Đào tạo giáo viên theo cơ chế đấu thầu có nhiều điểm quá mới, nhiều cách hiểu

06/05/2021 06:46
TẤN TÀI (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều nội dung đề cập trong Nghị định 116 có quá nhiều điểm mới mẻ, nhiều cách hiểu khác nhau nên sẽ rất khó khăn khi áp dụng thực tiễn.

LTS: Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó có đề cập nhiều đến vấn đề đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương sẽ có hiệu lực trong năm học mới 2021-2022.

Xung quanh việc triển khai Nghị định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Phóng viên: Thưa thầy, việc triển khai Nghị định 116 trong năm học 2021-2022 tồn tại những vướng mắc, khó khăn như thế nào?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Nghị định 116 ra đời có nhiều điểm tiến bộ, hi vọng sẽ thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm, giúp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, gắn chặt việc đào tạo với sử dụng nhận lực ngành sư phạm ở các địa phương.

Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116. Ảnh: AN

Tuy nhiên, để những mục đích ưu việt đó đi vào thực tiễn thì trước hết cần cần có sự thống nhất giữa các bộ ngành trong triển khai.

Đồng thời, phải có hướng dẫn chung thì các ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới triển khai được. Bởi cơ chế quản lý hiện này là sở giáo dục và đào tạo quản lí chuyên môn, sở nội vụ quản lí biên chế giáo viên.

Cụ thể là sở giáo dục xác định nhu cầu số lượng giáo viên cần đào tạo, nhưng biên chế lại do sở nội vụ quyết định… Và tinh thần chung là đang cắt giảm biên chế.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị với các trường sư phạm và các sở giáo dục nhưng chưa thể kết luận nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định rõ việc thống nhất triển khai giữa các cơ quan như: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính… Có thể vấn đề này phải cần đến Thủ tướng chủ trị hội nghị.

Việc dự báo chính xác nhu cầu đào tạo giáo viên trong bốn năm đến cần rất nhiều thông tin nên cần nhiều thời gian và nhiều cơ quan phối hợp.

Trong tháng 1 vừa rồi, các sở giáo dục báo cáo Bộ về nhu cầu giáo viên sẽ được đào tạo trong vòng bốn năm của địa phương mình để Bộ tổng hợp lên kế hoạch đào tạo giáo viên. Điều này rất đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, do nhiều lí do các sở có thể chưa làm được đầy đủ, sâu sát, kỹ càng. Ví dụ như đối tượng giáo viên công lập thì có thể tính toán được, còn giáo viên tư thục hay ở các cơ sở giáo dục khác thì khó tổng hợp và dự báo đúng được.

Hơn nữa, các sở chắc chưa lượng hóa được trong bốn năm nữa thì sự phát triển của dân số, nhu cầu của học sinh như thế nào, nên chỉ xác định số lượng giáo viên cho tương lai mang tính tương đối.

Các sở cũng đang lúng túng điều này vì chưa có con số khảo sát, điều tra cụ thể để đưa ra con số đặt hàng. Khi số liệu từ sở không chính xác thì các chỉ tiêu Bộ áp về cho các trường đào tạo sư phạm cũng sẽ không chính xác.

Lượng giáo viên đã, đang đào tạo cần phải được thống kê và tích hợp vào dự báo nhu cầu giáo viên trong 4 năm đến nên cần thời gian triển khai.

Phóng viên: Theo quan điểm của thầy thì Nghị định 116 cần bổ sung thêm những quy định nào về cơ chế tuyển dụng sinh viên sư phạm sau khi được đào tạo? Bởi hiện nay quy định về tuyển dụng hầu như không được nhắc đến trong Nghị định này.

Phó Giáo sư Lưu Trang: Theo tôi, cần có quy định cụ thể trong công tác tuyển dụng sinh viên học sư phạm có, không có nhận hỗ trợ kinh phí, vì nếu sinh viên được nhận hỗ trợ sẽ đương nhiên được tuyển dụng. Điều này ít nhiều anh hưởng đến động lực học tập của sinh viên.

Nếu cho phép tuyển dụng giáo viên theo năng lực sinh viên thì các tỉnh/thành phố lớn sẽ không cần đặt hàng đào tạo giáo viên.

Khi đó, các sinh viên giỏi sẽ đổ về các thành phố lớn để giảng dạy. Còn các địa phương vùng khó khăn, xa xôi dù có đăng ký chỉ tiêu đào tạo nhưng không có sinh viên trở về giảng dạy.

Trong Nghị định này mới chỉ đề cập đến vấn đề chỉ tiêu đào tạo, học phí, sinh hoạt phí của sinh viên sư phạm mà chưa quy định rõ về tuyển dụng sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Hầu như Nghị định này không đề cập đến “đầu ra”. Ví dụ như các sinh viên đã được đào tạo rồi mà địa phương không tuyển dụng thì sao?

Phải giống như trước đây, sinh viên ra trường là phân công công tác. Nghị định này đáng lẽ phải tính đến phương án đó, tức là phân công công tác ra sao.

Ví dụ, một em ở vùng sâu xa, học xong không muốn về mà ở lại Đà Nẵng giảng dạy. Vậy thì em đó có phải đền bù chi phí hay có được xem xét tuyển dụng giáo viên ở Đà Nẵng (nếu có năng lực) hay không?... Tất cả đều phải được đặt ra.

Các địa phương sẽ đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu để đào tạo giáo viên. Ảnh: AN

Các địa phương sẽ đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu để đào tạo giáo viên. Ảnh: AN

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Nghị định 116 ngay trong năm học 2021-2022 (tức là vào tháng 9 tới) là quá sớm, quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Thí sinh đã đăng ký nguyện vọng, chỉ tiêu tuyển sinh cần phải chốt sớm. Tuy nhiên các văn bản quy định, hướng dẫn cần thời gian ban hành nên khó triển khai Nghị định 116 ngay đầu năm học này được.

Để thực hiện được Nghị định 116 này thì cần phải có thời gian và có sự kết hợp giữa các Bộ, ngành, để thống nhất cụ thể hoá Nghị định này bằng các thông tư, hướng dẫn cụ thể.

Rồi chi tiết các sở cũng phải nắm được, hiểu được quan điểm chủ trương này. Kể cả các lãnh đạo sở, các trường sư phạm cần phải nhận thức đúng. Còn không hiểu thì không thể vận dụng được.

Việc ban hành thông tư, hướng dẫn cần có lượng thời gian đáng kể. Trong khi năm học mới sắp bắt đầu, nên không thể thực hiện trong năm nay được.

Tuy nhiên, theo tôi để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm và thực hiện theo đúng yêu cầu Nghị định 116, đối tượng sinh viên sư phạm đã trúng tuyển trong năm học này (2021-2022) theo chỉ tiêu và quy định tuyển sinh của Bộ thì vẫn được áp dụng Nghị định này.

Hiện nay do văn bản ban hành muộn, địa phương chưa lập dự trù kinh phí cho mục này nên khả năng đặt hàng của địa phương là ít, nên đề nghị Bộ phân bổ chỉ tiêu và hỗ trợ trực tiếp cho các trường sư phạm chủ chốt để đảm bảo việc đào tạo giáo viên đáp ứng cho nhu cầu xã hội.

Như vậy mới có được sinh viên sư phạm có chất lượng tốt và đáp ứng bài toán thiếu giáo viên trong 4 năm tới. Nghị đinh quy định sẽ thực hiện từ năm học 2021-2022, nên những sinh viên trúng tuyển sư phạm năm nay sẽ được truy lĩnh tiền học phí và sinh hoạt phí sau (có thể là năm tới).

Phóng viên: Trong Nghị định có đề cập đến vấn đề địa phương đấu thầu lựa chọn cơ sở đào tạo giáo viên cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên.

Quan điểm của thầy về quy định này như thế nào? Nhiều người lo ngại việc đấu thấu sẽ khiến việc đào tạo giáo viên như một món hàng, và các trường chỉ chăm chăm lo việc làm hồ sơ dự thầu?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Đấu thầu đào tạo giáo viên thì các trường sẽ tạo ra một bộ phận để chỉ chuyên lo hồ sơ đấu thầu. Mà như vậy thì không còn phù hợp với môi trường sư phạm, bởi trường chỉ nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên.

Nên có thể thực hiện theo cách “đấu thầu” nào đó chứ không phải là đấu thầu theo kiểu như các doanh nghiệp hay dự án... Ở đây, dùng từ đấu thấu là không phù hợp lắm.

Ngoài ra, việc đấu thầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh, so sánh khi đơn vị này thắng thầu hoặc thua thầu, như vậy có lo ngại vấn đề tiêu cực phát sinh. Cũng có thể, trường này dùng lăng- xê hay vận động để thắng thầu…

Tất cả nó đặt ra nhiều nghi ngờ về tính minh bạch, công bằng… Những cái này còn quá mới đối với việc đào tạo giáo viên nên cần phải xem xét và suy nghĩ kỹ.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!

TẤN TÀI (thực hiện)