Đề thi tốt nghiệp môn Văn hay và phân hóa được trình độ thí sinh

06/08/2021 18:14
Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở mức độ nhận biết, thông hiểu thì câu hỏi phần Đọc hiểu đã đúng theo ma trận đề và hợp với cấu trúc đề thi như ở kỳ thi đợt 1, cũng như mấy năm gần đây.

Ngay từ bước đọc đề, hẳn thí sinh đã có những cảm xúc và trải nghiệm đặc biệt để làm bài. Rõ ràng đề đã mang đến cho các em một cơ hội nhìn nhận lại những trải nghiệm mới đây của mình, tuy bất đắc dĩ nhưng hẳn sẽ rất có ý nghĩa với mỗi em, không chỉ hiện tại mà cả sau này.

Vì chúng ta đều biết, đối tượng tham gia dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 của năm 2021 này chủ yếu là các thí sinh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa được tham gia kỳ thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 vào ngày 07 - 08/07/2021.

Đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2

Đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2

Ngữ liệu Đọc hiểu hay và có ý nghĩa

Ở phần Đọc hiểu, phần ngữ liệu được trích đạt được các yêu cầu của câu hỏi ở cấp độ nhận biết, thông hiểu là câu 1 và 2 của phần Đọc hiểu, thí sinh có thể dễ dàng làm được bài, vì đáp án nằm trong chính 2 đoạn trích có trình tự rất dễ theo. Khi trả lời về mục đích của việc chăm sóc và giữ gìn hành tinh – “mái nhà thân yêu của bạn” trong hiện tại là để cho các thể hệ mai sau bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch có thể phát triển một cách trọn vẹn trong tương lai. Sau đó, dựa vào nội dung đoạn trích, thí sinh dễ dàng chỉ ra những điều gần gũi, đơn giản nên làm để bắt đầu xây dựng mái nhà chung – hành tinh của chúng ta.

Có thể nhận thấy, ở mức độ nhận biết, thông hiểu thì câu hỏi đã đúng theo ma trận đề và hợp với cấu trúc đề thi như ở kỳ thi đợt 1, cũng như mấy năm gần đây. Theo đó, đề lần này cũng không hề khó với các thí sinh. Song điều hay là từ câu ngỡ là dễ nhất, đề đã nhắc nhở, giáo dục thí sinh về nhận thức (câu 1) và hành động cụ thể (câu 2) cho môi trường sống chung của toàn nhân loại hiện tại và tương lai.

Câu hỏi thứ 3 mang tính chất phân hóa, qua câu hỏi này, có thể thấy được học sinh thi đợt 2 không phải là đối tượng “ưu tiên ưu đãi” đến mức mà đề thi dễ hơn, thuận hơn đợt thi đầu tiên. Đó là câu hỏi yêu cầu thí sinh nêu cách hiểu về câu: “Thực ra, bạn vẫn luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn ở bất kỳ vị trí nào trên hành tinh này”.

Câu trả lời của thí sinh sẽ dựa trên hiểu biết về tính nhân loại, tính toàn cầu lớn lao hay việc trực tiếp giản dị như những gì các em đã trải qua cũng có thể đem lại một điểm số xứng hợp. Đó là vì khi sống trong khu cách ly hay tự cách tự tại nhà thì thí sinh cũng đã thấy khi một người sống thiếu cẩn trọng, sống không nghĩ cho người khác sẽ nguy hại thế nào. Nói rộng ra, đó cũng chính là hoàn cảnh cả nhân loại đang phải đối mặt với dịch bệnh như hiện nay. Cách giữ gìn bất cứ vị trí nào mình đang có mặt cũng là vì quê hương, vì người thân và bản thân mình…

Cô Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Câu hỏi thứ 4 của phần đọc hiểu luôn là câu mở, để thí sinh nói lên suy nghĩ của mình. Đây cũng chính là phần mà thí sinh có thể thể hiện ngắn gọn cảm nhận về sự sống là quan trọng, cần được cùng sống trong môi trường an lành. Bởi vì mọi phân biệt, rào cản đều sai khi chỉ dựa trên những khác biệt bề ngoài. Còn bên trong, tất cả chúng ta đều như nhau, đều phải sống với “dòng máu đỏ” đang chảy trong huyết quản. Về mặt phân hóa, cũng có thể thấy được thí sinh nào hiểu sâu vấn đề sẽ đạt trọn vẹn điểm của câu này. Còn nếu ở mức bình thường thì thí sinh cũng có thể đạt ½ hoặc ¾. Về mặt ý nghĩa của câu hỏi như vậy, cho thấy tính thời sự mà cũng mang giá trị lâu dài.

Câu Nghị luận xã hội: Đề cao tinh thần hợp tác

Câu Nghị luận xã hội nêu về tinh thần hợp tác cũng được coi là sắc sảo vì nội dung rất liên quan nhưng không bị trùng với câu 3, câu 4 của phần đọc hiểu. Đây là phần thí sinh viết về tinh thần hợp tác trong đời sống, đặc biệt là phòng chống thiên tại, dịch bệnh. Có thể lấy dẫn chứng về sự hỗ trợ giữa các quốc gia trong việc cung cấp vắc-xin hiện nay. Sau này, trước việc cần khôi phục kinh tế, ổn định đời sống sau dịch bệnh cho người dân nhiều quốc gia, sự hợp tác, hỗ trợ ở mức độ toàn cầu là cần thiết biết bao nhiêu.

Đoạn Nghị luận xã hội là nơi để các thí sinh viết những gì mình chưa thể viết dài ở câu 3, câu 4. Nếu là học sinh khá giỏi, các em dễ nhìn ra mạch xuyên suốt của vấn đề được nêu ở lần lượt các câu. Đây là tính khoa học và logic của đề. Nhận thức - hành động - trách nhiệm với cộng đồng khi ở bất cứ đâu - Tất cả vì sự sống và tồn tại của nhân loại chung dòng máu đỏ - muốn tồn tại và phát triển thì phải hợp tác.

Nhiều thí sinh có sức học trung bình vẫn làm được bài khi đi vào cụ thể những việc hợp tác, giúp đỡ nhau của các thành viên trong gia đình, hợp tác của bè bạn, hỗ trợ của thầy cô trong học tập, cũng như nêu một số việc vượt khó khăn thử thách. Cách viết cụ thể này là cần và quý, nó có thể đem đến 1,25 đến 1,5 điểm/tổng số 2 điểm của câu. Nhưng nếu thí sinh đi tới sự khái quát lớn hơn, hẳn sẽ đạt tốt đa, một cách xứng đáng. Đó là khi học sinh liên hệ đến vấn đề toàn cầu hiện nay đang cần chung tay.

Vừa dễ lại vừa đảm bảo phân hóa trong câu nghị luận văn học

Câu nghị luận văn học chiếm 1/2 tổng số điểm của bài thi cũng là một câu vừa sức nhưng có phân hóa với thí sinh. Nó khiến cho sự đánh giá thí sinh trở nên rõ từng trình độ hơn. Ở mức đạt yêu cầu, thí sinh sau khi nêu kiến thức chung về tác giả Quang Dũng, về bài thơ "Tây Tiến" và trình bày được nội dung chính của đoạn thơ với một số khai thác nhất định thì sẽ đạt trên 1/2 số điểm của câu.

Trong trường hợp thí sinh biết khai thác nghệ thuật, hiểu và làm rõ đây là những câu thơ thật lãng mạn, lạc quan trong một bài thơ thời kháng chiến gian nguy để thấy được tinh thần anh dũng của đoàn binh Tây Tiến.

Nếu không anh dũng vững vàng, không kiên cường và tin vào chiến thắng thì làm sao có được sự lãng mạn ấy. Cảm hứng lãng mạn xây trên tinh thần "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", cảm hứng lãng mạn của những người yêu nước và hành động vì tình yêu cao đẹp ấy. Hội đuốc hoa, xiêm áo, khèn, man điệu, nhạc, thơ... cất lên trong đêm doanh trại thời kỳ cam go sinh tử. Đó là vẻ đẹp của sức mạnh trong cảm hứng lãng mạn của nhà nhà thơ Quang Dũng. Nếu viết tới những khai thác sâu xa, thí sinh sẽ đạt điểm tốt.

Chỉ có phần "chống chỉ định" cần lưu ý là khi thí sinh không biết phân tích đoạn thơ, hoặc học tủ các đoạn thơ khác được cho là nổi bật tính anh dũng của đoàn binh hơn, nên "bê nguyên bài mẫu" hay "ốp" cả đoạn khác lên thay đoạn đề yêu cầu, thì điểm sẽ khó đạt như mong muốn.

Nội dung câu 2 thuộc bài "nằm lòng" của học sinh lớp 12 nhưng không hoàn toàn dễ, hay được coi là "trúng tủ" vì vào đoạn các thầy cô thường dạy khai thác rất kỹ để nổi bật "Hình tượng người lính Tây Tiến" cũng như vẻ đẹp bi tráng của đoàn binh Tây Tiến.

Tóm lại, nhìn nhận về đề đợt 2 này, phần Đọc hiểu có ngữ liệu hay, phần Làm văn câu 1 có gợi ý quý về tính thời sự quý. Đoạn trích thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của câu 2, phần Làm văn lại vào đoạn cần người khai thác có cảm nhận tinh tế, sáng tạo mới có được điểm cao.

Như vậy, đề đảm bảo có phần dành cho đa số thí sinh, với sức học trung bình đã có thể đạt khoảng 6,5 điểm. Đồng thời, đề cũng có phần dành cho những em khá và giỏi gặt hái được điểm 8-9, và có thể là điểm tối đa.

Nguyễn Thị Kim Anh - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội