Đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi sao Bộ lại "tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách

11/01/2022 09:07
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi không bi quan, luôn hy vọng vào sự thay đổi của ngành nhưng với những gì đang chứng kiến hàng ngày thì cũng không dám hy vọng nhiều ở các môn tích hợp.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở có nhiều môn học tích hợp và đã được thực hiện ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 này nhưng gần một học kỳ trôi qua thì vẫn còn khá nhiều chuyện đáng bàn.

Các tổ chuyên môn vẫn hoạt động riêng lẻ, giáo viên môn nào thì dạy phân môn đó nhưng kiểm tra học kỳ thì chung một đề, chung một điểm số. Giáo viên sẽ ra đề chung; chấm bài chung; nhận xét và nhập điểm chung; vào học bạ chung nên chuyện phân công người thực hiện chính cũng là một vấn đề phức tạp ở các nhà trường.

Học sinh thì nhiều em cũng còn lúng túng trong việc ghi bài, học bài và rất khó khăn trong việc liên hệ các đơn vị kiến thức trong từng phân môn theo hướng “tích hợp” bởi mỗi giáo viên chỉ dạy một phần kiến thức được phân công mà thôi.

Nếu trong những năm tới đây, khi thực hiện các môn tích hợp ở các lớp cao hơn (từ lớp 7 đến lớp 9) mà ngành giáo dục không chuẩn bị kỹ những công việc cần thiết thì tình hình cũng chưa thể khả quan hơn. Mục tiêu mà Bộ đặt ra đối với chương trình mới cũng khó đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Những môn tích hợp vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện (Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Vinh)

Những môn tích hợp vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện

(Ảnh minh họa, nguồn: Trường Đại học Vinh)

Giáo viên đảm nhận toàn bộ môn học tích hợp không hề đơn giản

Trong các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở ở chương trình mới thì Bộ đã có chủ trương sẽ bồi dưỡng giáo viên các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học sẽ dạy cả môn Khoa học tự nhiên; giáo viên các môn: Lịch sử, Địa lý để dạy môn học mới là Lịch sử và Địa lí. Điều này được hướng dẫn cụ thể trong Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT.

Các môn học như: Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương thì phân môn của ai người đó dạy. Riêng đối với Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp thì dành cho… giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận.

Với lực lượng nhân sự hiện tại- nhất là những thầy cô đã ra trường trên dưới 20 năm thì việc bồi dưỡng thêm kiến thức phân môn khác để dạy cả môn học tích hợp như môn Khoa học tự nhiên là điều vô cùng nan giải.

Bởi, kiến thức phổ thông thì giáo viên đã bỏ quá lâu, chỉ riêng học lại các khái niệm, công thức, kí hiệu…các phân môn khác là cả một quá trình dài.

Bởi, với cách dạy của mấy chục năm qua thì gần như khi học sinh lên cấp Trung học phổ thông là được định hướng theo khối thi. Trong khi, dù học sinh thi khối A và khối B đều có môn học chung nhưng cũng có những môn học riêng.

Phần nhiều là khi theo khối nào thì học sinh đầu tư trọng tâm các môn học đó, những môn còn lại chỉ là học qua loa để qua môn mà thôi. Rất ít học sinh học giỏi toàn diện được các môn học ở cấp Trung học phổ thông.

Chính vì thế, rất khó để giáo viên Vật lí đi bồi dưỡng vài chục tín chỉ rồi về dạy được cả phân môn Hóa học và Sinh học hoặc giáo viên Hóa - Sinh đi bồi dưỡng về rồi dạy được cả phân môn Vật lí.

Nếu giáo viên chỉ là người học thuộc bài trước học sinh rồi đến tiết trên lớp sẽ giảng dạy lại những kiến thức trong sách giáo khoa thì không phải là điều quá khó nhưng khi cần thiết để giải các dạng bài tập khác nhau, ôn luyện khi học sinh cuối cấp để thi tuyển sinh 10 thì không hề dễ dàng, nhất là ôn cho những học sinh sẽ thi vào lớp chuyên.

