Dịch Covid kéo dài, phụ huynh của "Dê vàng" sắp vào lớp 1 "đứng ngồi không yên"

09/08/2021 06:12
Minh Phong
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng bởi những ồn ào trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 trong năm học vừa qua.

Tất tả tìm kiếm lớp học tiền tiểu học trực tuyến

Thời điểm này của những năm học trước, các em học sinh lớp 1, đầu cấp tiểu học đã hoàn thành thủ tục tuyển sinh. Thậm chí, nhiều trường đã tổ chức một số hoạt động cho học sinh chuyển cấp làm quen dần môi trường tiểu học để khi bước vào thời gian học chính thức các em không bỡ ngỡ.

Nhiều gia đình cũng chủ động cho con em tiếp xúc dần với chương trình học cơ bản trước để tạo nền tảng và nề nếp học tập trước khi các con bước lớp học đầu đời.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành, trong đó có Hà Nội khiến công tác tuyển sinh của nhà trường và các dự định cho con em làm quen trước môi trường học tập của phần lớn phụ huynh bị ảnh hưởng. Điều này khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Có con trai đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Vũ Đức Vinh cho biết:

“Theo dõi công tác tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của nhà trường gia đình đã sẵn sàng giấy tờ, hồ sơ để nhập học tại trường cho con theo đúng thông báo.

Nhà trường cũng đã có những biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh khi phụ huynh đến làm thủ tục tuyển sinh như phân chia theo tuyến cụm đăng ký hộ khẩu thường trú của học sinh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng nên thời gian nhập học trực tiếp cho các con bị hoãn lại”.

Theo anh Vũ Đức Vinh, nhà trường cũng rất quan tâm và thay đổi công tác tiếp nhận hồ sơ nhập học bằng hình thức trực tuyến. Học sinh chuyển các giấy tờ bắt buộc theo thủ tục nhập học để nhà trường xác nhận trước vào tài khoản email của nhà trường và thủ tục nhập học sẽ được hoàn thành sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội của thành phố.

“Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, gia đình cũng vẫn đang chờ đợi những quyết định về tuyển sinh của nhà trường. Bên cạnh đó, thời gian này, chúng tôi cũng chuẩn bị cho con làm quen dần với các kiến thức cơ bản và hình thức học trực tuyến bằng cách mua các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến. Tôi nghĩ với sự hướng dẫn của bố mẹ thì hy vọng con cũng có đủ nền tảng ban đầu để bước vào năm học tới dù là dạy trực tuyến hay trực tiếp”, anh Vinh chia sẻ.

Phụ huynh lo lắng trước tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc học của con. (Ảnh: Kim Anh)

Phụ huynh lo lắng trước tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc học của con. (Ảnh: Kim Anh)

Về chương trình học lớp 1, không ít phụ huynh tỏ vẻ lo lắng bởi năm ngoái đã từng có nhiều sạn trong sách giáo khoa, rồi tiến độ dạy cũng được đánh giá là nhanh hơn chương trình cũ. Vì thế, một số phụ huynh tất tả tìm lớp tiền tiểu học trực tuyến cho con để có thể thích ứng được sớm khi bước vào lớp 1.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Con tôi đăng ký đúng tuyến vào Trường Tiểu học Kim Liên gần nhà. Rất may mắn vì thủ tục tuyển sinh đã xong, chính vì thế tôi cũng yên tâm phần nào.

Tuy nhiên năm học cuối cùng của cấp mầm non bị gián đoạn khiến phần nội dung làm quen cùng các con số, chữ cái của các con cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi đã tìm và đăng ký lớp học tiền tiểu học cho con trai. Thế nhưng vừa đi học được 3 buổi thì lớp học phải dừng hoạt động do dịch bệnh”.

Chị Linh cho biết, trao đổi nhóm phụ huynh với nhau, nhiều gia đình đang chọn giải pháp đăng ký lớp học tiền tiểu học trực tuyến cho các con là học sinh sắp vào lớp 1.

