Dạy - học tiếng nước ngoài trong nhà trường: Giấc mơ còn… xa

20/12/2012 09:50
Theo GD TPHCM
Ước mơ một Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” tiếng Anh đã và đang là động lực thúc đẩy ngành giáo dục triển khai nhiều dự án, đề án liên quan đến đào tạo tiếng Anh trong nhà trường. Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo về việc dạy và học tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở khác. Nhưng đến nay, tại các trường sư phạm của Việt Nam, chưa có trường nào đào tạo ngành này.
Việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hiện nay để Việt Nam có thể hòa nhập với quốc tế.

Cần thiết

Chưa cần nói đâu xa, ngay tại các kỳ thi Olympic các môn, đội tuyển Việt Nam của chúng ta hoàn toàn yếu thế về tiếng Anh và đều phải phụ thuộc vào việc có người dịch. Điều này khiến chúng ta “mất điểm” trước bạn bè quốc tế và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Chính vì vậy, việc đưa tiếng nước ngoài vào giảng dạy các môn khoa học tự  nhiên, công nghệ và tin học theo chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam hoặc chương trình của nước ngoài do Bộ GD-ĐT quy định hoặc phê duyệt; sách giáo khoa và tài liệu dạy học có thể bằng tiếng nước ngoài, tiếng Việt hoặc song ngữ, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép sử dụng là hoàn toàn cần thiết.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)


Hiện nay, trên cả nước, mới chỉ có TP.HCM là thực hiện thí điểm chương trình này. Được biết, toàn TP hiện có 1.600 HS đang theo học. Còn tại Hà Nội, chương trình này chưa được áp dụng ở trường nào. Các trường tiểu học ngoài công lập dù có treo biển dạy tiếng Anh nhưng thực chất chỉ là tăng cường tiếng Anh chứ không dạy các môn toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Cách đây nhiều năm, Bộ GD-ĐT từng chủ trương triển khai dạy một số môn tự nhiên bằng tiếng Anh, phạm vi áp dụng trong trường chuyên. Cũng nhờ có chủ trương này mà tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự  nhiên - ĐH Khoa học Tự  nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội phong trào học tiếng Anh ở cả thầy và trò đều lên rất cao. Trước khi nhập học chính thức, trường còn dành hẳn một tháng 8 chỉ để dạy học bằng tiếng Anh. Ngày thứ 6 hàng tuần được chọn là ngày chỉ nói tiếng Anh. Còn tại các tỉnh khác, tất cả các trường đều “thuần tiếng Việt”.

“Đào” đâu ra người dạy?

Có một thực tế hiện nay, chưa nói đến việc dạy các môn bằng tiếng nước ngoài, chỉ cần có đủ số lượng giáo viên (GV) đạt chuẩn khung B2 theo đề án ngoại ngữ cũng làm các sở GD-ĐT bở hơi tai. Con số GV đạt chuẩn tại một số tỉnh chỉ tính đến hàng chục, chưa thể nói đến hàng trăm. Chính vì vậy, tất cả các địa phương đang tiến hành tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức thi nâng chuẩn cho GV. Ngày 15-12, tại Hưng Yên có 70 GV thi nâng chuẩn từ B1 lên B2, còn tại Vĩnh Phúc có 700  GV cũng thi nâng chuẩn. Thống kê của chính Bộ GD-ĐT  cho thấy, đến giữa năm 2012  này, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu,  cả nước mới chỉ có 1.062/11.784 GV tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2. Nhiều sở đã lên kế hoạch tuyển GV Philippines sang dạy như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Trong khi đó, ở các trường sư phạm của Việt Nam mới chỉ có khoa sư phạm tiếng Anh, còn các khoa sư phạm của ngành khoa học tự nhiên, CNTT đều giảng dạy bằng tiếng Việt, chưa có khoa nào giảng dạy bằng tiếng nước ngoài kể cả ĐH Sư phạm Hà Nội (là trường ĐH đầu ngành đào tạo GV của Việt Nam). Không có đào tạo thì lấy đâu ra GV để dạy trong tương lai?

Theo bà Lê Thị Chính - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội - đội ngũ thầy cô giáo có thể “dạy bằng tiếng Anh” rất ít ỏi. GV ngoại ngữ không thể  dạy toán, lý, hóa. Ngược lại, nhiều  thầy cô rất giỏi toán, lý, hóa nhưng rất ít người có thể dạy bằng tiếng Anh. Để có được đội ngũ GV dạy các môn tự nhiên, CNTT bằng tiếng Anh thì trước tiên, tại các trường sư phạm cũng phải có đội ngũ này. Nhưng từ xưa đến nay, chúng ta chưa hề có. Đây là một khó khăn, thách thức đối với ngành khi dự thảo đi vào thực tế.

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, cho biết: Trường mới chỉ “đưa tiếng Anh” vào dạy tại hai lớp chất lượng cao. Mỗi tuần, HS của hai lớp này được học 2 tiết lý, hóa, sinh, toán bằng tiếng Anh. “Qua thực tế, dạy và học bằng tiếng Anh không dễ dàng. Đừng nghĩ và nói là cho GV đang giảng dạy toán, tin đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh là về có thể dạy toán, tin bằng tiếng Anh. Đó là một ảo vọng”, PGS Lương khẳng định.

Và cũng chính vì quen với cách làm “thiếu chỗ nào bù chỗ ấy” này mà dẫn tới hiệu quả không cao. Đó là chưa kể hiện nay, các kỳ thi của chúng ta đều bằng tiếng Việt và mục tiêu của HS vẫn là vào ĐH. Nếu cách thi và kiểm tra chưa đổi mới thì việc dạy - học các môn bằng 100% tiếng Anh với đủ kiểu giáo trình như hiện nay là bất lợi cho người học.
Theo GD TPHCM