Dự đoán về tình trạng thừa, thiếu giáo viên các bậc học

10/09/2021 06:43
HOÀI THANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành sư phạm mầm non trong tương lai sẽ thiếu nhiều, nếu không cải thiện chế độ đãi ngộ hợp lý thì việc thiếu giáo viên mầm non sẽ là một bài toán khó giải quyết

Vấn đề thừa, thiếu giáo viên là một trong những vấn đề lớn tồn tại của ngành giáo dục trong thời gian qua được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên không phải diễn ra trong thời gian gần đây mà diễn ra trong một thời gian dài do việc quy hoạch, sáp nhập mạng lưới trường lớp, thay đổi môn học, số tiết học mỗi môn cũng khiến cho các cơ sở giáo dục không theo kịp nên vấn đề thừa, thiếu là điều có thật. Nếu không có chính sách nhất quán, lâu dài,… thì vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ hoàn tất thực hiện toàn bộ từ năm 2024-2025 đối với tiểu học đến trung học phổ thông.

Người viết xin trình bày quan điểm cá nhân của mình về việc thừa, thiếu giáo viên trong thời gian tới và khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở các bậc học từ mầm non đến phổ thông để cùng có cái nhìn tổng thể về thực trạng giáo viên, cũng như các em học sinh, sinh viên sư phạm có định hướng nghề nghiệp trong thời gian tới.

Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay

Trước hết cùng nhìn bảng thống kê số lượng giáo viên thiếu như sau:.

Ảnh: Vietnamnet.vn

Ảnh: Vietnamnet.vn

Hiện, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.

Cụ thể tại các bậc học thì tình trạng thừa, thiếu thời gian tới như sau:

Đối với bậc mầm non

Theo thống kê bậc mầm non đang thiếu đến 48.718 giáo viên.

Bậc mầm non dự báo trong thời gian tới sẽ còn thiếu rất nhiều do nhiều nguyên nhân nguồn sinh viên sư phạm còn thiếu, sinh viên sư phạm nhảy việc, bỏ việc, giáo viên nghỉ hưu, nghỉ hưu non, bỏ việc,… cộng với công việc giáo viên mầm non hiện nay là khá vất vả, làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày, đi sớm, về trễ (đón – trả các trẻ), nhưng chế độ lương, phụ cấp lại thấp nên nhiều người không muốn trở thành giáo viên mầm non nhiều người bỏ nghề.

Riêng ngành sư phạm mầm non trong tương lai sẽ thiếu nhiều, nếu không cải thiện chế độ đãi ngộ hợp lý thì việc giáo viên mầm non sẽ là một bài toán dài không giải được.

Nên những ai yêu nghề, chọn ngành sư phạm mầm non chắc chắn sẽ không thất nghiệp.

Đối với bậc tiểu học

Theo thống kê hiện nay bậc tiểu học thiếu 20.210 giáo viên, nhưng cũng thừa 5.341 giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học gồm các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Số môn học trong chương trình mới ở bậc tiểu học so với 3 cấp học ít biến đổi hơn cả, ngoài việc xuất hiện thêm môn học mới là Tin học và Công nghệ, cùng với việc chính thức hoá việc làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2.

Chương trình giáo dục tiểu học được thiết kế để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo dự báo của người viết, ở bậc tiểu học sắp tới một số môn có thể thiếu giáo viên là Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ,…

Do đó, ngoài các môn trên thì giáo viên tiểu học sắp tới là không thiếu, cộng với việc tinh giản biên chế, sắp xếp trường lớp, sáp nhập các trường tiểu học,… nên giáo viên tiểu học về tổng thể khi hoàn tất thực hiện chương trình mới là không thiếu. Nơi thừa bổ sung cho nơi thiếu.

Đối với bậc trung học cơ sở

Theo thống kê ở bậc trung học cơ sở thiếu 14.653 nhưng cũng thừa 4.688.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Theo tình hình này thì ở bậc trung học cơ sở có thể thiếu một số bộ môn Ngữ văn, Nghệ thuật, Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số.

Các môn thuộc môn tích hợp sau khi sáp nhập về môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí sẽ không thiếu, các môn khác thiếu, thừa cục bộ sẽ điều chuyển lẫn nhau.

Đối với bậc trung học phổ thông

Theo thống kê ở bậc trung học phổ thông đang thiếu 11.113 giáo viên, nhưng thừa trung học phổ thông thừa 315.

Ở cấp trung học phổ thông, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học được lựa chọn: Theo nhóm khoa học xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Trong các cấp học thì khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học phổ thông sẽ thay đổi nhiều nhất, khó dự báo nhân lực nhất do học sinh được lựa chọn 5/10 môn học thuộc các nhóm môn trên.

Theo tình hình hiện nay đến khi khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học phổ thông sẽ thiếu giáo viên các môn Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số.

Các môn còn lại thuộc 3 nhóm môn do học sinh lựa chọn sẽ có lực lượng giáo viên dư thừa đáng kể, thay vì đang học 8 môn hiện nay học sinh chỉ chọn 5/8 môn (trong các nhóm môn xuất hiện 2 môn mới là môn Âm nhạc và Mĩ thuật).

Trên đây là quan điểm của người viết về việc giáo viên thừa, thiếu ở các cấp học bậc học, tuy nhiên tùy theo sự phát triển dân số, quy hoạch mạng lưới trường lớp, sự thay đổi chính sách (về định mức tiết dạy, số lượng học sinh mỗi lớp,…), điều chỉnh chương trình môn học,… mà sẽ có thay đổi.

Rất mong qua bài viết nhận được nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, giáo viên cả nước về thực trạng thừa thiếu giáo viên này, để ngành giáo dục có giải pháp cụ thể dần dần hạn chế tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HOÀI THANH