Dự thảo mới có khuyến khích giáo viên tìm đến các "lò ấp thạc sĩ"?

16/08/2020 08:55
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có nhất thiết phải đóng khung giáo viên hạng I bắt buộc phải có bằng thạc sĩ trở lên hay không?

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập thì trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản biện về chủ đề này.

Đó là những bất cập về cách xếp lương cho giáo viên, về yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và cả chuyện xuống hạng của giáo viên.

Những bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu nhà giáo đang công tác trong ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, điều chúng tôi còn băn khoăn trong các dự thảo Thông tư nữa là yêu cầu giáo viên từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông khi là giáo viên hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Phải chăng những yêu cầu này Bộ đang làm khó giáo viên và dọn đường cho các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong những năm tới đây?

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Yêu cầu giáo viên hạng I cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên

Đọc dự 3 thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp tiểu học đến trung học phổ thông công lập thì chúng tôi thấy giáo viên hạng I được yêu cầu về trình độ thạc sĩ.

Đối với giáo viên tiểu học thì yêu cầu về trình độ: “Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành giáo dục tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy”.

Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng I thì yêu cầu về trình độ: “Có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy”.

Như vậy, giáo viên hạng I đối với các cấp học phổ thông đều bắt buộc phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Một khi chưa học cao học, dù có đầy đủ các chứng chỉ theo quy định thì giáo viên phổ thông không có đủ điều kiện để được bổ nhiệm là giáo viên hạng I và tất nhiên hệ số lương từ 4,00 đến 6,78 có mơ cũng không được.

Bởi đây mới là yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ. Ngoài ra còn vô vàn những tiêu chí khác như phải là người đứng ra tập huấn cho giáo viên, ra đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chấm thi giáo viên giỏi, danh hiệu thi đua cao…mới có cơ hội tham gia thi (xét) thăng hạng.

Dự thảo các Thông tư quá đề cao bằng cấp, chứng chỉ

Phải nói thật rằng khi đọc 3 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp tiểu học đến trung học phổ thông công lập thì chúng tôi không tránh khỏi những băn khoăn.

Băn khoăn bởi cả 3 dự thảo Thông tư này quá xem trọng văn bằng, chứng chỉ và cào bằng tất cả các giáo viên ở các cấp học, các môn học khác nhau.

Những yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp quá nhiều nhiêu khê nhưng lại hình thức.

Bởi giáo viên muốn lên một hạng cao hơn lại phải học một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, ngoại ngữ tương ứng hết vài triệu đồng.

Trong khi, nội dung học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp na ná như nhau và phần nhiều là khi còn là sinh viên sư phạm thì họ đều đã học các nội dung này rồi.

Chứng chỉ ngoại ngữ cũng rất cần nhưng không phải giáo viên dạy môn nào cũng cần trình độ ngoại ngữ như nhau, môn nào cũng phải B1, B2 giống nhau bởi nhiều môn học không nhất thiết phải thông thạo ngoại ngữ.

Về trình độ chuyên môn cũng vậy. Trước ngày 1/7/2020 thì chuẩn trình độ giáo viên tiểu học là trung cấp, giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng, giáo viên trung học phổ thông là đại học.

Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì sau ngày 1/7/2020 các giáo viên từ tiểu học trở lên phải có trình độ từ đại học sư phạm hoặc tương đương trở lên.

Điều này có nghĩa những nhà giáo khi dạy các cấp học này phải đạt được ngưỡng trình độ là đại học, không bắt buộc nhà giáo phải có trình độ cao hơn đại học mà chỉ là khuyến khích nhà giáo có trình độ cao hơn mà thôi.

Thế nhưng, theo dự thảo của 3 Thông tư mà Bộ mới công bố thì những nhà giáo muốn được nâng hạng lên giáo viên hạng I phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Rõ ràng, dự thảo các Thông tư cho thấy Bộ đang quá đề cao bằng cấp, chứng chỉ mà chưa xem trọng giáo viên đó dạy môn của mình như thế nào, hiệu quả ra sao!

Dự thảo có dọn đường để các trường đại học, các viện khoa học mở rộng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ?

