Đánh giá thế nào với 5 phẩm chất của học sinh trong chương trình mới?

24/05/2022 08:35
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần rà soát lại, cần thiết kế lại và ban hành rộng rãi một mẫu thiết kế học bạ sao cho gọn nhẹ mà mang lại hiệu quả như trước đây giáo viên đã làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh với 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển.

Ảnh chụp từ màn hình

Ảnh chụp từ màn hình

Phẩm chất của học sinh trong chương trình giáo dục tổng thể

5 phẩm chất của học sinh trong chương trình giáo dục tổng thể gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Yêu nước:

Tình yêu đất nước được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên, di sản, yêu người dân đất nước mình; tự hào và bảo vệ những điều thiêng liêng đó.

Nhân ái:

Nhân ái là biết yêu thương, đùm bọc mọi người; yêu cái đẹp, yêu cái thiện; tôn trọng sự khác biệt; cảm thông, độ lượng và sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Nhân ái là tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh, không phân biệt đối xử, sẵn sàng tha thứ, tôn trọng về văn hóa, tôn trọng cộng đồng.

Chăm chỉ:

Đức tính chăm học, chăm làm, có tinh thần tự học, nhiệt tình tham gia công việc chung.

Vượt khó trong công việc.

Trung thực:

Tôn trọng lẽ phải; lên án sự gian lận; Thật thà ngay thẳng trong học tập và làm việc.

Trách nhiệm:

Bảo vệ bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, môi trường; Không đổ lỗi cho người khác.

Thước đo nào để đánh giá 5 phẩm chất của học sinh?

Để đánh giá được 5 phẩm chất của học sinh, giáo viên chủ yếu đánh giá bằng định tính, mà định tính lại luôn bị cảm tính chi phối nên thì khó nói đến sự công bằng.

Theo quy định thì thông qua việc theo dõi, quan sát, trao đổi hằng ngày với các em, giáo viên sẽ thu thập thêm thông tin. Từ đó, sẽ đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Do không có một thước đo đánh giá làm chuẩn nên phần lớn giáo viên đánh giá phẩm chất học sinh vẫn đang dựa vào thành phần điểm của một số môn lấy điểm (chủ yếu 2 môn Toán, tiếng Việt) và dựa vào lực học của học sinh đạt được.

Vì mặc định, học sinh có lực học yếu kém nên phẩm chất chăm chỉ không thể đạt Tốt trong khi bản thân học sinh ấy luôn nỗ lực học tập, luôn cần cù chịu khó học nhưng năng lực có hạn, kết quả học tập không thể khá hơn.

Phần đánh giá năng lực phẩm chất học sinh theo chương trình mới (Ảnh tác giả)

Phần đánh giá năng lực phẩm chất học sinh theo chương trình mới (Ảnh tác giả)

Vì thế, những học sinh có lực học còn yếu kém thì đánh giá phẩm chất chỉ ở mức Đạt hoặc Chưa đạt, mà không thể lên mức Tốt.

Trong khi, học sinh có lực học nổi trội thì ít bị đánh giá phẩm chất ở mức Đạt mà gần như mức Tốt.

Nói chung ở mục đánh giá năng lực cốt lõi và phẩm chất chủ yếu của học sinh không phải đánh giá nào của giáo viên cũng chính xác, cũng công bằng giữa em này với em khác.

Tuy thế, không công bằng với các em nhưng lại giúp giáo viên đạt chỉ tiêu về học sinh đạt mức Hoàn thành Tốt, chỉ tiêu được khen thưởng, nhà trường cũng đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra.

Với 5 phẩm chất được đánh giá như thế, giáo viên sẽ phải ghi học bạ thế nào?

Nhiều thầy cô rối tinh rối mù với việc ghi phê học bạ ở 5 phẩm chất. Theo nhiều giáo viên, biểu hiện của 5 phẩm chất thường na ná nhau, phẩm chất này có trong phẩm chất kia và ngược lại nên rất khó để viết nhận xét.

Việc ghi nhận xét phẩm chất Yêu nước

Nói đến phẩm chất yêu nước ở học sinh tiểu học, nhiều thầy cô giáo cho biết vô cùng bối rối. Ghi làm sao, ghi thế nào để thể hiện rõ lòng yêu nước với một đứa trẻ mới 6, 7 tuổi? Một lớp có 35 em, nhiều hơn khoảng 50 em chẳng lẽ em nào cũng ghi những biểu hiện y chang nhau?

Nhiều thầy cô cho biết, để nghĩ ra những nhận xét thể hiện lòng yêu nước của trẻ con mà không nhầm lẫn với những phẩm chất khác là không hề đơn giản.

Trong khi, biểu hiện của 5 phẩm chất của học sinh tiểu học lại na ná nhau. Ví như khi nhận xét một học sinh về phẩm chất Yêu nước. Một giáo viên ghi: Em biết yêu thương, chia sẻ cùng người thân. Ở nhận xét về phẩm chất Nhân ái, giáo viên ghi: Em luôn quan tâm mọi người trong gia đình.

Xét về nghĩa thì 2 lời nhận xét ở 2 phẩm chất gần giống nhau. Vì thế có thể nói, trong yêu nước đã có nhân ái và ngược lại.

Hay như ở phẩm chất Nhân ái giáo viên ghi: Em luôn nhường nhịn và chia sẻ với bạn bè trong lớp. Ở phẩm chất Trung thực lại ghi: Em biết thương yêu và giúp đỡ bạn. Xét về nghĩa, phẩm chất này bao hàm phẩm chất kia.

Vì thế, để ghi được những nhận xét của 5 phẩm chất học sinh và xếp ai Đạt, hay xếp Tốt đã làm nhiều thầy cô giáo mệt mỏi.

Google là cứu cánh của giáo viên khi ghi phê học bạ

Mỗi học sinh phải ghi phê 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi. Mỗi lớp học, ít thì 35 em, nhiều có khi lên đến 50 em. Giáo viên không đủ kiên nhẫn để ngồi nhớ lại những biểu hiện của từng em ở từng phẩm chất ghi học bạ.

Vào Google có rất nhiều mẫu lời phê

Vào Google có rất nhiều mẫu lời phê

Vì thế, cứu cánh của nhiều giáo viên chủ nhiệm chính là Google. Chỉ cần một cái nhấp chuột thì vài chục kết quả về mẫu nhận xét học bạ lớp 1, 2 theo Thông tư 27; Lời nhận xét về năng lực chung, năng lực đặc thù, phẩm chất học sinh; Cách ghi nhận xét học bạ lớp 1, 2 theo Thông tư 27…

Giáo viên chỉ cần vài thao tác nhấp chuột copy và dán (nếu làm học bạ điện tử), hoặc nhìn chép lại vào học bạ giấy.

Thế là, em nào được thầy cô mặc định xếp Tốt sẽ có những lời nhận xét giống nhau và ngược lại.

Học bạ cần thiết kế gọn nhẹ

Đổi mới là cần thiết, tuy nhiên không phải cái gì cũng phải khác đi mới là đổi mới. Cứ nhìn những cuốn học bạ trước đây, được thiết kế gọn nhẹ như cột điểm đạt được từng môn, xếp loại, nhận xét của giáo viên bộ môn, nhận xét chung của giáo viên chủ nhiệm…là xong.

Hiện nay, ngoài điểm, xếp loại, nhận xét còn năng lực cốt lõi gồm năng lực chung (có 3 tiêu chí), năng lực đặc thù (có 5 tiêu chí) và 5 phẩm chất. Giáo viên phải đánh giá và ghi phê vào học bạ cũng chỉ để mỗi mình đọc. Trong khi việc đánh giá, ghi phê cũng chỉ dừng ở mức độ tương đối nào đó.

Chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại, cần thiết kế lại và ban hành rộng rãi một mẫu thiết kế học bạ sao cho gọn nhẹ mà mang lại hiệu quả như trước đây giáo viên đã từng làm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết