Dạy nghệ thuật mà bó buộc khuôn mẫu sẽ làm học sinh mất đi cá tính

26/06/2022 06:58
Hiền Lương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ khẳng định mình trong lĩnh vực hội họa, thầy Nguyễn Tuấn Sơn còn là người gieo trồng “mỹ cảm” trong công tác giáo dục nghệ thuật nhiều năm nay.

“Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà là công việc của người khơi dậy ngọn lửa tâm hồn”, điều này đúng với thầy giáo – họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, thuộc Trường Đại học sư phạm Hà Nội).

Không chỉ khẳng định mình trong lĩnh vực hội họa, thầy Nguyễn Tuấn Sơn còn là người gieo trồng “mỹ cảm” trong công tác giáo dục nghệ thuật nhiều năm nay.

Mỗi tiết học của thầy Sơn đều tràn ngập tiếng cười và sự vui thích của học sinh. (Ảnh: NVCC)

Mỗi tiết học của thầy Sơn đều tràn ngập tiếng cười và sự vui thích của học sinh. (Ảnh: NVCC)

‘‘Đây chính là con đường, là ngôi trường mà tôi nên tới”

Mối duyên giữa thầy Nguyễn Tuấn Sơn với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành bắt đầu từ cuộc hội ngộ đặc biệt với Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư Vương Dương Minh – Hiệu trưởng đầu tiên của trường Nguyễn Tất Thành.

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: “Vào năm 2003, tôi có cơ hội gặp gỡ với thầy Vương Dương Minh. Khi đó, thầy Minh chia sẻ với tôi về dự định bồi dưỡng, phát triển các môn nghệ thuật cho học sinh nhà trường. Điều mà rất hiếm trường trung học phổ thông nào dám thử nghiệm thời điểm đó.”

Xúc động trước tầm nhìn của người lãnh đạo đáng kính, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, bấy giờ là chàng trai mới tốt nghiệp, đã tin tưởng rằng: ‘‘Đây chính là con đường, là ngôi trường mà mình nên tới.”

“Ban đầu, tôi được phân công dạy Mỹ thuật cho khối Trung học phổ thông hệ chất lượng cao. Thật may mắn khi lãnh đạo nhà trường, hội phụ huynh và các em học sinh đều hưởng ứng nhiệt tình, cứ thế ngoài việc là một họa sĩ, tôi còn mang chức trách của một người giáo viên.”

Trong nhiều năm giảng dạy, thầy Nguyễn Tuấn Sơn đã mang lại cho bộ môn Mỹ thuật trường Nguyễn Tất Thành nhiều thành tích đáng nể.

Tiêu biểu như học trò của thầy đã giành giải Vàng Liên hoan mỹ thuật quốc tế bậc trung học phổ thông; 03 giải Nhất cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC) cấp quốc gia; giải thưởng cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACAWC) cấp quốc tế và nhiều giải thưởng mỹ thuật khác.

Thầy Sơn luôn tìm ra cách học mới và tự tay làm mẫu để giúp học trò tiếp thu bài tốt nhất. (Ảnh: NVCC)

Thầy Sơn luôn tìm ra cách học mới và tự tay làm mẫu để giúp học trò tiếp thu bài tốt nhất. (Ảnh: NVCC)

Trước bề dày thành tích đạt được, thầy Nguyễn Tuấn Sơn không cho đó là sự thành công. Đối với anh, việc bồi dưỡng, giúp học trò tìm ra con đường phát triển riêng mới là những thành công tuyệt vời nhất.

Thầy Sơn chia sẻ: “Là một họa sĩ mang sứ mệnh nhà giáo, tôi ý thức được việc của mình là phải đưa mỹ thuật phục vụ cho giáo dục đương đại. Với tôi, thành tích cá nhân không quan trọng mà sự trưởng thành của các em mới là những món quà quý giá".

