Đổi giờ học: Các trường Đại học ít phải điều chỉnh

31/01/2012 22:25
Kim Ngân
(GDVN) - Có thể nói, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm ở Hà Nội chỉ ảnh hưởng lớn đến khối mầm non, tiểu học. Khối các trường ĐH ít phải điều chỉnh nhất.

Các trường đại học bình thường vẫn vào lớp và tan học không vào giờ cao điểm

Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức thông báo thay đổi giờ học của 12 quận huyện thuộc địa bàn thủ đô từ ngày 1/2/2012.

Theo đó, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Tuy nhiên, một số trường ĐH vẫn chưa hề có thông tin cụ thể về việc thay đổi giờ học, lịch học của sinh viên.

Trường ĐH Bách Khoa đã bắt đầu học từ ngày 29/1, nhưng khi hỏi về thông tin việc kế hoạch đổi giờ học của trường, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH BK khẳng định: “Trường không phải thay đổi lịch học, không phải điều chỉnh, bởi giờ học hiện nay của trường là 7h kém 15 phút. Quy định này không áp dụng cho đối tượng học tín chỉ. Và nếu có thay đổi thì cũng không ảnh hưởng nhiều vì sinh viên tự đăng ký sắp xếp ca kíp học từ sáng đến tối sao cho thuận lợi nhất”.

Cũng trong cuộc họp ngày 17/1, Triển khai phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm do Sở GTVT Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Minh Sơn đề nghị: “Hiện nay, lượng sinh viên các trường gần khu vực này rất đông nên theo tôi cần tăng tuyến buýt và đầu xe chạy qua đây. Đặc biệt là tuyến buýt 21 hiện nay rất quá tải vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều”.

Ông Hoàng Minh Sơn quan điểm rằng trường ĐH BK sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu thay đổi lịch học (ảnh Hoàng Thùy)
Ông Hoàng Minh Sơn quan điểm rằng trường ĐH BK sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu thay đổi lịch học (ảnh Hoàng Thùy)

Cùng với ý kiến chưa thay đổi, ông Nguyễn Đình Luận (Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội) cho biết: “Vẫn đang chờ hướng dẫn chỉ đạo từ từ trên xuống. Và nếu có thay đổi thì trường cũng không ảnh hưởng lắm. Bởi trường tổ chức cho sinh viên học theo hình thức tín chỉ và 7h vào lớp”.

Còn đối với một số trường học theo hình thức niên chế vẫn chưa có động tĩnh gì. Đại diện Ban Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: “Chưa có thay đổi gì, hiện tại sinh viên vẫn theo giờ học bình thường. Một vài hôm nữa ban Đào tạo sẽ họp và đưa ra phương án điều chỉnh giờ học hợp lý”.

Nếu có thay đổi, chỉ một số ít sinh viên bị ảnh hưởng

Phía nhà trường không có động tĩnh gì và có thể sẽ không phải thay đổi lịch học. Còn đối với một vài sinh viên thì thông tin còn quá mơ hồ và cũng không nghĩ rằng sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên bị ảnh hưởng nhiều vẫn lo lắng và tìm cách đối phó trước thông tin thay đổi giờ học.

Mặc dù đã đi học được hai buổi, nhưng Hoàng Văn Tuấn (SV năm 3, ĐH Bách Khoa) vẫn lắc đầu không biết về việc đổi giờ học từ 1/2. “Trước Tết lớp cũng không nhận được thông báo gì về việc này. Trường chắc sẽ không thay đổi giờ đâu, vì bình thường trường vẫn học từ 7h kém 15”.

Hoàng Văn Tuấn (SV ĐH Bách Khoa) mơ hồ về thông tin đổi giờ học. Nếu đổi giờ học, Tuấn sẽ phải lùi lịch làm thêm và học tiếng Anh của mình muộn hơn
Hoàng Văn Tuấn (SV ĐH Bách Khoa) mơ hồ về thông tin đổi giờ học. Nếu đổi giờ học, Tuấn sẽ phải lùi lịch làm thêm và học tiếng Anh của mình muộn hơn

Còn Trần Thị Thương Thương (SV ĐH Hà Nội) cho biết: “Ở trên trang web của trường không thấy có thông báo gì cả, mình chỉ biết sẽ thay đổi từ ngày 1/2 qua báo chí thôi. Nếu có thay đổi thì phải có thông báo chứ”.

