Điểm chuẩn vào lớp 10 nhiều trường thấp không hẳn do chất lượng đầu vào

12/07/2021 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi vào cấp 3, những gì còn yếu thầy cô sẽ có trách nhiệm bổ túc và hoàn thiện cho các học sinh. Kết quả ở cấp 3 mới khẳng định được giá trị của em đó với xã hội.

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường Trung học phổ thông công lập công bố điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của đơn vị mình khá thấp. Một số nơi, khi đối chiếu với việc nhân hệ số điểm thi, chia đều cho các môn thì có thí sinh chưa đến 2 điểm/môn cũng trúng tuyển.

Việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng điểm đầu vào của các trường thấp như vậy có phải do chất lượng học tập của học sinh khu vực đó thấp?. Những trường hợp phụ huynh có con được điểm cao, sắp tới sẽ học trong những trường lấy điểm đầu vào thấp như vậy thì có nên lo lắng cho chất lượng học tập của con họ sau này hay không?.

"Điểm chuẩn vào 10 không phản ánh tất cả, phụ huynh không nên quá lo lắng", chuyên gia về giáo dục nhận định. Ảnh minh hoạ: Phương Linh

"Điểm chuẩn vào 10 không phản ánh tất cả, phụ huynh không nên quá lo lắng", chuyên gia về giáo dục nhận định. Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Một chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ một số quan điểm về vấn đề này.

Theo vị này: “Thực ra để đánh giá chất lượng học sinh của bậc học phổ thông thì đã có bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra một cách rất khoa học.

Còn việc xác định điểm chuẩn đầu vào lớp 10 như thế nào thì nó lại phải căn cứ theo tình hình thực tiễn của từng địa phương. Trên thực tế, điểm số của các kỳ thi như thế này một phần cũng do khâu ra đề thi của mỗi địa phương quyết định. Khi ra đề thi, nếu địa phương nào không xác định rõ được các yếu tố theo khung trung bình chung của chương trình Trung học cơ sở và yếu tố phù hợp với năng lực của các đối tượng học sinh khu vực đó thì rất dễ dẫn đến mặt bằng chung về điểm số khu vực đó sẽ rất thấp.

Ví dụ, khi ra đề thi cho học sinh khu vực miền núi, nên ở mức độ nhẹ nhàng hơn so với các học sinh ở các khu vực thành phố, thị xã và các trường chuyên. Bởi có những địa bàn, điều kiện học tập của các em cũng không được như các vùng khác.

Đơn cử tại địa phương mà chúng tôi đang quản lý, đề thi sẽ được ra theo dạng “ma trận”, có nghĩa là chúng tôi sẽ cho tăng theo các mức độ từ thấp lên cao theo các cấp độ như: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Nếu các vùng năng lực học tập chung của các học sinh đa phần là thấp, khi ra đề lại không bám sát vào thực tiễn của địa phương, các câu hỏi phần nhiều nằm ở mức độ vận dụng cao nhiều thì đến học sinh khá, giỏi còn gặp lúng chứ nói gì đến các học sinh học yếu hơn. Khi ấy điểm số của các học sinh ấy có thấp cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu chỉ nhìn vào điểm số trong một kỳ thi của các em đó thấp thì không thể đánh giá rằng, năng lực của những học sinh ấy học yếu trong suốt mấy năm cấp 2 được. Điểm số của các em có được sau mỗi kỳ thi là do nhiều yếu tố chi phối chứ không phải chỉ là do các em ấy không có năng lực học tập”.

Ngoài nguyên nhân về cách ra đề của mỗi địa phương, một nguyên nhân khác mang tính chất kết hợp khiến địa phương đó buộc phải lấy điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khu vực đó thấp cũng được chuyên gia này chia sẻ thêm:

“Đối với học sinh thi đầu vào lớp 10 thì nhà nước ta cũng có những chính sách tốt đẹp để đảm bảo quyền học tập cho tất cả các học sinh.

