Đất nước sẽ ra sao với những bảng thành tích giáo dục nhiều gian dối?

15/11/2012 06:05
Nguyễn Đình Yến
(GDVN) - Có hiệu trưởng nào, giáo viên nào vui được khi trường mình thấp thua so với trường khác? Không ai muốn thế, họ âm thầm chạy đua dù trong thâm tâm không muốn. Học sinh thiếu điểm phải nâng khống cho chúng lên cho lớp. Thi cử cũng có trăm nghìn cách để học sinh làm được bài. Học sinh thì sung sướng, phụ huynh thì thỏa mãn, chính quyền thì có thành tích. Ai cũng được cả. Không ai cần quan tâm vận mệnh tương lai của đất nước sẽ ra sao với một bảng thành tích gian dối.
Tôi công tác trong ngành giáo dục đã gần 35 năm. Thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để thấy căn bệnh trầm kha của ngành là bệnh thành tích và gian lận trong thi cử là một thứ không dễ dàng bỏ đi được.

Vừa rồi, chuyện gian lận thi cử tại Đồi Ngô – Bắc Giang đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, bao nhiêu lời tâm huyết của các nhà giáo dục, làm đau đầu bao nhiêu cấp lãnh đạo, làm tù tội bao nhiêu người và biết bao nhiêu con người đã và đang phập phồng lo sợ. Nhưng tôi nghĩ sẽ không giải quyết được chuyện gì? Tiêu cực trong thi cử và thành tích trong giáo dục sẽ vẫn tồn tại như cái vốn có của nó nếu ta không giải quyết được nguyên căn. Tôi xin nêu ra một số ý nhỏ để bênh vực cho lập luận của mình là không sai.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

>>Toàn cảnh vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang

Bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh của cả hệ thống chính trị chứ không riêng của ngành giáo dục. Tôi còn nhớ rất rõ, năm 1979, đoàn sinh viên sư phạm của tôi đi thực tập tại một xã ven thị trấn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngày hôm đó có thông báo của thầy trưởng đoàn là tối nay sinh viên thực tập coi thi bổ túc văn hóa của xã. Thế là tối đó tất cả chúng tôi đến trường vừa làm giám thị vừa làm thí sinh bởi số người dân đi thi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thế là chúng tôi vừa coi thi vừa làm bài không ghi tên họ.

Sau đó, chúng tôi chấm bài luôn gần 200 bài với kết quả khá cao. Chiều hôm sau, chúng tôi nghe được trên loa truyền thanh là toàn dân của xã đã qua lớp kiểm tra và không ai còn mù chữ. Nghe đâu sau khi chúng tôi về, xã đó được tặng thưởng là lá cờ đầu trong phong trào “Bổ túc văn hóa”, huyện đó cũng có thành tích. Nghĩ lại chuyện ấy, tôi bỗng thấy thật xấu hổ vì mình cũng đã "tiếp tay" cho gian dối, cho căn bệnh thành tích mà bây giờ.

Một dẫn chứng khác, tuyển sinh lớp 10 năm học 2007 – 2008 ở một tỉnh nọ, bài thi môn toán có trên 500 bài thi điểm không (0), thế là ông chủ tịch tỉnh gọi ông giám đốc sở giáo dục lên hỏi nguyên nhân tại làm sao mà điểm 0 quá nhiều như thế. Hội nông nhân dân tỉnh trong phiên chất vấn cũng làm vị giám đốc sở toát mồ hôi vì cái điểm 0 đáng ghét ấy. Ông chủ tịch tỉnh, hội đồng nhân dân nói rất đúng, rất có trách nhiệm. Thế là, từ các năm học sau đó, vị giám đốc sở không biết chỉ đạo thế nào, giáo viên chúng tôi thì thấy vẫn như cũ, nhưng kết quả điểm vào lớp 10 thì khá cao, rất hiếm điểm 0. Ngành giáo dục cả tỉnh lại được khen. Ai cũng nhớ, cách một năm vừa rồi, kỳ thi vào đại học có đến cả ngàn bài thi môn sử bị điểm 0. Trời ơi! cả xã hội phẫn nộ quy trách nhiệm cho ngành giáo dục, nhiều học giả đã phải lên tiếng. Vấn đề là ở chỗ tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, học sinh lên lớp của các trường, các ngành học đều được ghi vào thành tích của chi bộ, đảng bộ, hội đồng nhân dân xã, phường quận huyện... Thành tích tốt sẽ được khen, thành tích chưa tốt sẽ bị chê. Như thế thì có vị hiệu trưởng nào, vị trưởng phòng, giám đốc sở và cả bộ trưởng giáo dục nào muốn bị chê? Tất cả những người đứng trên bục giảng và cả những người đang làm quản lý giáo dục ai cũng muốn không chạy theo thành tích, ai cũng muốn một nền giáo dục thực chất, nhưng có lẽ họ "bất lực", giống như Chí Phèo tuyên bố: “Ai cho ta lương thiện”.
Tiêu cực trong kiểm tra thi cử là phương pháp để đạt thành tích, vì thế nếu không xóa được bệnh thành tích thì làm sao bỏ được tiêu cực trong kiểm tra thi cử? Nếu ngành giáo dục mà xóa tiêu cực, bỏ bệnh thành tích thì chẳng khác nào "gậy ông đập vào lưng ông". Ấy thế nên khi hầu hết dư luận cho rằng các thầy cô giáo ở Đồi Ngô là tội đồ thì cũng có không ít người nghĩ họ là nạn nhân, họ đáng trách nhưng cũng thật đáng thương.

