Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách cần quan tâm đều các vùng miền

18/06/2021 06:50
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tránh tình trạng tập trung hết ở thủ đô (nơi tập trung nhiều trường đại học lớn), đồng ý thủ đô là tinh hoa của đất nước nhưng các vùng miền cũng quan trọng.

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế khi góp ý về đề án 89 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai.

Đề án 89 đặt mục tiêu đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ Tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ. Ảnh: AN

Đề án 89 đặt mục tiêu đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ Tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ. Ảnh: AN

Theo thầy Linh, hiện các cơ sở đào tạo Đại học ở Việt Nam đang rất nỗ lực để nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhất là những ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hôi.

Quyết định 89/TTg cũng với mục đích có nguồn tài chính đầu tư đào tạo giảng viên có trình độ cao như Đề án 322 và 911 đã thực hiện. Đây là quyết định hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay mà các cơ sở giáo dục đại học mong muốn.

“Việc cử giảng viên đi nước ngoài đào tạo hay nói cách khác là nhân sự của mình (giảng viên cơ hữu) hoàn toàn chủ động.

Tôi không tán thành việc thu hút nguồn lực có trình độ cao mà không tâm huyết, lúc đó rất khó để xây dựng phát triển một ngành học nào đó. Quan điểm của tôi nội lực vẫn là quan trọng số 1. Vấn đề chọn ai đi học hay ngành nào được đào tạo Tiến sĩ và phải theo vùng miền mới khả thi.

Tuy nhiên, sau khi được đào tạo có trình độ cao, họ phải tâm huyết với cơ quan cử đi học và chọn con đường trở về để cống hiến. Cơ quan hay cơ sở giáo dục đại học cũng tạo điều kiện và môi trường để họ nâng cao thu nhập.

Theo tôi, người được đi học về trước hết phải làm gì cho ngành học, phải nghĩ mình phải làm gì trước mới đòi hỏi các điều kiện khác”, thầy Linh nói.

Từ thực tiễn triển khai hai đề án 322 và 911, nhiều trường đại học đã đúc rút được những thiếu sót, sai lầm khiến hai đề án ngàn tỷ này không đạt được mục tiêu.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là đề án 89 lần này có tạo nên sự khác biệt và hoàn thiện được mục tiêu đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ Tiến sĩ trong 10 năm.

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh chia sẻ rằng, để đề án 89 phát huy hiệu quả thì trước hết, ngành hay Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tạo ra sự công bằng cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học, cả công lập và dân lập, có nghĩa là cơ sở nào cũng được chọn tuy nhiên căn cứ vào năng lực từng cơ sở giáo dục đại học.

Tránh tình trạng tập trung hết ở thủ đô (nơi tập trung nhiều trường đại học lớn), đồng ý thủ đô là tinh hoa của đất nước nhưng các vùng miền cũng quan trọng và cần được ưu tiên.

Thứ nữa là phải chọn đúng ngành và đúng người (phải có năng lực đào tạo hay học) để người được đào tạo tiến sĩ (có bằng cấp) phải có năng lực tương xứng và ứng phó linh hoạt trong điều kiện thực tiễn nước ta. Tránh tình trạng đào tạo những em thiếu thực tiễn, ít trải nghiệm nhưng khi có bằng cấp lại đòi mình có địa vị cao.

“Đề án cũng cần tăng cường đào tạo Tiến sĩ trong nước để giữ nguồn thực, có thể cử đi học ở nước ngoài để mở rộng tầm nhìn và học phong cách làm việc của họ từ 3-6 tháng và xây dựng các tạp chí khoa học Việt Nam có uy tín trên thế giới (cần có sự đầu tư thực sự).

Ngoài ra, phải ưu tiên một số ngành công nghệ và khoa học cơ bản. Đồng thời, ưu tiên những cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định (kế cả kiểm định bảo đảm chất lượng nội bộ), nhất là các ngành học có nhu cầu của doanh nghiệp cao”, thầy Linh cho biết.

Cũng như các đề án trước đó đã triển khai, đề án 89 cũng phải đối mặt với một vấn đề nan giải là giảng viên được cử đi học nước ngoài rồi không về mà ở lại nước ngoài định cư.

"Thực tế, có nhiều người đi học rồi trở về tổ quốc nhưng trở lại nước ngoài, theo tôi ai thích đi cho họ đi, chúng ta không ngăn cấm. Nhưng cần có ký cam kết sau học Tiến sĩ xong phải làm việc ít nhất là 5 năm hoặc đền bù khoản kinh phí 2 -3 tỷ đồng/người nếu ra đi trước 5 năm.

Hơn nữa, chế độ tiền lương cần phải được nâng lên phù hợp (3-5 bậc) với cống hiến của họ, không cào bằng.

Ví dụ, một Tiến sĩ mới trở về cần có 1 – 2 bài báo xuất bản trên danh mục WoS hay có 1 quy trình công nghệ chuyển giao có nguồn thu 500 triệu trở lên hoặc 1 sản phẩm được thương mại hay đăng ký thành công sở hữu trí tuệ Việt Nam trong năm đó", thầy Linh chia sẻ thêm.

AN NGUYÊN