Dạy học tín chỉ tiến bộ nhưng áp dụng ở bậc phổ thông tại Việt Nam thì không dễ

21/04/2021 06:53
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy học theo tín chỉ chính là xu thế đào tạo của thế giới. Song để triển khai cho bậc trung học phổ thông cần cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nhau.

Dạy học theo tín chỉ đã không còn là hình thức xa lạ đối với sinh viên đại học, cao đẳng. Đặc biệt, phương thức này đã cho thấy những hiệu quả tích cực đối với người học và cả quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên triển khai dạy học tín chỉ với học sinh bậc trung học phổ thông. Bởi lẽ, phương thức này giúp tạo sự chủ động học tập cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có khả năng học vượt và kết thúc sớm chương trình.

Bên cạnh đó, tính công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong môi trường giáo dục cũng có thể được phát huy hiệu quả.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Ngô Thành Nam, chuyên gia giáo dục, cố vấn hỗ trợ học tập của Microsoft.

Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, dạy học theo tín chỉ có nhiều điểm tiến bộ, tích cực nhưng để áp dụng cần đảm bảo những yêu cầu khác nhau (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, dạy học theo tín chỉ có nhiều điểm tiến bộ, tích cực nhưng để áp dụng cần đảm bảo những yêu cầu khác nhau (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngô Thành Nam cho biết, đào tạo theo tín chỉ quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm, người học được lựa chọn môn học, thời gian học và cả giáo viên giảng dạy.

Nếu triển khai tốt, hình thức đào tạo này còn giúp người học được lựa chọn lộ trình học tập phù hợp cho mình.

Đối với những học sinh năng lực tốt và có nhu cầu học tập nhanh, các em hoàn toàn chủ động được kế hoạch học tập của mình để đẩy nhanh tiến độ, kết thúc sớm chương trình.

Còn với những học sinh năng lực và khả năng tiếp thu chậm hơn thì nhu cầu của các bạn là cần thêm thời gian học tập. Như vậy, học theo tín chỉ có thể đáp ứng nhu cầu, năng lực học tập của cá nhân mỗi học sinh.

Cũng theo thầy Nam, học theo tín chỉ là xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và đã được áp dụng cho học sinh trung học ở một số quốc gia.

Thầy Nam nêu ví dụ: “Các học sinh trung học Mỹ đã được làm quen với việc tự do chọn lựa những môn học không bắt buộc song song với các môn bắt buộc. Các môn học bắt buộc phổ biến là Văn học, Toán học, Khoa học, Vật lý…

Trong khi đó, các môn không bắt buộc sẽ cho phép học sinh được linh động chọn lớp, chọn giờ, chọn giáo viên sao cho phù hợp với sở thích và định hướng phát triển sau này, cụ thể là các môn học như Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, hay Nghệ thuật”.

Rõ ràng đây là một xu hướng tiến bộ và mở ra nhiều cơ hội học tập cũng như có khả năng tạo ra hiệu quả học tập cao. Tuy nhiên, học sinh phổ thông tại Việt Nam đã quen với dạy học theo niên chế. Chính vì vậy, hình thức đào tạo theo tín chỉ hoàn toàn mới lạ với các em.

Theo thầy Ngô Thành Nam, để áp dụng dạy học tín chỉ cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực vận hành của các cơ sở giáo dục.

“Ngoài ra, khả năng nhận thức của học sinh trong việc học theo tín chỉ cũng là một vấn đề cần quan tâm. Bởi lẽ, chỉ khi nào học sinh hiểu và nhận thức đúng thì phương thức này mới phát huy hiệu quả.

Chúng ta phải tính đến sự chủ động, tự giác trong học tập của học sinh, liệu các em đã biết lên kế hoạch học tập cho mình?

Các em sẽ lựa chọn theo nhu cầu, năng lực hay lựa chọn theo phong trào,... Nếu thiếu định hướng và chỉ lựa chọn theo phong trào, các em sẽ không biết cái gì thật sự cần cho mình, từ đó không thể vạch ra lộ trình học tập phù hợp.

Chính vì vậy, cần có sự chuẩn bị thật kỹ, cân nhắc yếu tố được, mất khi áp dụng hình thức này”, thầy Nam nhấn mạnh.

Theo quan điểm thầy Nam, việc áp dụng dạy học tín chỉ với học sinh trung học cơ sở vẫn còn khá sớm. Bởi lẽ, ở lứa tuổi này, các em vẫn chưa có đủ sự chủ động, ít học sinh có khả năng xác định được kế hoạch học tập cho bản thân.

Để chuẩn bị cho hình thức học theo tín chỉ thì cần có sự chuẩn bị chu đáo, lâu dài từ nhiều phía, tránh mắc phải những vướng mắc, rối loạn từ nhà trường cũng như học sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Thầy Ngô Thành Nam nêu ra ba yêu cầu cần thiết để triển khai hoạt động dạy học tín chỉ.

Thứ nhất, đối với các trường học, các cơ sở giáo dục, cần có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo.

Khi áp dụng hình thức này, có thể nhà trường sẽ cần nhiều phòng học hơn, giáo viên sẽ phải tăng số tiết dạy để đáp ứng theo các nhu cầu khác nhau của học sinh.

Việc chuẩn bị đủ số lượng, phân công giáo viên phù hợp với thời khóa biểu theo đăng ký tín chỉ của học sinh cũng là việc cần quan tâm.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần xét tới yếu tố liên thông và đồng bộ giữa các trường trên địa bàn. Tùy vào điều kiện của mỗi trường học để quyết định việc áp dụng 100% hình thức tín chỉ hay tồn tại song song hai hình thức: theo tín chỉ (dành cho học sinh có nhu cầu) hoặc theo niên chế như hiện tại.

Chương trình giảng dạy khi chuyển qua tín chỉ có thể phải cấu trúc lại nội dung để đồng bộ, liên tục vì các môn học ở phổ thông có liên quan đến nhau chứ không độc lập như ở bậc đại học.

Thứ hai là yêu cầu về sự đổi mới của người thầy. Dạy học theo tín chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của cả thầy và trò, và vai trò của người thầy là quan trọng nhất.

Giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học phù hợp với từng nội dung cần truyền đạt cho học sinh. Thầy cô cũng cần chú ý các yêu cầu, nên nâng dần tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh, đáp ứng được các yêu cầu dành cho hình thức học tập theo tín chỉ.

Thứ ba là yêu cầu đặt ra đối với học sinh. Các em cần xác định được nhu cầu và lộ trình phát triển của bản thân khi học theo hình thức tín chỉ để đạt được mục đích học tập. Ý thức tự học, tự nghiên cứu và kỹ năng sắp xếp thời gian khoa học cũng là yếu tố quan trọng khi học sinh tham gia vào hình thức đào tạo này.

Phạm Minh