Tôi có đăng ký một gói học trực tuyến cho con. Mục đích của tôi là mong muốn con nhớ được mặt số, mặt chữ và giúp con làm quen, tạo hứng thú cho con trong không gian học tập trực tuyến”, chị Linh nói.

Dù vậy, chị Nguyễn Thùy Linh tâm sự, con chị cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, chưa hình dung được mình đang chuẩn bị bước vào một môi trường mới, cô giáo mới, những người bạn mới bởi ngay cả bế giảng năm học cuối cùng tại trường mầm non cũng không trọn vẹn vì dịch bệnh.

Đồng hành cùng con trẻ và không “ép” con học quá sớm

Trước những lo lắng của phụ huynh học sinh lớp 1 đầu cấp, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số tư vấn từ Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý, giáo dục kỹ năng sống.

Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy cho rằng: “Đối với tất cả các lứa tuổi phụ huynh không nên ép con học, đặc biệt hơn là đối với lứa tuổi bắt đầu bước vào lớp 1. Bởi vì ép học hoặc học tập với tâm trạng căng thẳng thì trẻ không chỉ không thu nạp được kiến thức mà còn có tác dụng ngược.

Tác dụng ngược ở đây là sự chai lì về cảm xúc của trẻ, tạo sự ức chế trong suy nghĩ, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ”.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý, giáo dục kỹ năng sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý, giáo dục kỹ năng sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phụ huynh nên sắp xếp thời gian biểu hợp lý, tránh tạo áp lực về việc con phải học quá nhiều kiến thức cùng một lúc. Đồng hành cùng con thông qua các phương pháp hữu ích, tham khảo được từ sách vở và các kiến thức thu thập, trao đổi cùng các bậc phụ huynh khác. Điều quan trọng nhất vẫn là tin tưởng vào con mình.

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc cho học sinh lớp 1 làm quen dần với các lớp học tiền tiểu học theo Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy là điều nên làm. Tuy nhiên phụ huynh nên chú ý lựa chọn những lớp học, chương trình học với những thầy, cô giáo uy tín và truyền cảm hứng, động lực cho trẻ trong quá trình học tập.

Ngoài việc cho trẻ học những kiến thức cơ bản về chữ, về số thì bồi dưỡng cho con mình về kỹ năng là điều vô cùng cần thiết.

“Các bài học về kỹ năng giúp con chuẩn bị về sự tự tin, tâm thế vững vàng khi bước vào môi trường mới bằng thái độ tích cực.

Những kỹ năng cơ bản như: soạn đồ dùng trước khi tới lớp, quy tắc giao tiếp ứng xử với thầy cô, bạn bè, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung khi đến trường… Chúng ta chuẩn bị những kĩ năng này thông qua hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc cũng có thể đăng ký những lớp học kỹ năng trực tuyến cho lứa tuổi tiền tiểu học phụ huynh đều có thể cùng con tham gia”, Thạc sỹ Thủy cho biết.

Dạy trực tuyến không phải là một phương pháp đơn giản, tồn tại những hạn chế nhất định, đặc biệt là với những lứa tuổi đầu đời vì khả năng tập trung lứa tuổi này không cao.

Thạc sỹ Nguyễn Lê Thủy cho rằng: “Việc dạy trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn cho cả thầy và trò bởi sự hạn chế về khả năng tương tác. Đặc biệt sẽ không hiệu quả nếu thầy cô thiếu những phương pháp dạy học tích cực và khả năng bao quát lớp.

Tuy nhiên, nếu thầy cô nhiệt tình, tạo được cảm hứng học tập và phụ huynh đồng hành thì việc làm quen và chuẩn bị những kỹ năng tốt cho học sinh thì vào năm học, dịch bệnh kéo dài, nhà trường dạy học trực tuyến hay trực tiếp cũng không còn là nỗi lo lắng quá lớn”.

Minh Phong