Đã là trường công thì không nên phân chia thành chuyên và không chuyên

21/04/2022 06:45
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã gọi là phổ (phổ thông) thì nên chú ý tính đồng đều trong hệ công lập. Đó cũng là sự bình đẳng trong hệ thống. Có chuyên tức là không phổ.

LTS: Thông tin từ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối tháng 1/2022 cho thấy, từ 68 trường chuyên năm 2010 của cả nước, đến năm 2020 đã có 77 trường; bảo đảm mỗi tỉnh, thành có ít nhất một trường chuyên. Hiện tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh trung học phổ thông trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia (tăng từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường năm 2020).

Để có thêm góc nhìn về mô hình trường chuyên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Có quan điểm cho rằng, chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước tiên, tôi cho rằng, trong trung học phổ thông hệ công lập không nên tổ chức thành hai phân hệ là trường chuyên và trường không chuyên như hiện nay. Đã gọi là phổ (phổ thông) thì nên chú ý tính đồng đều trong hệ công lập. Đó cũng là sự bình đẳng trong hệ thống. Có chuyên tức là không phổ.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: T.L)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: T.L)

Còn việc bồi dưỡng nhân tài thì thực hiện theo câu lạc bộ năng khiếu trong các trường trung học phổ thông và có thể có vài ba trường năng khiếu ở các vùng gắn với đại học nghiên cứu là được (chứ hiện nay các trường chuyên này cũng đâu có giải quyết được vấn đề nhân tài, mà chủ yếu mới là giúp cho việc vào đại học dễ hơn). Đồng thời, khuyến khích mạnh các nhà đầu tư phát triển các trường phổ thông ngoài công lập chất lượng cao.

Còn đối với yêu cầu lần lượt nâng cấp các trường phổ thông lên đạt chuẩn quốc gia thì đó là chuyện khác và cần thiết.

Từ góc độ chính sách công cho thấy duy trì sự tồn tại của các trường chuyên công lập tạo ra sự bất bình đẳng trong hệ thống? Ông thấy chính sách này có nhiều bất cập không?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Có chứ. Thứ nhất, đầu tư lớn hơn cho các trường chuyên từ nguồn lực công nhưng mục tiêu giải quyết vấn đề gì cụ thể vẫn chưa rõ, lại không kiểm soát được đầu ra, người học có thể tự do đi học cao hơn và làm việc ở bất kỳ đâu họ muốn. Chưa có thống kê chính thức nhưng có thể dự báo số lượng học sinh xuất sắc nhất quay lại làm việc cho khu vực công không nhiều.

Thứ hai, duy trì mô hình trường chuyên tức là chấp nhận duy trì sự bất bình đẳng xã hội vì các trường chuyên được ưu ái đầu tư cao hơn nhiều so với các trường học công lập bình thường khác. Thực tế này đã vi phạm một nguyên tắc căn bản trong chính sách công là công dân được bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công. Sự ưu ái về nguồn lực công cho một thiểu số học sinh chuyên chắc chắn ảnh hưởng đến cơ hội thụ hưởng giáo dục của số đông học sinh trường phổ thông bình thường.

Thứ ba là tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào các môn chuyên và ít quan tâm các môn khác trong khi yêu cầu ở cấp học này là phổ quát, đồng đều, mặc dù phổ thông trung học sẽ tiếp cận dần với định hướng nghề nghiệp.

Có thể cổ phần hóa trường chuyên hay nói cách khác là có nên khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các trường phổ thông chuyên tư thục không, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Có thể và nên vận dụng cơ chế thị trường để thỏa mãn các nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Theo đó, các chủ thể tư nhân cần được khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao, trong đó có thể có những môn học mũi nhọn (ở phổ thông tôi không dùng từ trường chuyên, mà dùng từ trường năng khiếu như đã trình bày nhiều lần). Các trường chuyên đã có đề nghị nhà nước có thể cho nghiên cứu theo hướng hợp tác công tư hoặc cổ phần hóa, để dành nguồn lực đầu tư công tăng hơn cho các trường phổ thông khác.

Chính sách như vậy là xã hội hóa, không chỉ tận dụng sức mạnh tài chính của khu vực tư nhân, sự linh hoạt của thị trường, mà còn bảm đảm được sự công bằng xã hội.

Nhà nước có thể hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi thông qua các chương trình học bổng. Chính sách học bổng cũng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước trong khi vẫn có được nhân sự chất lượng cao mỗi khi cần cho nhiệm vụ đặc biệt.

Các nguồn lực công cần phải ưu tiên sử dụng để phục vụ lợi ích công – đó là nhu cầu giáo dục và đạo tạo của số đông dân chúng. Chính sách như vậy đối với vấn đề trường chuyên sẽ giúp chúng ta thực hiện được nguyên tắc bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục trong hệ thống trường công lập.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)