Dạy thật, học thật nói thì dễ nhưng thực hiện khó vô cùng!

23/05/2021 21:08
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chữa ngụy thành tích trong giáo dục bây giờ khó vô cùng khi mà ngay cả một bộ phận thầy cô giáo đang giảng dạy cũng không dám đánh giá thật học trò của mình.

Chúng ta đều biết, cái “thật” vẫn là chủ đạo ở ngành giáo dục, phần lớn thầy cô giáo và học trò vẫn đang dạy thật, nhiều học sinh đang học thật nhưng nó cũng đang đan cài tình trạng dạy chưa thật, học chưa thật nên dẫn đến thành tích giả, báo cáo giả.

Nhưng, mấu chốt cuối cùng của mỗi năm học lại là những con số, là số liệu thống kê từ chất lượng bộ môn của mỗi giáo viên, mỗi tổ chuyên môn và của mỗi nhà trường. Số liệu ấy không kể trường chuyên, trường điểm hay trường đại trà, không kể trường có điều kiện hay trường ở vùng khó khăn.

Ai có số liệu đẹp thì gần như đã được mặc định là người đó dạy giỏi, trường đó dạy giỏi và khi khen thưởng thì người ta cũng căn cứ vào những con số này chứ chẳng mấy nơi căn cứ vào chuyện dạy thật, học thật ở trên lớp làm gì nữa.

Bệnh thành tích của một số trường học khiến rất khó đánh giá đúng việc dạy và học (Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Bệnh thành tích của một số trường học khiến rất khó đánh giá đúng việc dạy và học

(Ảnh minh họa: Tienphong.vn)

Đánh giá việc dạy, học thật đang…rất khó

Thực ra, để đánh giá một giáo viên đứng lớp dạy giỏi bây giờ rất khó và chẳng ai lại tự đi nhận mình là người dạy dở bao giờ. Ngay cả việc các cấp tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi hiện nay cũng chỉ là tương đối khi công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.

Bởi, với hướng dẫn Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hiện nay thì khi giáo viên đăng ký Hội thi giáo viên dạy giỏi thì chẳng mấy khi bị trượt, gần như đa phần đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi.

Chẳng hạn như Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện cũng rất hiếm giáo viên thi trượt. bởi mỗi giáo viên thực hiện báo cáo một biện pháp nâng cao chất lượng trong giảng dạy và dạy thực hành 01 tiết trên lớp nên mọi chuyện đều suôn sẻ.

Khi trình bày báo cáo biện pháp này có thể thực hiện tại đơn vị công tác cũng có thể tại một địa điểm trường học mà Phòng lựa chọn để tổ chức Hội thi.

Việc báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng trong giảng dạy hiện nay tương đối dễ dàng để vượt qua nếu giáo viên chịu khó đầu tư làm một chút, thậm chí lên mạng internet tìm kiếm vài biện pháp rồi chỉnh sửa là ra sản phẩm của mình.

Một số giáo viên thì bỏ ra một chút tiền mua một báo cáo biện pháp vì nó đang được bán tràn lan trên mạng xã hội thì càng tạo được điểm nhấn cho Ban giám khảo chấm thi.

Khi thi thực hành (1 tiết) thì dù được quy định là Ban tổ chức báo trước 2 ngày nhưng cũng đủ để giáo viên chuẩn bị, dặn dò học sinh của mình một cách tốt nhất. Bởi, theo quy định hiện nay thì giáo viên thi tại đơn vị mình công tác, giám khảo sẽ về nơi giáo viên dự thi để chấm nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn trước đây.

Nhưng, đối với cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện thì gần như các thành viên trong hội đồng bộ môn đều biết nhau. Khi Ban giám khảo về trường, đương nhiên là Ban giám hiệu sẽ đón tiếp, cùng ngồi trò chuyện, nước nôi với nhau.

Ban giám hiệu nào mà lại không gửi gắm giáo viên trường mình. Hơn nữa, chỉ có 1 tiết thực hành nên dù giáo viên thi chưa tốt thì các thầy cô là Ban giám khảo cũng chỉ góp ý bên ngoài. Còn đối với phiếu dự giờ thì họ sẽ lựa chọn những từ ngữ phù hợp nhất để có lợi cho giáo viên dự thi.

Vì thế, chỉ giáo viên nào dạy yếu, giáo viên bỏ thi, hoặc trong quá trình giảng dạy để xảy ra sự cố về máy móc (dạy giáo án điện tử) thì mới rớt chứ còn dạy bình thường thì gần như giáo viên nào tham gia là đều đậu.

Thi giáo viên giỏi cấp huyện còn vậy thì việc thi cấp trường còn được Ban giám hiệu và những giáo viên chấm luôn “tạo điều kiện” tốt nhất cho giáo viên dự thi. Vì phải tạo điều kiện để giáo viên còn có động lực thi đủ 2 năm để tham gia cấp huyện, 4 năm dự cấp tỉnh.

Nếu làm căng, đánh rớt giáo viên thi thì lấy ai đi thi cấp huyện, cấp tỉnh mà đem lại thành tích cho nhà trường? Và, đó là thực tế những tiết thi giáo viên dạy giỏi đang diễn ra hiện nay.

Việc đánh giá, xếp loại tay nghề giáo viên thì mỗi học giáo viên được Ban giám hiệu, tổ trưởng, đồng nghiệp trong tổ dự tối đa mỗi kỳ 2 tiết. Những môn ít giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Sử, Địa mà trường loại II, loại III thì thậm chí chỉ được dự 1-2 tiết/ năm.