Cụ thể, trong lộ trình chúng ta vẫn đang thực hiện, sẽ tạo điều kiện cho khoảng 75% học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2 được theo học lớp 10, số còn lại sẽ được phân luồng để đi học nghề. Khi chính sách này kết hợp với việc nhiều địa phương ra đề thi ở mức khó, không bám sát vào tình hình học tập của địa phương, tạo ra một mức điểm chung trong kỳ thi tốt nghiệp của các em thấp, khiến điểm chuẩn các trường đó phải lấy thấp xuống cũng là điều dễ hiểu.

Để đánh giá về năng lực của học sinh một các chuẩn xác phải là dựa vào kỳ thi cuối cấp Trung học phổ thông, vì nó là kỳ thi mang tính bước ngoặt cuộc đời của các em đó. Còn nếu căn cứ theo tiêu chí điểm chuẩn đầu vào lớp 10 để đánh giá năng lực của các học sinh là không khách quan trong nhìn nhận về học sinh đó lẫn nhà trường mà các em sẽ theo học.

Ngoài ra, trong năm học vừa qua, vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa việc học của của em cũng bị chi phối rất nhiều. Một số nội dung của các môn học đã phải tinh giảm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong việc dạy học trực tuyến, nhiều em cũng không có đầy đủ điều kiện, thiết bị học tập nên một phần nào bị ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện dẫn đến kết quả trong kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi”.

Dịch bệnh Covid-19 cũng một phần ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi vào lớp 10 của rất nhiều học sinh. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng

Dịch bệnh Covid-19 cũng một phần ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi vào lớp 10 của rất nhiều học sinh. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng

Chia sẻ về phương án để hạn chế việc chênh lệch về điểm đầu vào lớp 10 giữa các vùng với nhau, chuyên gia này nêu nhận định: “Việc đầu tiên là cán bộ giáo dục địa phương đó cần bám sát vào tình hình địa phương, vào năng lực học tập của học sinh vùng đó để có cách thức chỉ đạo ra đề thi sao cho thật phù hợp và chuẩn xác.

Đồng thời, các địa phương cũng nên tìm ra phương pháp khảo sát được chất lượng học tập của học sinh ở từng trường Trung học cơ sở, nhất là đối với học sinh khối lớp 9. Ngoài ra, phải giao trách nhiệm cụ thể cho Phòng Giáo dục trong việc thúc đẩy công tác dạy học.

Hiệu trưởng các trường cần phải bám sát tình hình học sinh, thầy và trò thì cần nỗ lực hơn nữa để đem chất lượng học tập của các địa phương được tốt hơn. Nếu chất lượng học sinh cuối cấp Trung học cơ sở tốt thì kết quả đầu vào của bậc Trung học phổ thông cũng sẽ tươi sáng hơn.

Ngoài ra, trong một năm học nhà trường và giáo viên cũng phải tìm ra cách để có thể so sánh được sự tiến bộ của học sinh, chất lượng dạy học của các giáo viên từng năm với nhau. Sự so sánh này cần áp dụng trên từng môn, với từng học sinh chứ không làm kiểu đại trà, dàn trải thì không thể nào có được thực chất. Khi có sự so sánh thì rõ ràng chúng ta cũng có thể rút ra được cái gì được, cái gì chưa được để đưa vào áp dụng hoặc chỉnh sửa thêm cho phù hợp".

Đưa ra lời khuyên với các phụ huynh có con đạt điểm cao nhưng trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông đang lấy điểm chuẩn rất thấp, chuyên gia này bày tỏ: “Các phụ huynh không nên quá lo lắng vào điểm chuẩn vào lớp 10 của trường con mình sẽ theo học. Bởi điểm số đó không phản ánh hết về năng lực của trường ấy như thế nào và học lực của học sinh ấy ra sao.

Trước mắt các em là 3 năm học phổ thông nữa. Khi vào cấp 3 thì những gì học sinh ấy còn thiếu, còn yếu thì giáo viên và nhà trường ở đó họ sẽ bổ túc và hoàn thiện. Kết quả tốt ở cấp 3 mới khẳng định được giá trị của em đó với xã hội sau này.

Trên thực tế, nhiều học sinh học cấp 2 điểm số rất yếu, nhưng qua quá trình rèn luyện và có sự quan tâm đào tạo của các thầy cô ở cấp 3 mà có em đã có sự thay đổi hoàn toàn ở bậc học này”.

Trung Dũng