Dành cả thanh xuân cho từ thiện, thầy giáo nỗ lực để 'bếp ăn 0 đồng' luôn đỏ lửa

26/07/2021 06:06
Trần Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 10 năm gắn bó với công việc từ thiện, thầy Trương Vĩnh Đặng luôn trăn trở làm sao có thể giúp được nhiều người nghèo hơn.

Thầy Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi) đang là giáo viên trường Tiểu học Tây Hồ (Thành phố Đà Nẵng), nhiều năm qua, thầy Đặng luôn được nhớ đến là một thầy giáo luôn nỗ lực giúp người nghèo bằng việc mở "Bếp ăn 0 đồng", bán đấu giá bonsai lấy tiền làm thiện nguyện.

Được biết, cong việc này gắn với thầy đã hơn 10 năm nay. Khi lướt trang facebook của thầy, sẽ thấy hàng trăm bài viết về nhiều dự án từ thiện khác nhau được đăng tải với thông tin đầy đủ, minh bạch.

"Bếp ăn 0 đồng" tại cổng trường Tiểu học Tây Hồ. Ảnh: NVCC

"Bếp ăn 0 đồng" tại cổng trường Tiểu học Tây Hồ. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên, thầy Trương Vĩnh Đặng cho biết, thời sinh viên, anh học chuyên ngành sư phạm mỹ thuật, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng.

Năm 2006, anh tốt nghiệp và trở thành giáo viên dạy mỹ thuật tại trường Tiểu học Tây Hồ. Năm 2008, anh đăng ký tình nguyện đi nghĩa vụ. Hai năm sau, anh xuất ngũ, trở lại trường Tiểu học Tây Hồ, tiếp tục công tác đến nay. Đó cũng là thời điểm anh bắt đầu chơi bonsai, tham gia và khởi xướng nhiều dự án từ thiện.

Khi được hỏi về lý do gắn với công tác từ thiện hơn 10 năm, thầy Đặng cho biết do đồng cảm với người có hoàn cảnh không may mắn dù ngay cả khi không rơi vào hoàn cảnh giống họ. “Đồng cảm không xa vời mà gần gũi. Tôi đồng cảm khi gặp một mảnh đời bất hạnh, dù chưa gặp trước đây. Đồng cảm đơn giản là sẻ chia, thể hiện qua từng cử chỉ, hành động”, thầy Đặng chia sẻ.

Kể lại hành trình 10 năm làm công việc đầy ấm áp tình người này, thầy Đặng cho hay, lúc mới làm từ thiện, với vai trò đóng góp và hỗ trợ giúp đỡ, thầy tham gia các dự án từ thiện trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng như giúp đỡ nạn nhân chất động màu da cam, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn… Thấy nhiều dự án không đủ kinh phí, thầy Đặng dùng mạng xã hội để kêu gọi. Ban đầu, ít người biết, nhưng dần, mọi người giúp đỡ, chia sẻ thông tin. Nhờ vậy, nhiều người biết đến dự án của thầy, họ chủ động liên hệ, muốn cùng đóng góp.

Ngoài ra, thầy Đặng cũng nhận được thông tin về nhiều trường hợp khó khăn, nhờ thầy kêu gọi giúp đỡ. Cứ như vậy, suốt 10 năm, thầy kêu gọi sự chung tay của các cá nhân khá giả, cùng với đó góp tài sản cá nhân vào để giúp hàng trăm trường hợp, từ tiền mặt đến vật phẩm, như xe lăn, đồ bảo hộ, vật tư y tế, lương thực và nhu yếu phẩm.

Thầy Đặng kể, một lần, thầy đứng ra vận động kinh phí 15 triệu đồng để hỗ trợ mai táng cho một người đàn ông 50 tuổi ở Thành phố Đà Nẵng. Số phận của người đàn ông này khiến bản thân thầy và bạn bè không khỏi xót xa. Người này lúc nhỏ là trẻ mồ côi, sau trưởng thành lập gia đình và ly hôn cách đây 10 năm. Trước, người đàn ông này làm thời vụ sống qua ngày. Được chẩn đoán bệnh một thời gian thì anh mất. Người đàn ông xấu số chỉ sống với em gái - quanh năm làm nông, không đủ tiền lo hậu sự.