Thực tế cho thấy đội ngũ giáo viên trung học phổ thông ở những nơi gần các trường đại học, những vùng có điều kiện thì đã có nhiều người có trình độ thạc sĩ, thậm chí giáo viên trung học cơ sở, giáo viên tiểu học cũng đã hoàn thiện chương trình cao học.

Nhưng với điều kiện nước ta hiện nay thì khu vực nông thôn, miền núi vẫn chiếm số đông nên trường học phổ thông không chỉ mở ra ở khu vực đô thị mà ở bất kỳ vùng quê nào cũng bắt buộc phải mở trường và có giáo viên giảng dạy.

Vì thế, không phải giáo viên nào muốn đi học cao học cũng có thể đi được vì nó còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, thời gian, tiền bạc nữa.

Vẫn biết, đối với khối ngành sư phạm thì việc đào tạo cao học, hay hướng dẫn làm nghiên cứu sinh lâu nay ít khi có điều tiếng về chất lượng, nhưng với hướng mở như hiện nay với 1,3 triệu giáo viên trong biên chế hưởng lương ngân sách, ai dám khẳng định là giáo viên không đăng ký thi và học ở những trường, những viện mà lâu nay được xem là “lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ?

Bởi, trong 3 dự thảo Thông tư từ tiểu học lên đến trung học phổ thông yêu cầu giáo viên hạng I như sau: “Có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy”.

Vậy thì giáo viên không nhất thiết phải học cao học ở các trường sư phạm mà có thể học ở bất kỳ trường, viện nào có ngành đào tạo giống như môn mình dạy là được.

Những ngành tương đương với các môn dạy ở cấp học phổ thông hay quản lý giáo dục thì hiện nay ở Việt Nam mình có rất nhiều.

Trong đó, có những cơ sở đào tạo uy tín và có cả những “lò ấp” mà báo chí đã phản ánh trong nhiều năm qua.

Thiết nghĩ, có bằng thạc sĩ trở lên mà dạy phổ thông là rất tốt, điều này còn tốt hơn nếu người học được học, được đào tạo ở các trường uy tín, coi trọng chất lượng.

Nhưng, nếu Bộ không kiểm soát được thì việc đào tạo thì rất dễ dẫn đến tình trạng các trường đại học, các viện khoa học sẽ mở lớp, sẽ chiêu sinh tràn lan ở các địa phương giống như tại chức, từ xa trước đây.

Lúc ấy, tấm bằng thạc sĩ sẽ có rất nhiều nhưng chất lượng thì không thể nào kiểm soát được.

Hơn nữa, nếu yêu cầu giáo viên có hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên sẽ vô tình đẩy giáo viên ở các vùng nông thôn, miền núi…không có cơ hội thăng hạng vì hiện nay các lớp cao học chủ yếu mới mở tại các cơ sở chính của các trường đại học.

Vì thế, chúng tôi cho rằng Bộ chỉ nên khuyến khích giáo viên đi học cao học và xem những người có bằng thạc sĩ thêm những điểm cộng khi tham gia thi (xét) thăng hạng mà thôi bởi theo Luật giáo dục năm 2019 thì chuẩn trình độ các cấp học này là đại học.

Hơn nữa, tới đây Nhà nước sẽ trả lương theo vị trí việc làm thì việc quan trọng nhất là hiệu quả công việc được giao, được phân công chứ không phải là tấm bằng cao học.

Vậy, có nhất thiết phải đóng khung giáo viên hạng I bắt buộc phải có bằng thạc sĩ trở lên hay không?

Vì thế, chúng tôi mong rằng khi ban hành chính thức các Thông tư thì lãnh đạo Bộ cần cân nhắc tiêu chí giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên cho phù hợp với thực tế công việc của nhà giáo và cũng là cách để một số giáo viên mới có thể hy vọng được nâng hạng.

Đừng máy móc, cứng nhắc yêu cầu như vậy mà đẩy giáo viên cứ mải mê vào vòng xoáy chạy theo bằng cấp, chứng chỉ của Bộ quy định!

NGUYỄN CAO