Để đạt chuẩn quốc gia thì bắt buộc trường hằng năm không có học sinh ở lại lớp quá 5%. Để đạt về kiểm định chất lượng giáo dục thì học sinh lên lớp thẳng phải trên 90%, để được cấp ngân sách nhiều vì ngân sách được cấp theo đầu học sinh thì hiệu trưởng phải bảo đảm duy trì số lượng 100%, nhà trường không nên để học sinh ở lại lớp. Từng học kỳ, hằng năm nhà trường phải báo cáo thống kê cho ngành số lượng lên lớp, ở lại lớp, học sinh giỏi... Có hiệu trưởng nào, giáo viên nào vui được khi trường mình thấp thua so với trường khác? Tất cả những ràng buộc đó làm cho thầy cô trên lớp phải âm thầm chạy đua dù họ đâu có muốn. Học sinh thiếu điểm phải nâng khống cho chúng lên cho lớp. Thi cử sẽ có trăm nghìn cách để học sinh làm được bài cho bản thân mình sẽ được danh hiệu này nọ. Học sinh thì sung sướng, phụ huynh thì thỏa mãn, chính quyền thì có thành tích. Ai cũng được cả. Không ai cần quan tâm vận mệnh tương lai của đất nước sẽ ra sao với một bảng thành tích gian dối.

Chất lượng giáo dục khác hoàn toàn chất lượng sản phẩm vật chất khác. Chỉ cần ra đề có thủ thuật một chút, chỉ cần bỏ qua một hành vi gian lận nào đó trong coi và chấm bài thì kết quả sẽ vượt trội. Đố ai mà tìm ra. Tôi dám chắc rằng nếu không có thay đổi một cách toàn diện trong việc quản lý giáo dục thì dù có đến hàng trăm năm nữa, có cả trăm đề án cải cách giáo dục, có cả chục không thì bệnh thành tích sẽ vẫn như cũ và có nguy cơ nặng thêm, không khéo chúng ta sẽ kéo cả dân tộc này đi lạc với quĩ đạo văn minh của loài người.

Nên chăng, để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, cả chế độ ta hãy làm một cuộc cách mạng về giáo dục, phá bỏ toàn bộ cách quản lý lỗi thời, lạc hậu, trả giáo dục về nguyên nghĩa của nó. Để làm được điều đó, rất cần những hoạch định mang tính vĩ mô của những học giả những nhà giáo dục trong và ngoài nước và cả những người làm chính trị.

>>Toàn cảnh vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Mỗi thầy cô giáo là một chiến sỹ thời bình

Học sinh lớp 6 gửi tâm thư tới Bộ trưởng Đinh La Thăng

Chỉ học 2 giờ mỗi ngày, vẫn trở thành thủ khoa đại học

Lá thư cảm động của Tổng thống Obama gửi bé gái có cha đồng tính

Nam sinh "đạp xe 300 km" từ Nghệ An thi đại học phải nhập viện

Thủ khoa ĐH Xây dựng nuôi ước mơ xây nhà cao ốc

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Nguyễn Đình Yến