Làm thầy dạy môn học Khoa học tự nhiên mà học sinh hỏi bài tập nâng cao mà không giải thích được thì oái oăm vô cùng nhưng những bài học thông thường trong sách giáo khoa thì còn cố gắng được chứ những bài tập nâng cao, những dạng đề luyện thi thì mấy giáo viên môn Hóa, môn Sinh có thể giải được bài của môn Lí và ngược lại?

Tương tự, những kiến thức môn Địa lí thì giáo viên Sử cũng khó nắm được kĩ và ngược lại khi cần phân tích những sự kiện Lịch sử thì giáo viên Địa lí cũng dễ gì làm được, nhất là môn Lịch sử có quá nhiều sự kiện, số liệu cụ thể qua từng thời kỳ.

Các môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp thực ra cũng rất khó để đòi hỏi về chất lượng bởi có môn giáo viên chỉ dăm ba tiết học rồi gán ghép cơ học lại với nhau trong các đề kiểm tra.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021 của Bộ thì các môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp đánh giá theo mức “Đạt” và “Chưa đạt” nên rồi tất cả cũng quy về “Đạt” hết chứ 1 môn học có mấy phân môn làm sao mà giáo viên có thể làm khác được.

Môn học mới đã triển khai nhưng mô hình quản lý vẫn như cũ…

Muốn nâng cao được chất lượng môn tích hợp thì đòi hỏi mỗi môn học phải có 1 vị thuyền trưởng chèo lái, định hướng, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn phát sinh. Nhưng, các vị Chủ biên chương trình môn học, thậm chí là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì bây giờ đã hết nhiệm vụ.

Mỗi vị đều “đầu quân” cho một đơn vị để biên soạn 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.

Vì thế, thời điểm hiện nay thì các vị này gần như đã không còn gánh vác trách nhiệm chính với chương trình môn học mà lo cho sách giáo khoa của họ viết ra có được các địa phương, các nhà trường sử dụng nhiều hay ít mà thôi.

Bộ phận chuyên môn của Bộ thì vẫn có phần lúng túng, cụ thể trong chỉ đạo chuyên môn, điều này thể hiện rõ trong Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH trong năm học này.

Ở Sở thì gần như vẫn chưa có một người phụ trách riêng cho các môn học mới. Ngay như môn được xem là khó nhất là môn Khoa học tự nhiên thì vẫn là 3 chuyên viên Lí, Hóa, Sinh riêng biệt… phụ trách chung.

Ở Phòng Giáo dục và Đào tạo thì lại càng khó khăn hơn khi chỉ có một chuyên viên phụ trách tất cả các môn học cấp Trung học cơ sở.

Ở các trường Trung học cơ sở thì những trường loại I vẫn đang là các tổ chuyên môn riêng biệt, chỉ có Hóa - Sinh; Sử - Địa là chung 1 tổ. Tổ Lí đa phần vẫn đang đứng độc lập.

Nội dung giáo dục địa phương thì có nhiều tổ chuyên môn khác nhau. Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp thì phân công cho giáo viên chủ nhiệm giảng dạy nên cũng nằm rải rác ở các tổ chuyên môn khác nhau.

Chính vì thế, việc trao đổi, thảo luận về chuyên môn, phân công giảng dạy, tổ chức ôn tập, kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét cho các môn học mới vẫn đang rất khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như năm học này.

Nếu như ngành giáo dục chưa giải quyết được những bài toán này và vẫn tập huấn như hiện nay thì không chỉ lớp 6 đang thực hiện ở năm học 2021-2022 mà các lớp tiếp theo vẫn gặp khó, vẫn rối rắm.

Chúng tôi không bi quan, luôn hy vọng vào sự thay đổi của ngành nhưng với những gì đang chứng kiến hàng ngày thì cũng không dám hy vọng nhiều vào những môn học tích hợp của chương trình mới, ít nhất là trong vòng 5 năm tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN