Địa phương nào còn chưa 'mở cửa' thì lãnh đạo chưa hiểu hết Nghị quyết 128

19/10/2021 07:03
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo GS. Trí: “Tôi cho rằng nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128”.

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đánh giá, Nghị quyết 128 được ban hành là hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch. Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm chỗ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/10, phân tích về sự phù hợp của Nghị quyết 128 với diễn biến tình hình phòng chống dịch và phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng:

Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vaccine của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn.

Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.

Tại Việt Nam, qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Song song áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả ở các thời điểm, nhất là thời điểm hiện nay, là rất đúng thời điểm, để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine.

Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình...

Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".

Mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Vì vậy, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.

Đưa ra nhận định về những điểm mới, có tính đột phá trong Nghị quyết 128, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam cho hay:

“Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tích ứng an toàn, linh hoạt để phòng chống dịch hiệu quả.

Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15, 16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chúng ta chuyển qua giai đoạn bình thường mới, từ nay cơ bản là coi như vùng xanh, đang an toàn, thay cho việc nhiều vùng đỏ trước kia, không còn phù hợp.

Tất nhiên, thực tế, chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan…

Gần đây, Thanh Hoá, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca mắc nhưng không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.

Nghị quyết 128 xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc”.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho rằng khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cần phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm chỗ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ mà phải thống nhất mới giải quyết được mọi việc.

Nghị quyết 128 đặt ra những yêu cầu về tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của các địa phương

Nói về tính phổ quát của Nghị quyết 128 được triển khai thực tế tại mỗi địa phương, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phân tích: "Dịch ở mỗi địa phương có tính chất, mức độ khác nhau về số lượng, điều kiện, nhưng quan trọng nhất là có những điểm chung, không chỉ ở mỗi địa phương, không chỉ ở Việt Nam mà là điểm chung trên toàn thế giới. Đó là dịch diễn biến rất phức tạp và lây rất nhanh, khó lường, vì vậy đòi hỏi phải có một quyết định phổ quát để thống nhất về ý chí, thống nhất về hành động, thống nhất về cách làm... tất cả phải đồng bộ.

Ví dụ, quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm, về kiểm tra người đi từ vùng dịch về thì phải phù hợp, thỏa đáng, để Bộ Giao thông vận tải vận dụng hiệu quả.

Phải có Nghị quyết 128 như thế này, có tiêu chí rõ ràng, có tính phối hợp cao để tất cả cùng thực hiện. Cụ thể nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương".

Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Có tiêu chí phân loại cấp độ dịch, nhưng lại cho phép các địa phương điều chỉnh các tiêu chí này. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc thực hiện Nghị quyết 128 đặt ra những yêu cầu về tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của với các địa phương.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch. Thứ nhất là tiêu chí số ca mắc mới, thứ hai là tỉ lệ người 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine, thứ ba là bảo đảm khả năng thu dung điều trị các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, khi đưa ra tiêu chí này, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ các tiêu chí hướng dẫn của WHO tổng kết kinh nghiệm chống dịch gần 40 quốc gia, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, bảo đảm bao quát, chi tiết. Các địa phương căn cứ vào đó phù hợp tình hình thực tế địa phương mình nhưng lưu ý các địa phương không thay đổi tiêu chí cứng này.

Trong quá trình làm, đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương quyết định cho phù hợp.

Thứ nhất, các địa phương không được tự ý điều chỉnh 3 tiêu chí cứng của Bộ Y tế, ngoài ra, các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 128, Quyết định số 4800 tổ chức xây đựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh với lộ trình cụ thể của địa phương, phù hợp với điều kiện chống dịch của mình.

Thứ hai, thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly người nhập cảnh vào địa phương, người hoàn thành cách ly tập trung hay tại nhà ở nơi cư trú trở lại làm việc, phục vụ khôi phục sản xuất.

Thứ ba, đề nghị các tỉnh cập nhật thông tin dữ liệu căn cứ tình hình dịch, công bố cho người dân, tổ chức biết và thực hiện.

Thứ tư, các địa phương chỉ đạo chống dịch và phục hồi kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo bám sát thực tiễn, không chủ quan khi có dịch đi qua, bảo đảm thực hiện tốt 4 tại chỗ, chống dịch đúng quy định bảo đảm công khai minh bạch, chặt chẽ, chống tiêu cực tham nhũng.

Cuối cùng, cần tăng cường kiểm tra đôn đốc cơ sở, chuẩn bị thích ứng nhanh khi diễn biến dịch bệnh thay đổi.

Mặc dù Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ, tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 và theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế không yêu cầu người dân xét nghiệm nhưng hiện nay một số địa phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát gây khó khăn và bức xúc trong việc đi lại của người dân, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí tiết lộ:

“Nghị quyết 128 ra đời ngày 11/10, ngày 12 thì phổ biến, ngày 14/10, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội có cuộc buổi làm việc với Thành uỷ, Ủy ban nhân dân Thành phố tại Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

Tại đó, tôi phát biểu đề nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi tôi được biết có khoảng trên 20 chốt chặn khắp các cửa ngõ Thành phố, tôi mong muốn giải toả được việc đó. Tôi cho rằng ở góc độ khoa học, sự lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh mà chính thái độ, hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra dịch bệnh. Rất điển hình ở Cần Thơ, một chỗ mà tập trung mấy nghìn chiếc xe, sự lây lan là kinh khủng. Những chốt chặn ở thành phố, mọi người bị ách tắc lại, nguy cơ lây lan rất cao và nhiều bất lợi khác xảy ra”.

Theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nhìn chung, các địa phương đã giải quyết tốt hơn sau khi có Nghị quyết 128. Ý kiến của Thủ tướng, các cơ quan Trung ương đã thể hiện rất mạnh mẽ. Nhu cầu giao thông, đi lại, mở cửa là vô cùng quan trọng, tự thân của xã hội, tự thân của nhân dân có ý kiến cũng rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ các quyết định nào của các tỉnh, thành phố đều từ nhân dân".

“Tôi cho rằng, nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Thùy Linh