Sự thay đổi giờ học ở các trường ĐH này khiến nhóm sinh viên sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất. “Nếu học từ 6h30 phút, mình sẽ thích nghi được vì bình thường giờ học hiện nay ca 1 là 7h kém 15 phút . Nhưng nếu đến tận 7h tối mới tan thì em phải đẩy giờ gia sư và học tiếng anh trong tuần của em ít nhất là 8h tối. Như thế mọi sinh hoạt của mình cũng bị đảo lộn, đẩy muộn hơn bình thường”, Tuấn cho biết.

Tuấn thêm vào: “Với giờ học hiện tại, sinh viên còn đến lớp muộn, ngủ gật, ngáp vặt huống chi là học sớm hơn thì không biết sinh viên sẽ như thế nào?!”

Không may mắn như Tuấn, cô bạn Thương nhà ở tận Gia Lâm nên việc thay đổi giờ học đẩy sớm và tan muộn hơn khiến Thương lo lắng. Hàng ngày vẫn phải dậy từ 5h kể cả mùa đông, để bắt 2 chuyến xe buýt đến trường ĐH Hà Nội vừa kịp giờ học 7h 15 phút.

“Nếu đổi giờ học là 6h 30 phút vào lớp, mình sẽ phải dậy từ 4h 30 phút để chuẩn bị 5h bắt xe buýt. Mình sẽ phải ngủ sớm hơn bình thường để đảm bảo được sức khỏe”, Thương lý giải.

Thương (SV ĐH Hà Nội) sẽ có nhiều thay đổi thói quen, lịch sinh hoạt nếu giờ học điều chỉnh
Thương (SV ĐH Hà Nội) sẽ có nhiều thay đổi thói quen, lịch sinh hoạt nếu giờ học điều chỉnh

Như thế chưa kể Thương còn học một môn Ngoại ngữ 2 (môn bắt buộc) vào 16h30 phút và tan vào 7h tối. Bình thường những hôm phải ở lại học thì gần 9h tối Thương mới có thể về đến nhà. Nếu theo quy định giờ học mới thì lịch học môn Ngoại ngữ 2 cũng được đẩy muộn hơn và hơn 8h mới tan học. Như vậy Thương có thể sẽ gần 10h mới có mặt ở nhà.

“Buổi tối mình có ít thời gian hơn, bài tập nhiều, mình khó có thể ngủ sớm để sáng hôm sau đi học sớm được”, Thương cho hay.

Ngày mai, phương án thay đổi giờ học sẽ bắt đầu được áp dụng ở các trường 12 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Và việc thay đổi giờ học đối với các trường khối đại học, học viện, cao đẳng trung cấp….chắc vẫn phải chờ từ trên.

Để cho phù hợp và phục vụ tốt việc đổi giờ của thành phố, từ 1/2 Sở GTVT Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch đổi giờ hoạt động của nhiều tuyến buýt hoạt động tại 10 quận nội thành và 2 huyện. Cụ thể, nếu hiện nay giờ cao điểm của xe buýt sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 4h30 đến 6h30, từ ngày 1/2 sẽ điều chỉnh sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 4h30 đến 7h30.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng điều chỉnh giãn cách chạy xe giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay xuống 7 phút/lượt với các tuyến buýt chạy qua nhiều trường ĐH-CĐ. Riêng các tuyến buýt nhanh như 02, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được điều chỉnh lại giờ chạy và tăng thêm chuyến, lượt; với 6 tuyến chạy nhiều trường ĐH-CĐ như 02, 16, 27, 28, 32, 39 sẽ được tổ chức thêm 37 lượt/ ngày.

Kim Ngân