Dừng học bổng 322: “Chẳng ai học được chữ ngờ”

23/05/2012 06:04
Tâm thư của một ứng viên 322
(GDVN) - Tim tôi dường như ngưng đập khi nhìn thấy tên mình trong danh sách sinh viên trúng tuyển học bổng 322 của Chính Phủ. Giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, bất ngờ bởi cái tin dữ ấy… Chẳng ai học được chữ ngờ!
Đó là lời tâm sự đầy nước mắt của một sinh viên ĐH Ngoại thương nhận được học bổng 322 của Chính phủ. 2 năm trước, chàng trai người Quảng Ngãi vỡ òa hạnh phúc, tự hào được du học Pháp. Sau 2 năm xa nhà, cậu nỗ lực vì sự vất vả của người mẹ ở quê; cho người em có cơ hội học đại học nhiều hơn...

Cùng báo GDVN lắng nghe tâm sự, ước nguyện của một chàng trai vùng biển đầy nắng gió kể về chặng đường 2 năm từ ngày học bổng 322:

“Chẳng ai học được chữ ngờ”. Cho mãi đến bây giờ tôi mới thấm thía từng chữ từng chữ một của câu nói ấy. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, bất ngờ bởi cái tin dữ ấy. Tôi chẳng thể nào tưởng tượng được chuyện ấy có thể xảy ra. Vâng, tôi là một ứng viên được nhận học bổng 322 cách đây một năm và giờ đây tôi đang cầm trên tay giấy báo trúng tuyển của ngôi trường tại học tại Pháp mà tôi vẫn mơ về hàng đêm. Thế nhưng sao khóe mắt tôi vẫn cứ nhòa đi mỗi khi nghĩ về mẹ? Tôi đã bị dừng học bổng 322 khi một chân của tôi đã đặt lên đất Pháp. Cái cảm giác hoang mang đến khó chịu của hai năm trước lại ùa về. Đúng, là của hai năm trước…

Tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Ngoại Thương với 28 điểm cách đây gần hai năm. Nhiều người bảo tôi là người hạnh phúc nhất. Tôi hạnh phúc nhưng tôi hoang mang, tôi lo lắng bởi tôi không biết phải làm gì để tiếp tục con đường gian nan này. Tôi căm hận con người ấy, người đã bỏ rơi mẹ tôi và hai anh em tôi. Làm sao mà đôi vai bé nhỏ ấy của mẹ có thể lo cho tôi vào Sài Gòn được chứ. Và tôi bắt đầu đi săn. Tôi “săn” học bổng. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi ngọn lửa quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” đã đến với tôi. Với học bổng mà Quỹ trao tặng mỗi học kì, tôi đã có thể tiếp tục nỗ lực hết sức mà không phải lo lắng về vấn đề tài chính nữa.

Điều đó đúng là một phép lạ với tôi. Tim tôi dường như ngưng đập khi nhìn thấy tên mình trong danh sách sinh viên trúng tuyển học bổng 322 của Chính Phủ, bởi vì đó có lẽ là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Cảm xúc ấy thật tuyệt vời, và nó là một kỷ niệm thiêng liêng.

Với nhiều bạn đó là cơ hội mà chúng ta được tiếp xúc với nền giáo dục chất lượng cao và cơ hội được cống hiến nhiều nhất có thể cho tổ quốc. Tôi cũng thế nhưng còn một điều cũng có ý nghĩa hơn thế là mẹ tôi sẽ đỡ bớt một gánh nặng và em tôi sẽ có cơ hội vào đại học nhiều hơn. 

