Dạy liên môn Khoa học tự nhiên, các thầy cô phải tự “làm mới” mình để thích ứng

15/01/2022 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có trường đã mạnh dạn để các thầy cô trong tổ Khoa học tự nhiên học hỏi, tự bồi dưỡng, vừa dạy và rút kinh nghiệm để một giáo viên dạy 3 môn, như vậy cũng hợp lí.

“Môn Khoa học tự nhiên bao gồm 3 môn Lý, Hóa và Sinh và nếu bây giờ triển khai một thầy cô dạy cả 3 môn thì cũng khá khó khăn cho giáo viên, bởi trong một khoảng thời gian rất dài họ được đào tạo đơn môn, và cũng đã dạy đơn môn khá lâu.

Một điều nữa là các thầy cô trong nhóm lớn tuổi thì động lực học tập, khả năng thích ứng,... sẽ bị chậm hơn, sức ỳ cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, các nhà trường cũng cần có các giải pháp cụ thể. Ở cấp trung học cơ sở thì môn Khoa học tự nhiên dễ dàng hơn bởi lượng kiến thức chưa nhiều, nên các thầy cô có thể tham gia vào các khóa học bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức,…để có thể tham gia dạy môn tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Đối với chương trình Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học phổ thông thì kiến thức rất nhiều và khó hơn nên việc dạy được cả 3 môn sẽ rất khó khăn, vậy nên bắt buộc phải có giải pháp nào đó như: Cùng một môn Khoa học tự nhiên, các nhà trường có thể phân bổ thời lượng thế nào để các thầy cô đơn môn có thể dạy trong tổ hợp đó.

Có thể hiểu là hình thành một “bộ” giáo viên trong trường để triển khai dạy được các nội dung của tổ hợp đó, như vậy vẫn tận dụng được nguồn nhân lực, và giai đoạn đầu triển khai các thầy cô sẽ không bị bỡ ngỡ”.

Thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên dạy môn Sinh học Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo thầy Công: "Các thầy cô cần phải có ý thức cao độ trong việc tự làm mới mình, tự học hỏi, cập nhật chuyên môn, có như vậy mới thích ứng được với điều kiện giảng dạy mới". Ảnh: NVCC.
Theo thầy Công: "Các thầy cô cần phải có ý thức cao độ trong việc tự làm mới mình, tự học hỏi, cập nhật chuyên môn, có như vậy mới thích ứng được với điều kiện giảng dạy mới". Ảnh: NVCC.

Theo thầy Công: “Các thầy cô phải được đi học, được bồi dưỡng để đạt được các chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn nữa bản thân các thầy cô cũng phải tự học thật nhiều để có thể dạy được chứ không chỉ trông chờ vào kiến thức ở lớp bồi dưỡng.

Ngay cả môn chính các thầy cô đã được đào tạo 4 năm ở trường đại học thì lượng kiến thức có được đều là trong quá trình các thầy cô thực dạy, khi các thầy cô còn là sinh viên thì kiến thức được học cũng chỉ là một phần mà thôi, sau này khi các thầy cô công tác giảng dạy cũng học được thêm nhiều kĩ năng, nhiều kinh nghiệm để bài giảng hay và hấp dẫn, lượng kiến thức cũng “chín” hơn.

Còn nếu bây giờ các thầy cô đi học, mà cũng chỉ học ở mức chứng chỉ, thậm chí là học thời gian rất ngắn, kiến thức không được sâu, không được kĩ, chẳng hạn như vậy thì rất cần các thầy cô phải tự học tập, tự trau dồi tìm hiểu thêm kiến thức, phải được thực hành nhiều hơn thì phương pháp kĩ năng những môn “tay trái” mới được đảm bảo chất lượng kiến thức trong quá trình giảng dạy thực tế trên lớp”.

3 thầy cô dạy song song liệu có đạt chuẩn yêu cầu?

Thầy Công nói: “Hiện nay có một số trường triển khai 3 thầy cô cùng dạy song song môn Khoa học tự nhiên, theo tôi cái được ở đây là các trường tận dụng được ngay các thầy cô đang công tác, và cũng ít gây xáo trộn tới việc phân lịch thời khóa biểu, cũng như đội ngũ nhân lực của nhà trường.

Nhưng có điểm chưa được là, theo yêu cầu của môn Khoa học tự nhiên ở chương trình mới là một môn tích hợp, không đơn thuần là tách riêng 3 môn ra. Bây giờ các trường triển khai theo hướng 3 giáo viên dạy song song 3 môn thì cũng tạm được, nhưng theo tôi đó là mang tính chất ứng phó tạm thời, bắt buộc mọi người phải thích ứng và trong đó có học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục.

Ví dụ: Lúc đầu các thầy cô chưa dạy được 3 môn thì có thể dạy 2 môn, dần dần tích hợp, nâng dần năng lực bản thân sẽ tốt hơn. Chương trình Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở thì Lý, Hóa, Sinh cũng chưa quá khó, quá phức tạp, nên các thầy cô tự học hỏi, mầy mò, tự đào tạo hoặc tham gia các khóa học để có thể đảm nhiệm dạy cả 3 môn thì cũng rất là tốt cho học sinh.

Còn ở chương trình cấp Trung học phổ thông thì đòi các thầy cô phải có một quá trình đào tạo bài bản hơn trong một thời gian dài, hoặc được đào tạo dạy môn Khoa học tự nhiên.

Theo một lộ trình trong tương lai thì các cơ sở đào tạo đại học, nhất là các trường Đại học Sư phạm có đào tạo giáo viên dạy tích hợp cả 3 môn thì học sinh sẽ là người hưởng lợi, bởi kiến thức môn này theo tính thống nhất.

Tôi thấy, nếu ở các trường đại học, Đại học Sư phạm hiện nay đang đào tạo sinh viên khoa Lý, Hóa thì sinh viên có thể đồng thời học thêm các văn bằng khác của khoa Sinh hoặc ngược lại để có thể đạt được trình độ dạy môn tích hợp, đây cũng là hướng để sinh viên hoặc các thầy cô có thể đi theo, đồng thời các cơ sở giáo dục Sư phạm cũng nên hướng tới trong tương lai ”.

Thầy cô và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Thầy cô và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Sách giáo khoa mới nhưng dạy theo kiểu cũ?

Thầy Công nêu quan điểm: “Nếu dạy đúng logic liền mạch kiến thức theo chương trình sách giáo khoa mới là tốt nhất, bởi cả 3 môn nằm trong một tổng thể thống nhất là môn Khoa học tự nhiên.

Còn trong trường hợp phải tách ra dạy riêng 3 môn, theo tôi ở một khía cạnh nhỏ nào đó vẫn có thể đảm bảo được, nhưng điều quan trọng là “bộ” giáo viên trong nhà trường phải cùng thảo luận, thống nhất được với nhau, quá trình cùng phối hợp dạy các môn như thế nào để truyền tải kiến thức tốt nhất cho học sinh. Nếu không vẫn dạy 3 môn khác nhau thì cũng như trước đây, khi đó vẫn là 3 môn riêng rẽ, vậy là không đổi mới.

Nhìn chung, các thầy cô phải tự “làm mới” mình để thích ứng với điều kiện mới, thời kì giảng dạy theo chương trình mới, ai cũng vậy thôi. Nếu không tự học hỏi, cập nhật kiến thức mới, không thích ứng thì sẽ bị đào thải.

Tôi biết hiện nay có một số trường phổ thông, mặc dù giáo viên chưa được đi dự các lớp bồi dưỡng tín chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, nhưng ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn để các thầy cô trong tổ Khoa học tự nhiên bồi dưỡng cho nhau, tự học hỏi các môn trong tổ hợp, và vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để một thầy cô đảm nhiệm dạy cả 3 môn trong tổ hợp, tôi thấy phương pháp này cũng khá hợp lí.

Điều quan trọng nhất trong quá trình đào tạo lại này là ý thức của người học và cách giáo viên truyền đạt. Còn việc các thầy cô tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, hay dài hạn nhưng nếu không tự ý thức phải học một cách nghiêm túc, có sẵn thái độ học tập không tốt mang tính ứng phó thì cũng sẽ không hiệu quả.

Nếu các thầy cô tự ý thức cao, tự xây dựng được chương trình học, tự bồi dưỡng cho nhau để tạo ra những giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên thì theo tôi đó là điều rất tốt, sau này các thầy cô trong quá trình giảng dạy sẽ dần chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo truyền đạt kiến thức hiệu quả, cộng với việc đi học thêm các lớp bồi dưỡng tín chỉ.

Thầy cô cần phải có ý thức cao độ trong việc tự làm mới mình, tự học hỏi, cập nhật chuyên môn, có như vậy mới thích ứng được với điều kiện giảng dạy mới, sau đó chuẩn hóa bằng các chứng chỉ theo quy định để có thể đạt tiêu chuẩn tham dự vào các quá trình dạy học trong giai đoạn mới”.

Tùng Dương