Ở giờ học của thầy Nguyễn Tuấn Sơn, các em luôn được thoải mái sáng tạo và bung tỏa trí tưởng tượng. (Ảnh: NVCC)

Ở giờ học của thầy Nguyễn Tuấn Sơn, các em luôn được thoải mái sáng tạo và bung tỏa trí tưởng tượng. (Ảnh: NVCC)

Dạy Mỹ thuật không nên dùng lối tiếp cận cứng nhắc…

Gần 20 năm công tác, tiết học Mỹ thuật của thầy Sơn luôn diễn ra trong sự mong đợi của các học trò. Mỹ thuật là môn học đòi hỏi tính sáng tạo nên thầy hướng tới việc giảng dạy ở những không gian mở, ví dụ như sân trường, vườn cây, các di tích văn hóa...

Thay vì bó buộc trong phòng học chật hẹp, giờ Mỹ thuật trở nên sôi động, rộn ràng như một chuyến đi dã ngoại. Bỏ qua mẫu vật khô khan, thầy Nguyễn Tuấn Sơn hướng dẫn các em quan sát thiên nhiên, kiến trúc, con người, dùng nền gạch làm giấy, lấy phấn thay chì màu, thỏa sức tô vẽ theo trí tưởng tượng.

Thầy Sơn cho biết: “Điều quan trọng để tiết học Mỹ thuật trở nên sôi động là không được dùng lối tiếp cận cứng nhắc. Phương pháp dạy truyền thống vẫn giúp học sinh hiểu bài nhưng lại cản trở sáng tạo, khiến các em biết vẽ nhưng khó vẽ đẹp, vẽ sâu. Quan trọng nhất, sự bó buộc khuôn mẫu sẽ làm các em mất đi cá tính.

Với mỗi tiết Mỹ thuật, tôi luôn cố gắng lắng nghe suy nghĩ của các em, đánh giá năng lực từng em và đưa ra yêu cầu phù hợp. Đặc biệt, giáo viên nên tôn trọng sáng tạo của học sinh và công nhận tác phẩm dù được hay chưa được.”

Theo thầy Nguyễn Tuấn Sơn, giáo viên dạy Mỹ thuật nói riêng hay nghệ thuật nói chung phải có ít nhất ba yếu tố “tri thức – sự thấu hiểu – khả năng tổ chức”. Đây là các điều kiện cần giúp giáo viên làm chủ được lớp học và truyền đạt kiến thức hiệu quả.

Ngoài ra, giảng dạy nghệ thuật cũng cần sự kiên trì và luôn luôn biết cách “chăm sóc tâm hồn”. Nếu người dạy Mỹ thuật không tạo được thú chơi xoay quanh môn học, để sức sáng tạo của bản thân bị mài mòn thì chắc chắn tiết học sẽ nhàm chán.

Các lớp học vẽ đầy màu sắc của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

Các lớp học vẽ đầy màu sắc của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn bày tỏ: “Xã hội càng hiện đại thì kỳ vọng với giáo viên nghệ thuật càng cao, do vậy, người giảng dạy các môn này cần trau dồi bản thân, tích lũy tri thức và tìm ra các phương pháp học tập kích thích sự sáng tạo.

Mặt khác, giáo viên Mỹ thuật phổ thông cần có chính kiến trước ngữ liệu giảng dạy, không nên ôm đồm hoặc dạy theo những ngữ liệu sai. Giáo án Mỹ thuật cũng cần phân bổ hợp lý giữa lý thuyết – thực hành. Đặc biệt, chúng ta nên tránh những giờ học “hình thức” bởi nó không phù hợp với các môn nghệ thuật.”

Giáo dục nghệ thuật là ‘‘hạt mầm” của chân, thiện, mỹ

Không dừng lại ở giáo dục Mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn còn đánh giá cao vai trò của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường hiện nay.

Thầy Sơn chia sẻ: “Tôi cho rằng, việc đưa Âm nhạc và Mỹ thuật vào chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn hợp lý. Chưa nói tới châu Âu, nhiều nước Đông Nam Á từ lâu đã áp dụng và thu được những tín hiệu tích cực. Tức là ngoài việc bồi dưỡng tri thức, học sinh còn được chú trọng bồi dưỡng tâm hồn.

