường Mầm non Bông Sen Hồng có thể chỉ còn là dĩ vãng. Ảnh: Trường mầm non Bông Sen Hồng

Nói cụ thể về tình cảnh của trường Mầm non tư thục Bông Sen Hồng, bà Lan cho biết:

“Từ năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều thời điểm trường không thể đón học sinh và mất nguồn thu, từ tháng 4/2021 đến nay nhà trường đóng cửa vì dịch bệnh.

Việc mất nguồn thu do học sinh nghỉ học khiến nhà trường phải oằn mình với các khoản vay vốn đầu tư ban đầu, chưa kể chi phí bảo dưỡng cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học.

Cụ thể, nhà trường phải đóng cửa hai cơ sở vì tiền thuê mặt bằng quá cao, trong lúc dịch bệnh tiền nhà tăng lên 38% đây là vấn đề rất bất cập.

Tất nhiên, không thể trách họ được vì có thể chủ nhà cũng gặp khó khăn, phải vay tiền để mua nhà và cần tiền để trả ngân hàng nên rất khó để thương lượng.

Để có tiền duy trì mặt bằng, nhiều chủ cơ sở như tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, chấp nhận đi vay lãi ngoài, thậm chí bán đất.

Vì không đủ nguồn lực hỗ trợ đội ngũ giáo viên, nhân viên. Một số giáo viên chủ động xin nghỉ đi tìm công việc khác, một số trở về địa phương phụ giúp gia đình, làm ruộng trong thời gian chờ trẻ quay lại trường.

Số tiền đã bỏ ra mấy năm nay để đầu tư vào trường học coi như mất trắng không thu về được về đồng nào, thiệt hại quá lớn.

Cuộc sống hàng ngày đã khó khăn giờ phải gánh thêm một đống nợ. Bao nhiêu năm bỏ công sức ra làm giờ mất hết không còn một cái gì.

Tại nhóm các trường như chúng tôi có đến 3 – 4 trường đã phải bỏ hết. Nhiều chủ trường mà tôi biết còn vỡ nợ, cắm đất, nhà không trụ được phải giải tán, thanh lý cơ sở vật chất nhiều lắm.

Đồ lúc mua thì mới, đến khi phải đóng cửa trường bán không một ai mua”.

Ngậm ngùi nói về ngôi trường mình mất bao năm chuyên tâm xây dựng, bà Lan cho biết: “Nhìn cơ sở trường với tấm biển đã hạ xuống, đồ đạc đã được dọn đi, chỉ còn lại không gian trang trí sinh động và sắc màu, nơi vốn là ngôi nhà thứ hai của mình, buồn không biết nói gì.

Qua bốn lần phải nghỉ học vì bùng dịch đã quá sức rồi. Chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được giáo viên của mình trong một, hai đợt đầu, còn sau đó không thể hỗ trợ và phải chấp nhận mất giáo viên vì chính chúng tôi còn không thể lo được cho bản thân mình.

Bây giờ, chỉ mong nhà nước có gói hỗ trợ cho các cơ sở trường tư để có thể vực lại được kinh tế có cái chăm lo cho gia đình”.

Bà Trần Thị Quý chủ trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Hà Đông – Hà Nội) có may mắn hơn một chút nhưng cũng gặp tình cảnh hết sức khó khắn:

“Đối với tôi may mắn hơn khi được chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng. Tuy nhiên, số tiền này chẳng thấm vào đâu khi so với số tiền thiệt hại bốn đợt dịch qua. Để duy trì được cơ sở tôi cũng chật vật.

Ngoài tiền thuê mặt bằng nhà ở, hàng tháng dù trường không hoạt động vẫn phải đóng thêm các khoản tiền internet, tiền phí dịch vụ trong khi năm nay nhà trường không có một nguồn thu nào để gánh cho khoản tiền thuê mướn này.

Trường mầm non Tuổi Thần Tiên của bà Quý đóng cửa gần 11 tháng nay. Ảnh: Bà Quý cung cấp.

Trường mầm non Tuổi Thần Tiên của bà Quý đóng cửa gần 11 tháng nay. Ảnh: Bà Quý cung cấp.

"Hiện nay, các học sinh tại trường đã nghỉ hết bạn thì về quê ổn định học luôn, bạn chuyển sang trường công, sợ sau này được dạy lại cũng mất một lượng học sinh khá lớn.

Bên cạnh đó, các giáo viên đã tìm được công việc khác, người bỏ nghề chuyển sang làm công nhân, người thì thất nghiệp ngồi ở nhà.

Nếu các trường mầm non công lập hoạt động trở lại không gặp khó khăn gì thì các cơ giáo dục mầm non tư thục chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí sẽ phải gầy dựng lại từ công tác tuyển sinh trẻ đến tuyển bổ sung mới giáo viên thay thế cho giáo viên đã nghỉ việc”, chủ trường mầm non Tuổi Thần Tiên cho biết.

Theo con số thống kê được công bố tại hội thảo “Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho thấy đến ngày 12/12/2021, vẫn còn 55/63 địa phương có cơ sở giáo dục mầm non chưa được hoạt động theo yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương.

Từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1015266/ho-tro-giao-duc-mam-non-o-dia-ban-co-khu-cong-nghiep-de-cham-soc-tre-tot-hon

Hà Giang