"Đổi mới sách thì cần thoát khỏi tình trạng duy ý chí"

17/04/2014 11:05
Ngọc Quang
(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ những điểm "cốt tử" Bộ Giáo dục phải làm, nếu không muốn đề án đổi mới SGK phổ thông... "chết yểu".

Đại học chưa là trọng tâm

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, tư duy hoạch định chính sách kinh tế - xã hội vẫn chưa thoát khỏi tình trạng duy ý chí. Ví dụ điển hình là dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (SGK) sau năm 2015 mà Bộ GD & ĐT vừa trình ra UB Thường vụ Quốc hội.

“Đề án này cho thấy dường như Bộ GD&ĐT vẫn xác định trọng tâm đổi mới là giáo dục phổ thông, chứ không phải đại học. Trong khi đó, chính giáo dục đại học mới trực tiếp quyết định chất lượng nguồn nhân lực và đang có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết", ông Thuyết phân tích.

Theo ông, việc thực hiện cả hai sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và sáng tạo khoa học - công nghệ đang là chỗ yếu cốt tử của các trường ĐH Việt Nam.

"Với giáo dục phổ thông, vấn đề đáng phải giải quyết trước chương trình, SGK là hệ thống cũng không nằm trong mối quan tâm của đề án đổi mới, mặc dù việc áp dụng đồng loạt chương trình 12 năm với tất cả các đối tượng đang gây lãng phí thời gian, tiền bạc và là một nguyên nhân khiến chủ trương phân luồng học sinh không thực hiện được”, GS Thuyết bày tỏ quan điểm.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ủng hộ quan điểm xây dựng chương trình giáo dục sau năm 2015 theo định hướng hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của học sinh, nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra điểm yếu “cốt tử”, nếu không sửa chữa thì đề án khó có thể thành công.

Đó là, đề án chỉ tập trung vào một định hướng là thay đổi đồng loạt chương trình, SGK toàn bộ các cấp học, các môn học. Định hướng này cho thấy đề án chưa dựa trên sự đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân và điều kiện thực hiện để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Có thể do thiếu công cụ đánh giá hoặc để tránh va chạm, phần đánh giá bất cập, hạn chế trong Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 chỉ đưa ra những nhận định chung chung.

Theo GS Thuyết, đề án cần đánh giá một cách cụ thể từng môn học, cấp học, từng bộ SGK để tìm câu trả lời: Chương trình và SGK cấp học, môn học nào chỉ cần điều chỉnh nhỏ? Chương trình và SGK cấp học, môn học nào cần thay thế? Thay thế bằng cách nào?

Những chương trình, SGK nào cần được biên soạn mới theo quy trình 10 bước (biên soạn chương trình thử nghiệm - thẩm định chương trình thử nghiệm - biên soạn SGK thử nghiệm - thẩm định SGK thử nghiệm - dạy thử nghiệm - đánh giá kết quả thử nghiệm - biên soạn chương trình chính thức -  thẩm định chương trình chính thức - biên soạn SGK chính thức -  thẩm định SGK chính thức) và đến năm 2023 mới hoàn thành?

Những chương trình, SGK nào không cần mất thời gian biên soạn và thử nghiệm kéo dài như thế mà có thể vận dụng ngay chương trình, SGK sẵn có của nước ngoài?  

4 vấn đề Bộ Giáo dục phải giải quyết
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 sẽ phải tìm cách giải quyết 4 vấn đề:

Thứ nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp đổi mới về chương trình, SGK. Giải pháp chắc chắn phải là đổi mới công tác đào tạo của các trường sư phạm (đặc biệt là về chương trình, phương thức đào tạo) và đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên.

Thứ hai, cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Giải pháp chắc chắn phải là chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp.

Đề án của Bộ GDĐT chủ trương, chỉ những trường đã có đủ điều kiện mới triển khai chương trình, SGK mới; các trường chưa đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị đủ điều kiện để được triển khai, áp dụng. GS Thuyết bình luận: “Định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa bàn, bao nhiêu cơ sở sẽ nằm ngoài công cuộc đổi mới".

 Ngoài ra, theo ông Thuyết, định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm được nêu trong chính đề án này là “quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp địa phương và đối tượng học sinh” và “nội dung giáo dục phải phù hợp với thời lượng dạy học: Ở cấp Tiểu học là cả ngày nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy học một buổi trong ngày.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

GS Thuyết cho rằng, trong lần đổi mới này, chỉ nên tập trung xây dựng chương trình, SGK các môn khoa học xã hội; còn các môn khoa học tự nhiên và  ngoại  ngữ thì áp dụng chương trình, SGK của một số nước tiên tiến. Đó cũng là một cách vừa để đẩy nhanh quá trình hội nhập giáo dục, vừa đỡ tốn kém thời gian, kinh phí”.

Thứ ba, chương trình thiếu tính mở để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ. Đề án cho biết: “Do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật (trong đó có khoa học giáo dục) và sự biến đổi mau lẹ của đời sống, thời gian tồn tại của một chương trình GDPT ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 – 6 năm, thậm chí ngắn hơn”.

Thông tin này chính xác đến đâu còn phải kiểm tra, nhưng chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng, vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 9 năm (từ nay đến 2023) với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 – 6 năm thì rất lãng phí.

Một nước còn nghèo như Việt Nam khó có thể liên tục thay đổi chương trình, SGK như vậy. Vì thế, đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình, SGK thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ hiện nay (ví dụ, thiết kế với phần cứng, phần mềm và độ mở linh hoạt, cho phép tiếp nhận những yếu tố mới mà không phải thay đổi nhiều).

Thứ tư, thiếu lực lượng chuyên trách, đội ngũ chuyên gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực chương trình, SGK và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế.

Đọc đề án, có thể thấy toàn bộ công việc “xây dựng chương trình, biên soạn SGK phổ thông” chỉ do Bộ GD&ĐT hoặc các Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK cấp quốc gia và cấp tỉnh thực hiện; không thấy có sự tham gia của xã hội ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, các cơ sở GD&ĐT. Thậm chí, đề án còn sử dụng thuật ngữ “ban hành” SGK mới, như ban hành một văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo.

Theo đề án, không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ SGK. Và nếu có nhiều bộ SGK như yêu cầu của xã hội thì ngoài SGK do Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào?

Dù vậy GS Thuyết cũng chia sẻ với Bộ GD&ĐT: “Trong giai đoạn hiện nay, ngoài các chuyên gia ở Bộ GDĐT, còn có nhiều chuyên gia Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có hiểu biết sâu sắc về chương trình GDPT có thể đề xuất những chương trình hợp lý. Nếu vậy, chắc Bộ phải hướng vào giải pháp xây dựng bộ khung cán bộ chuyên nghiệp ở Ban Chỉ đạo, còn lại thì phát huy sự đóng góp tích cực từ các lực lượng xã hội theo khả năng và chất lượng sản phẩm của họ”.

Ngọc Quang