Đổi mới thi cử - hướng nào?

13/10/2012 07:56
Theo SGGP
Trong số các vấn đề liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà các chuyên gia giáo dục đặt ra gần đây, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH-CĐ là một nội dung được cho là cấp bách mà nhiều chuyên gia kiến nghị đối với Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 6.
  • Thay đổi cách làm

Từ thực tế mấy năm gần đây, khi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT đỗ quá cao, tỷ lệ chung của cả nước là 98%, trong khi kết quả của kỳ thi ĐH-CĐ lại không tương xứng, dư luận nghi ngờ về kết quả thi tốt nghiệp THPT không chính xác, không phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, thi mà không phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông là do chúng ta tổ chức thi thiếu nghiêm túc, cách tổ chức không khoa học, thiếu thực tiễn, chỉ đáp ứng phục vụ cho bệnh thành tích.

Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM học tập trong thư viện. Ảnh: MAI HẢI
Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM học tập trong thư viện. Ảnh: MAI HẢI

“Hiện ở Việt Nam vẫn còn tình trạng thi thế nào, học thế ấy. Không thi là không học. Hình thức thi quyết định hình thức học”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhận xét. Chính vì thế, bên cạnh khá nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cũng nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể bỏ kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, phải rút kinh nghiệm từ việc bỏ thi tốt nghiệp THCS, điều đó đã khiến nhiều học sinh bậc học này lơ là chuyện học hành. Đã học thì phải kiểm tra, phải thi mới đánh giá được chất lượng. 

TS Lâm kiến nghị, phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khoa học, phản ánh chính xác kết quả học tập. Muốn vậy, phải thay đổi tận gốc cách làm. “Bộ GD-ĐT nên đưa ra tiêu chuẩn học sinh học xong lớp 12 là coi như tốt nghiệp THPT nếu không nghỉ học quá 45 ngày, điểm trung bình các bộ môn đạt 5.0, không môn nào dưới 3,5 thì được thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng. Như vậy học sinh nào dự thi cũng biết mình đã tốt nghiệp THPT nhưng phải dự thi để có điểm thi tuyển vào các trường đại học. Mỗi học sinh sau khi thi sẽ được phát phiếu điểm, ghi rõ điểm thi các môn tốt nghiệp THPT. Sau đó các trường đại học chỉ lấy những học sinh có điểm thi trung bình các môn từ 5 điểm trở lên để xét tuyển, các trường cao đẳng xét điểm trung bình từ 4 hoặc 3,5 điểm trở lên. Còn những học sinh có điểm dưới phải vào các trường nghề. Học sinh không đủ điểm phải chờ sang năm thi lại THPT”, TS Lâm đề xuất.

Ngoài ra, mỗi trường ĐH-CĐ lại căn cứ đặc thù của mình để đưa ra những yêu cầu cụ thể khác để bảo đảm đúng tiêu chuẩn cần tuyển. Khi sinh viên vào trường có thể có một cuộc sát hạch lần cuối, khi đó những học sinh nào quá kém sẽ bị loại. 

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT được nghiêm túc có tỷ lệ đánh giá chính xác thì Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn thay đổi quy chế cho thi tốt nghiệp THPT tại ngay các trường THPT. “Thầy trò tự coi. Bộ GD-ĐT chỉ ra đề thống nhất nhưng coi thi phải nghiêm, các trường có HS thi tốt nghiệp THPT phải đầu tư camera để giám sát toàn bộ kỳ thi, khi gửi bài thi là gửi băng ghi hình của phòng thi đó luôn cho Hội đồng chấm. Hội đồng chấm có trách nhiệm mở băng để kiểm tra từng phòng thi của từng môn thi. Có học sinh, giáo viên vi phạm quy chế thi sẽ rút bài không cho tốt nghiệp THPT”, TS Lâm đề xuất.

  • Bỏ bệnh thành tích

Thực tế, từ trước đến nay, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất về phương án đổi mới thi cử. Bộ GD-ĐT đã từng đưa ra phương án “2 trong 1”, tức là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thật nghiêm túc để lấy kết quả xét vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, do dư luận quá hoài nghi về việc tổ chức được một kỳ thi thực sự nghiêm túc để cho kết quả chính xác. Vì vậy, ý tưởng “2 trong 1” thời gian qua cũng gần như “chìm xuồng”. Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện phương án đổi mới căn bản công tác thi cử, tuyển sinh.

Theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, những trường đại học được quyền tự chủ cũng sẽ được tự chủ trong tuyển sinh. Bộ cũng đã nhiều lần giao các trường ĐH trọng điểm đề xuất phương án tuyển sinh phù hợp, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có trường nào mạnh dạn đề xuất phương án tuyển sinh riêng của mình. Vì thế, chắc chắn trong vài năm tới vẫn phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc và thi ĐH-CĐ “3 chung”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cũng chỉ ra một trở ngại lớn nhất là tâm lý xã hội còn quá nặng nề với triết lý học cốt để đi thi, chạy theo mảnh bằng, nhất là bằng đại học. “Chỉ có hư danh, rất ít hoặc không có giá trị thực cho con người và xã hội. Việc dạy và học phải nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học” - GS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm. Ông cho rằng, muốn đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, phải đoạn tuyệt triết lý hư danh, tốn tiền của dân và xã hội, hiệu quả thấp. 

Vì vậy, theo đề xuất của TS Lâm, người học phải thay đổi đầu tiên. Người học không chịu học, chỉ chờ xin điểm, chờ quay cóp mà có điểm thì thầy có dạy giỏi mấy cũng không làm cho giáo dục có chất lượng được. Trò phải biết cách tự học, thường xuyên quyết tâm chăm lo đến kết quả thực chất của quá trình học tập của mỗi người. Nếu thi cuối kỳ, cuối năm không đủ điểm phải chấp nhận lưu ban để học lại.

“Hiện nay kỹ năng tự học của học sinh các cấp đều rất yếu, các nhà trường phải giúp học sinh thích học, biết cách học, có nề nếp học và học có kết quả. Chúng ta phải bền bỉ làm nhiều năm mới đảm bảo giáo dục có chất lượng một cách thực chất” - TS Lâm phân tích. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối"

GS Trần Hồng Quân: "Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống"

GS Hoàng Tụy: "Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: "Giáo dục Việt Nam đi ngược quy luật"

PGS.Văn Như Cương:"Chỉ Việt Nam có chuyện dùng văn bằng để thăng quan"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo SGGP