Nhưng cuộc đời chẳng có điều gì dễ dàng với ta. Ngày tôi chia tay bạn bè, chia tay ngôi trường Ngoại Thương, chia tay đất Sài Gòn để ra Hà Nội tham gia khóa học ngoại ngữ do Bộ tổ chức cũng là ngày bắt đầu cho một hành trình gian nan khác. Hà Nội, nơi có hồ Gươm, có tháp Rùa, có đền Ngọc Sơn… rất nhiều thứ mà tôi mong được một lần được tận mắt nhìn thấy. Ở Hà Nội, tôi không có người quen. Bơ vơ, lạc lõng giữa những con phố đông người. Tôi phải làm quen với nhịp sống mới, với những con người hoàn toàn xa lạ. Và tôi phải bắt đầu học một thứ ngôn ngữ mới hoàn toàn, đó là tiếng Pháp. Tất cả những khó khăn đó chẳng là gì, tôi hoàn toàn có thể vượt qua. Nhưng, tôi không chịu đựng được khi biết nghĩ đến cảnh mẹ phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền gửi ra cho tôi ăn học. Nhiều đêm, tôi mất ngủ và luôn nhớ về mẹ. Người mẹ nhỏ bé của tôi đã làm tất cả, đã hy sinh tất thảy để tôi được học hành, được theo đuổi mơ ước của mình. Sinh hoạt phí ở Hà Nội gần như gấp đôi lúc tôi học ở Sài Gòn, trong khi chẳng còn được nhận học bổng nào nữa cả, vì đã nghỉ học ở trường rồi. Bao lo toan, gánh nặng tiền bạc đổ dồn vào đôi vai gầy yếu của mẹ. Điều đó là quá sức với mẹ. Tôi gọi về nhà: “Mẹ à, hay… con về lại Sài Gòn học cũng được”. Nhưng giọng mẹ như lạc đi. Tôi biết mẹ đang khóc. Mẹ bảo: “Không, không thể bỏ cuộc con à, cố gắng hết sức đi, mẹ lo được mà”. Nghe mẹ nói vậy, tôi lại khóc. Và gần như lần nào nói chuyện với mẹ, tôi cũng khóc. Tôi mong có một ngày sau khi du học trở về, ngoài việc phải cống hiến để đền đáp ơn nghĩa cho đất nước mình, tôi sẽ dành tất cả thời gian để chăm sóc mẹ.
Nhờ những lời động viên của mẹ, nhờ những người bạn tốt bụng, những thầy cô giáo tận tâm chốn Hà thành mà tôi có thể đi đến ngày hôm nay. Ngày tôi nhận được thông báo trúng tuyển của trường Đại học bên Pháp là một ngày thật đặc biệt. Cảm giác ấy như là khi bạn trúng tuyển vào đại học vây... Vậy mà rồi tất cả lại sụp đổ chỉ trong một tích tắc.

Đêm nay, Sài Gòn lại mưa. Tôi thả bộ qua những con phố. Tôi giận mình sao vẫn còn đủ tỉnh táo để đến lớp học tiếng Pháp mỗi đêm. Phải suy nghĩ và lựa chọn… Hoặc sẽ quay lại trường cũ để tiếp tục học và chẳng biết năm sau, khi mà em tôi cũng bước chân vào Đại học thì mẹ tôi sẽ phải xoay sở thế nào đây. Hoặc sẽ chuyển sang du học ở Nga, Ma-roc, Cuba, Srilanca, quá nhiều sự lựa chọn, nhưng làm sao biết được sự lựa chọn nào là hợp lí nhất khi chỉ có 10 ngày để suy nghĩ. Và rồi hành trang sang xứ người sẽ là sự tiếc nuối, với một chân trời khác, nơi đã mang đến cho tôi quá nhiều hi vọng. Một sự bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh có lẽ là quá sức khi tôi thấy mình đã thấm mệt. Tôi học tiếng Pháp cơ mà, vậy thì đi Nga, hay đến Cuba để làm gì nhỉ? Hay là lại phải mất thêm 2 năm nữa để học tiếng. Nếu đúng là vậy thì thật kinh khủng!

Nhìn ngọn đèn đường, tôi chỉ ước một chút ánh sáng hiu hắt từ ngọn đèn ấy sẽ lại đến với tôi lần thứ hai, sẽ lại mang cho tôi niềm tin để tiếp tục hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

Tâm thư của một ứng viên 322