Lần khác, anh Đặng nhận được thông tin về trường hợp của anh Lê Hoàng V. (41 tuổi, Thành phố Đà Nẵng) được chẩn đoán nhiễm trùng huyết và viêm tuyến tuỵ. Anh V. là trụ cột của gia đình nhưng mất việc do dịch, gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương. Tháng 5 vừa rồi, anh nhập viện điều trị, phải lọc máu mới có thể sống tiếp. Anh Đặng biết được, kêu gọi ủng hộ và nhận được gần 15 triệu đồng, hỗ trợ anh V.

Dành thời gian làm từ thiện nhưng với công việc chuyên môn giảng dạy, thầy Đặng vẫn luôn cố gắng sắp xếp để không bị ảnh hưởng. “Tôi cân đối giữa việc ở trường và hoạt động từ thiện. Khi được nghỉ phép do dịch, thiên tai… hay mỗi cuối tuần, tôi mới trực tiếp làm công tác từ thiện”, thầy Đặng cho biết.

Một trong những dự án từ thiện đang hoạt động hiệu quả trong thời gian dịch Covid xảy ra ở Thành phố, đó là mô hình “Bếp ăn 0 đồng”. Mô hình này do thầy Đặng khởi xướng và diễn ra mỗi tháng tại cổng Trường Tiểu học Tây Hồ. Các thầy cô và học sinh trong trường cùng làm những suất cơm để những người có hoàn cảnh khó khăn tới lấy. “Tôi đã thực hiện mô hình này nhiều. Tuy nhiên, đây là lần đầu phát động trong môi trường giáo dục”, thầy Đặng chia sẻ.

10 năm làm thiện nguyện, thầy Đặng cho biết, hành trình này thầy không hề đơn độc. Ngoài kêu gọi trên mạng xã hội, thầy bán bonsai - sở thích cá nhân, lấy tiền, cho vào quỹ ủng hộ. Mỗi lần đăng thông tin bonsai lên mạng để đấu giá, nhiều người không có nhu cầu mua vẫn chuyển tiền đến bởi muốn đồng hành cùng thầy Đặng trên hành trình thiện nguyện.

Các khoản tiền nhờ đấu giá bonsai được gửi đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi trên địa bàn Thành phố, người lao động thấp ảnh hưởng bởi dịch, những hoàn cảnh cơ nhỡ, người không may mắc bạo bệnh…

Thầy Đặng trao suất ăn cho người lao động bị ảnh hưởng với Covid-19. Ảnh: NVCC

Thầy Đặng trao suất ăn cho người lao động bị ảnh hưởng với Covid-19. Ảnh: NVCC

Thầy Đặng cho biết, tháng 6 vừa qua, thầy có dịp tới làng Vân, Thành phố Đà Nẵng. Nơi đây trước là nơi sống của những người mắc bệnh phong. Hiện, có hơn 60 hộ dân sống ở đây, đời sống khó khăn. Thầy quyết định đấu giá cây sam núi, vận động kinh phí hỗ trợ các hộ. Số tiền thu được sau đấu giá là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người đọc được thông tin chia sẻ, muốn cùng góp sức. Kết quả, hơn 60 hộ dân đều nhận được phần quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều người dân trên địa bàn thành phố, thầy cũng thường xuyên vận động kinh phí, tổ chức "Phiên chợ 0 đồng" cho người lao động. Ngoài ra, thầy cũng đến nhà, trao tặng hàng nghìn suất quà cho người bị ảnh hưởng.

Tháng 6 vừa rồi, thầy cũng nhiều lần tổ chức đấu giá bonsai và vận động ủng hộ nhằm xây dựng chương trình “Bữa ăn 0 đồng hàng ngày" cho người lao động. Mai chiếu thuỷ, sam hương, hoa giấy… được đem đấu giá và kêu gọi được gần 22 triệu đồng tiền mặt cùng 3 tấn rau, củ, quả từ Đạt Lạt.

Thầy Đặng cho biết: “Bà con nhận được quà đều vui mừng, có người bật khóc trong hạnh phúc. Một người lượm ve chai xin nhường phần quà cho người khó khăn hơn. Cuộc sống đầy nghĩa tình. Nhưng còn nhiều hoàn cảnh đáng thương mà tôi và bạn bè chưa thể hỗ trợ. Tôi mong thời gian tới giúp được nhiều bà con hơn”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Trần Thu