Cục Nhà giáo tham mưu thế nào mà để “nhiều người đang hiểu nhầm”?

16/08/2021 07:13
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cách lý giải của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì có thể là do “nhiều người đang hiểu nhầm”.

Những bài viết về chủ đề chứng chỉ 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở đã được Tạp chí Giáo dục Việt Nam phản ánh khá nhiều trong mấy tuần gần đây và nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo- nhất là những thầy cô sẽ dạy 2 môn học này trong những năm tới đây.

Đặc biệt, ngày 21/7/2021 thì Bộ đã ra Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở càng khiến cho nhiều thầy cô quan tâm nhiều hơn.

Bởi, theo 3 quyết định nhấn mạnh: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí ở trung học cơ sở và kinh phí bồi dưỡng được hướng dẫn lấy từ 3 nguồn, trong đó có nguồn: “do người học tự đóng góp”….

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí về sự việc này thì ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lại cho rằng “nhiều người đang hiểu nhầm” về nội dung của các quyết định mà Bộ vừa ban hành. Vậy, sự việc này nên hiểu như thế nào cho đúng?

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: baochinhphu.vn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: baochinhphu.vn.

Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT đã hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên tích hợp ra sao?

Ngày 21/7/2021 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT, trong đó hướng dẫn khá cụ thể về đối tượng bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng, số lượng tín chỉ, hình thức học tập, điều kiện cấp chứng chỉ, kinh phí bồi dưỡng…

Cả 2 quyết định đều hướng dẫn cụ thể về số lượng tín chỉ mà giáo viên đang dạy các môn học Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử sẽ phải bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ theo từng đối tượng cụ thể. Chương trình bồi dưỡng cũng đã được 2 quyết định cụ thể hóa từng môn học.

Đối với hình thức bồi dưỡng thì được hướng dẫn học trực tiếp 80% chương trình tại các trường đại học sư phạm và học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần đó.

Kết thúc mỗi học phần của chương trình bồi dưỡng, học viên phải thực hiện một bài thu hoạch. Bài thu hoạch được chấm theo thang điểm 10.

Về điều kiện cấp chứng chỉ thì 2 quyết định này cũng hướng dẫn là người học tích lũy đủ số học phần bắt buộc và đủ số tín chỉ tối thiểu theo quy định của chương trình bồi dưỡng; điểm trung bình tích lũy của toàn khóa bồi dưỡng đạt từ 5,00 trở lên; đảm bảo đủ các điều kiện quy định khác của cơ sở đào tạo.

Về kinh phí bồi dưỡng được hướng dẫn lấy từ 3 nguồn: từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp.

Đặc biệt, ở phần đầu của 2 quyết định này đều nhấn mạnh: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”…

Với những câu chữ tường minh như thế này tại Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì tất nhiên nó sẽ trở thành cơ sở để các địa phương, nhà trường triển khai đến đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới đây.

Và, với trình độ của giáo viên thì họ sẽ không khó để đọc và hiểu những nội dung trong các văn bản,

Thế nhưng, theo cách lý giải của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì có thể là do “nhiều người đang hiểu nhầm”.

Có phải “nhiều người đang hiểu nhầm"?

Việc Bộ ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT khiến cho nhiều giáo viên dưới cơ sở lo lắng và nhiều giáo viên đã thể hiện sự băn khoăn của mình trong những ngày vừa qua.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Vietnamnet ngày 12/ 8/2021 thì ông Vũ Minh Đức đã chia sẻ về vấn đề này như sau: "Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi”.

Nếu đúng như nội dung chia sẻ của ông Vũ Minh Đức thì giáo viên chẳng thắc mắc, băn khoăn làm gì. Bởi, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT không có chữ nào đề cập đện đến chữ “mô- đun” mà chỉ đề cập đến những “tín chỉ” cụ thể cho từng đối tượng bồi dưỡng mà thôi.

Báo Vietnamnet tiếp tục dẫn lời ông Vũ Minh Đức như sau:"Có thể các giáo viên khối lớp 6 năm nay sẽ cập nhật chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở này sau. Chứ giờ vừa ban hành làm sao đủ 3 tháng mà chuẩn bị kịp cho năm học mới. Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này", ông Đức nói.

Do đó, theo ông Đức, nhiều người đang hiểu nhầm”.

Thế nhưng, cả 2 quyết định mà Bộ vừa ban hành ngày 21/7 đều có câu:

Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên;

Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lí”…

Việc cả 2 văn bản đều cho rằng chương trình bồi dưỡng là “điều kiện tối thiểu” mới có thể dạy được môn tích hợp thì giáo viên đọc và hiểu đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ chứ sao có thể “nhầm” được.

Hơn nữa, đây là văn bản hành chính chứ có phải là văn bản nghệ thuật đâu mà có tính đa nghĩa?

Vấn đề về nguồn kinh phí bồi dưỡng mà giáo viên đang lo lắng thì ông Vũ Minh Đức chia sẻ như sau: "Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí".

Giáo viên ở các nhà trường cũng mong không phải chi trả kinh phí như lời của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Nhưng, giá như khi xây dựng và ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ nói rõ ra có phải hay hơn không?

Tại sao văn bản lại hướng dẫn lấy từ: “nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp”?

Rõ ràng, theo cách giải thích của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đem đối chiếu với nội dung của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì mọi người dễ dàng nhìn thấy có phần mâu thuẫn với nhau.

Nhìn lại một số Thông tư; Công văn; Quyết định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gần đây thường xảy ra tình trạng có “nhiều người đang hiểu nhầm”. Các nhà giáo mà còn "hiểu nhầm", hay nói cách khác là "hiểu không đúng ý Bộ" thì văn bản ban hành làm sao đi vào cuộc sống?

Thiết nghĩ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nên nghiêm túc rà soát lại mục đích, căn cứ, quy trình ban hành 03 Quyết định số 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/07/2021 này làm sao để đừng "gây hiểu nhầm" cho người đọc, đừng đặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào thế "sự đã rồi".

Tài liệu tham khảo:

- Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT

- Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT

-https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH