Đào thải là điều cần thiết nếu muốn thị trường hóa giáo dục

02/12/2012 06:00
Theo Song moi
Kể từ năm 1986, cụm từ “cơ chế thị trường” bắt đầu đi vào đời sống của người dân, xen vào từng bữa cơm gia đình, dần lan sang cả hệ thống giáo dục. Đã xuất hiện hàng loạt trường đại học ngoài công lập, cũng như vô số trường than “ế” có nguy cơ đóng cửa bên cạnh những trường đang tuyển sinh đều đặn. Ngay cả các trường đại học công, trước đây vốn ung dung nấp bóng Nhà nước, một mình một cõi, cũng lâm vào thế khó trong việc tuyển sinh và nhiều ngành học đang có nguy cơ đóng cửa.
Đã gọi là “thị trường giáo dục” thì tất yếu phải có cạnh tranh, và như vậy thì phải có lỗ có lãi, có người mừng, có kẻ khóc. Giáo dục Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi sức mạnh người tiêu dùng - người học và phụ huynh bắt đầu vượt lên trên sức mạnh hành chính để định vị lại thị trường. Họ chính là những người xem xét giá trị gia tăng mà bốn năm học đại học mang lại, buộc cả hệ thống trường công và trường tư phải cùng thay đổi để phù hợp với cầu của họ. Đối với mỗi người học và gia đình, chi phí đại học chính là khoản đầu tư cho tương lai, và dĩ nhiên phải tính đến yếu tố “chi phí” và “đầu ra”. Chi phí trung bình cho một sinh viên tại đại học công lập là 560.000 đồng/tháng còn ngoài công lập là 2.395.980 đồng/tháng, cán cân nghiêng về bên nào thì không còn phải bàn.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet
Xét trên bình diện chung, cả trường công lẫn trường tư đều chưa đào tạo được cái mà thị trường cần. Không chỉ ngành học chỗ thừa chỗ thiếu, những kỹ năng cần thiết, bên cạnh kiến thức, cũng chưa được chú trọng. Giáo dục Việt Nam vẫn nặng sách vở, đếm câu đếm chữ trong bài thi hơn là xem sinh viên hiểu được cái gì. Ngay từ cái đề thi, mang tiếng là “mở” thì chiếm 4/5 là… lý thuyết, mảnh đất tốt “nuôi trồng” quay cóp, 1/5 mang tiếng “hỏi ngoài” song cuối cùng vẫn quẩn quanh những câu chuyện cũ kỹ đã được xới đủ trong các kỳ thi trước đó hay trong những cuốn giáo trình kín đặc chữ. Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, tuyển dụng lao động chỗ thừa chỗ thiếu, chất lượng trong giáo dục đại học ngày càng đi xuống, các thí sinh ngày càng ý thức lựa chọn ngành nghề và trường để vào.
Ấy vậy mà, trước việc các trường tư thục kêu khó tuyển sinh, hầu hết các ý kiến đều nghiêng theo hướng “mòn” khi cho rằng đó là hậu quả của việc mở cửa trường học tràn lan. Thế nhưng, theo thống kê trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì với 412 trường đại học, cao đẳng cho 90 triệu dân Việt Nam thì chẳng nhằm nhò gì so với Trung Quốc có hơn 4.000 trường đại học, cao đẳng trên 1,3 tỉ dân; Singapore có khoảng 68 trường đại học, cao đẳng trên 3 triệu dân; Hoa Kỳ có 4.495 trường đại học, cao đẳng trên 314 triệu dân… Mà nếu như thế vẫn bị coi là “thừa” thì ai là người đã cấp phép cho cái sự tràn lan ấy? Người dân đã được chứng kiến ai bị thương đâu? Hơn nữa, “người bán” càng đông thì thị trường càng cạnh tranh, từ đó mà chất lượng giáo dục cũng nhanh chóng được thay đổi. Năm nào cũng kêu tỷ lệ giáo viên, trường học trên số học sinh quá ít, vậy thì hà cớ gì để đổ tại những người có nhu cầu tham gia cung ứng một loại hình dịch vụ đặc biệt cấp thiết cho xã hội?
Trường dân lập vẫn nặng yếu tố kinh tế hơn giáo dục, các trường tư thục tạo dựng được uy tín vẫn chưa nhiều. Nhưng nếu không có sự tham gia của trường tư thục, thì các trường công vẫn cứ ì ạch mà bước. Nhờ việc nhiều trường dân lập đang gây được ấn tượng tốt, thu hút một số lượng lớn học sinh theo học, nên các trường công cũng không muốn kém miếng từ nguồn thu không nhỏ của các đơn vị ngoài công lập này mới sinh ra những “mô hình giáo dục chất lượng cao”.

Ở Mỹ, Nhà nước hầu như chỉ đóng vai trò trợ cấp tài chính cho người học và can dự vào nội bộ một trường khi trường đó có những vấn đề nghiêm trọng, còn các trường phải tự quyết chương trình và tự chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình, thì ở Việt Nam bàn tay công quyền lại đẩy vấn đề kinh phí sang cho người dân và can thiệp vào những chi tiết nhỏ nhặt, lặt vặt thay vì định hướng tầm phát triển vĩ mô. Từ đó tạo chỗ dựa vững chắc cho các trường cứ "đổi" mãi mà chưa "mới". Cái mà “thị trường giáo dục” Việt Nam thiếu là chưa có một bàn tay quản lý đúng nghĩa để thắt chặt ngay từ khâu định hướng, cấp phép hoạt động và xử lý nhanh chóng khi bất cứ một đơn vị nào giải thể để tránh làm tổn hại lợi ích của các bên có liên quan, mà ở đây quan trọng nhất là giáo viên và học sinh.

Dù đau lòng, nhưng “không thấy nguy thì không biết sai đường”, cái chết của các trường, các ngành không thể chiêu sinh nổi là điều cần thiết để chấn chỉnh lại khung cơ bản cho bức tranh giáo dục nhập nhằng, chằng chịt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và cũng không chỉ ngành giáo dục…

Theo Song moi