Nói sâu hơn, giáo dục nghệ thuật giúp học sinh phát triển toàn diện và gieo mầm chân – thiện – mỹ trong mỗi con người. Mục đích cao nhất của giáo dục là giúp các em có tri thức, hiểu lễ nghĩa, hoàn thiện kỹ năng, sống nhân ái, biết phát hiện và cảm thụ cái đẹp.

Hơn nữa với học sinh trung học phổ thông (đặc biệt ở khối 10), đây là giai đoạn các em bắt đầu có định hướng nghề nghiệp. Sẽ thế nào nếu một em học sinh học rất giỏi nhưng lại sống thụ động, tương tác kém, năng lực hòa nhập kém? Giáo dục nghệ thuật sẽ lấp đầy những khoảng trống đó.”

Trước thực trạng các môn Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn bị “ngó lơ” tại một số trường học, thầy Nguyễn Tuấn Sơn thẳng thắn bày tỏ:

“Cũng giống như các môn khác, Âm nhạc và Mỹ thuật đều cung cấp kiến thức, hình thành kỹ năng và dẫn dắt người học tới một trình độ nhất định".

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn, giáo viên Mỹ thuật trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (ở giữa). (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn, giáo viên Mỹ thuật trường Trung học cơ sở &

Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (ở giữa). (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn cũng khẳng định, tình trạng phân biệt “môn chính – môn phụ” thường xuất phát từ định hướng giảng dạy của nhà trường, tâm lý của phụ huynh và ‘‘khúc mắc” với môn học từ chính các em.

“Điều may mắn là chương trình giáo dục nghệ thuật cho khối phổ thông được trường Nguyễn Tất Thành áp dụng từ rất sớm. Vào năm 2003, trường chính thức triển khai môn Mỹ thuật cho các lớp chất lượng cao.

Tới nay, hoạt động âm nhạc, hội họa của trường vẫn luôn sôi nổi. Nhiều cuộc thi âm nhạc, mỹ thuật, trình diễn nghệ thuật được tổ chức xuyên suốt năm học. Đặc biệt, nhà trường thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật chuyên sâu, giúp các em thỏa mãn đam mê và khám phá năng khiếu của chính mình.”

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn cùng học trò tham gia giải Vô địch thiết kế đồ họa Quốc tế. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn cùng học trò tham gia giải Vô địch thiết kế đồ họa Quốc tế. (Ảnh: NVCC)

Nên giáo dục nghệ thuật theo hướng quốc tế

Trước những ‘‘bước chạm” đầu tiên của chương trình phổ thông mới, quan điểm về các môn học nghệ thuật phần nào đã thay đổi. Thầy Nguyễn Tuấn Sơn mong muốn giáo dục nghệ thuật nước nhà đi theo hướng chuẩn quốc tế, bắt nhịp với xu hướng đào tạo nghệ thuật mới của Mỹ, Pháp, Anh hay Singapore. Việc chuẩn hóa này cần một thời gian dài nhưng chắc chắn “diện mạo” giáo dục nghệ thuật Việt Nam sẽ “thay da đổi thịt”.

“Tôi khuyến khích học sinh kết hợp giữa mỹ thuật và công nghệ - 2 nhân tố đại diện cho nghệ thuật và đặc trưng thời đại. Cùng một chủ đề nghệ thuật, các bạn có thể triển khai theo hình thức đa phương tiện như hội họa, hình ảnh, video, điêu khắc, sắp đặt…

Thời điểm hiện tại, tôi tiếp tục đồng hành cùng học sinh trong các dự án mỹ thuật, giúp các em thay đổi cách nhìn về môn học tưởng như “có hay không đều được”. Để làm được điều này, lãnh đạo - nhà trường - thầy cô chính là những người giữ chìa khóa.”

Hiền Lương