Việc kiểm tra, đánh giá học trò hiện nay chỉ đến khi kiểm tra cuối kỳ thì nhà trường mới tổ chức kiểm tra tập trung. Phần lớn chỉ học sinh cuối cấp thì nhà trường mới thực hiện xếp phòng theo số báo danh, rọc phách bài kiểm tra để chấm.

Trước khi kiểm tra thì ôn đi, ôn lại, có những giáo viên còn phát đề cương có sẵn câu hỏi và đáp án cho học trò học thuộc. Đến khi kiểm tra thì học sinh chỉ viết lại phần mà thầy cô đã ôn cho mình vào bài.

Cũng chính vì vậy mà có những môn kiểm tra học kỳ thì học sinh đạt chủ yếu là điểm từ 9 trở lên. Nhìn bảng điểm của học trò, nhìn điểm tổng kết môn của học trò thì không ai có thể nghĩ rằng những trường phổ thông đại trà mà điểm còn đẹp hơn điểm trường chuyên vì chủ yếu là điểm 9 và điểm 10.

Chính vì thầy cô “thương” học trò nhiều quá mà nhiều em cũng thường quên đi nhiệm vụ học tập của mình. Có những em chẳng cần học hành gì nhưng điểm kiểm tra học kỳ vẫn luôn ở mức cao vì cho dù trong phòng có tới 2 giám thị thì cũng không thể nào giám sát hết các hành vi của học trò.

Bởi vì hiện nay chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện kiểm tra tự luận hoàn toàn, các môn còn lại thì có từ 5-6 điểm trở lên là kiểm tra trắc nghiệm.

Lớp học có tới trên dưới 50 học sinh, bàn thì kê sát vào nhau, mỗi bàn luôn có 2 học sinh ngồi thì chỉ vài cái liếc mắt rồi khoanh tròn hay điền vài chữ cái là học sinh dù chẳng học hành gì cũng đã đủ để có điểm trên trung bình, thậm chí là điểm giỏi.

Cũng chính vì vậy mà chuyện học sinh giỏi nhiều không có gì là khó hiểu. Trường hàng ngàn học sinh nhưng nhiều khi còn không có học sinh phải kiểm tra lại vì em nào cũng đủ điểm để lên lớp. Cho dù có môn điểm yếu thì các môn khác cũng nâng đỡ để có điểm trên trung bình.

Tác hại của việc dạy chưa thật, học chưa thật

Cách nay chưa lâu, cũng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài phản ánh về tình trạng thi học sinh giỏi ở một số địa phương.

Chẳng hạn như tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện của huyện Châu Thành (Bến Tre) được tổ chức ở học kỳ I, năm học 2019-2020 có 7 học sinh tham gia thi môn Tin học chỉ đạt từ 1-1,5 điểm/ thang điểm 20 mà vẫn được công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện (đạt giải khuyến khích).

Trong năm học 2018-2019, tại kỳ thi học sinh giỏi của thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) có những thí sinh cũng chỉ 5 điểm là có giải. Những thí sinh thi môn Toán được 11,5 điểm (thang điểm 20) là đạt giải Nhất, thí sinh được 5 điểm là đạt giải Khuyến khích.

Và, đây là những học sinh ưu tú nhất của các đơn vị đã được lựa chọn để “đem chuông đi đánh xứ người”!

Đối với kỳ thi tuyển sinh 10 thì nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy học sinh qua điểm liệt là đậu vào lớp 10 như trường trung học phổ thông Lang Chánh lấy 2,90 điểm/3 môn thi (điểm Văn, Toán hệ số 2).

Có lẽ kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương hiện nay là phản ánh rõ nhất chất lượng dạy và học của các nhà trường trung học cơ sở.

Và, nếu theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10 qua các năm, chúng ta thấy số trường lấy điểm bình quân trên 5 điểm/ môn chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực đô thị và một số trường lớn ở các huyện. Phần nhiều các trường còn lại của cả nước đều lấy điểm dưới trung bình.

Có điều, chỉ cách đó khoảng hơn 1 tháng thì đa số những học sinh lớp 9 được thầy cô tổng kết điểm khá, giỏi và phần lớn các em dự thi tuyển sinh 10 đều đạt được danh hiệu học tập vào cuối năm học…

Nguyên nhân dạy chưa thật, học chưa thật thì nhiều lắm và mọi người đã đọc hàng trăm bài viết trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoặc chứng kiến học trò của mình, con em mình ở nhà…

Chữa bệnh thành tích trong giáo dục bây giờ khó vô cùng khi mà ngay cả một bộ phận thầy cô giáo đang giảng dạy cũng không dám đánh giá thật học trò của mình.

Có lẽ, nhiều lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương và cả giáo viên, phụ huynh không dám nhìn nhận rõ sự thật của vấn đề. Đó là hiện nay có một bộ phận học sinh không chịu học hành nhưng vì nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau mà có những giáo viên vẫn chấm điểm, tổng kết điểm cho các em cao một cách bất thường.

Chúng tôi không phủ nhận sự cố gắng của phần lớn giáo viên và học sinh đang là điểm sáng của giáo dục nhưng rõ ràng những gam màu tối đang đan cài trong ngành đang khiến cho việc dạy thật, học thật trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH