Đừng lo, không có môn học nào bị xóa sổ, giáo viên nào thất nghiệp đâu!

06/04/2022 07:03
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền, giải thích cho học sinh lớp 9 hiểu rõ tầm quan trọng của chọn tổ hợp môn, giúp các em chọn được tổ hợp môn phù hợp với mình.

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Việc chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn) nên có thể có 108 tổ hợp môn học sinh có thể chọn.

Đừng lo, không có môn học nào bị xóa sổ đâu!

Khi học sinh tự chọn môn học, rất nhiều người lo lắng môn Lịch sử sẽ bị học sinh “tẩy chay”, nên mới có “108 tổ hợp môn: Môn Lịch sử có thể bị "xóa trắng" ở trường có thế mạnh KHTN”.

Người viết trao đổi với thầy giáo Kh. (đề nghị không nêu tên), hiệu trưởng một trường trung học phổ thông về vấn đề này, thầy Kh. cho biết: “Quả thật, nếu cho học sinh lựa chọn, môn Lịch sử, Sinh học, học sinh sẽ không chọn là có cơ sở thực tế.

Với môn Lịch sử, từ trước tới nay vốn dĩ là môn học có điểm thấp trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất đó là tổ hợp môn xét tuyển đại học có môn Lịch sử thường khó chọn nghề.

Với môn Sinh học, cũng là môn “kén” học sinh, nay xét tuyển đại học Y, Dược không cần có môn Sinh, cho nên, nếu học sinh tự do lựa chọn, môn Sinh học cũng dễ bị học sinh sẽ “né”.

Thế nhưng, không có môn học nào bị xóa sổ đâu, vì các nhà trường thực hiện theo Công văn 5512, sẽ xây dựng tổ hơp môn cho học sinh lựa chọn bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường là ưu tiên số một.

Ảnh minh hoạ tren Luatvietnam.vn

Ảnh minh hoạ tren Luatvietnam.vn

Ví dụ, nhà trường có 3 giáo viên dạy Lịch sử, mỗi giáo viên được phân công dạy 1 khối, buộc nhà trường phải làm sao chia tổ hợp môn tự chọn lớp 10 phải đảm bảo số tiết cho 1 giáo viên dạy Lịch sử trong năm học.

Các môn khác cũng phải làm tương tự, nếu để học sinh chọn, phân lớp, sẽ có người dạy vượt tiết, còn người khác ngồi chơi xơi nước nhà trường vẫn phải trả lương.

Phần lớn giáo viên đều tuyển dụng trước năm 2020, nên cũng không thể giảm biên chế, buộc nhà trường phải chủ động xây dựng tổ hợp môn, đảm bảo số tiết, đảm bảo việc làm cho giáo viên.

Vì thế, sẽ không có chuyện môn học nào trắng, hay giáo viên trong biên chế thất nghiệp, khi nhà trường xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Làm sao "ép" được học sinh chọn tổ hợp môn theo kế hoạch của nhà trường?

Việc nhà trường xây dựng tổ hợp môn, học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học theo định sẵn của nhà trường, chứ không được chọn lựa, có vi phạm pháp luật?

Công văn 5512 chỉ đạo như như sau: “Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Thực tế, nếu để học sinh tự do lựa chọn theo sở thích, không có bất cứ cơ sở giáo dục nào đáp ứng được, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng vào lớp 10 sẽ “vỡ trận” ngay từ khâu chọn môn tự chọn của học sinh.

Để “ép” học sinh vào “khuôn” của mình, các trường trung học phổ thông buộc phải lồng “cam kết” của học sinh thực hiện chọn các môn tổ hợp theo kế hoạch của nhà trường đã xây dựng, ngay trong đơn dự thi vào trường.

Thực tế ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm như thế nào?

Ngày 26/3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản Số 87/SGDDT-DGTrHTX về việc cung cấp thông tin về nội dung giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch thực hiện chương trình lớp 10 của các trường THPT để hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Sau khi thực hiện văn bản Số 87/SGDDT-DGTrHTX, Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc đã có văn bản số 84/KH-THPT.XM Kế hoạch: Định hướng, tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho việc thực hiện chương trình lớp 10 năm học 2022-2023.

Theo đó sẽ có 07 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Mỗi học sinh đăng ký 2 nguyện vọng về việc chọn tổ hợp môn. Mỗi tổ hợp môn phải có số học sinh tối thiểu là 27/35 học sinh thì nhà trường mới tổ chức lớp học. Nếu không đủ thì sẽ không tổ chức lớp học đó và học sinh hiển nhiên sẽ phải học nguyện vọng 2.

Trong trường hợp số học sinh đăng ký nhiều hơn số học sinh theo quy định thì sẽ lấy điểm từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu.

Tùy theo điều kiện thực tế có thể mở thêm lớp khi số lượng học sinh bị loại nhiều. Các tiêu chí để xét là: Điểm thi tuyển, điểm trung bình các môn trong tổ hợp lựa chọn của 4 năm học cấp 2.

Dự kiến các tổ hợp môn tự chọn của trường THPT Xuyên Mộc - Ảnh chụp màn hình

Dự kiến các tổ hợp môn tự chọn của trường THPT Xuyên Mộc - Ảnh chụp màn hình

Nhà trường sẽ cập nhật và công khai số nguyện vọng đăng ký hàng ngày để học sinh biết số lượng nguyện vọng đăng ký, từ đó có sự điều chỉnh hoặc đăng ký lại nguyện vọng cho phù hợp.

Chương trình 2018 thực hiện ở lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ không thể ngưng lại, dù có nguy cơ “vỡ trận” từ 108 tổ hợp môn tự chọn.

Người viết mong Bộ giảm số môn tự chọn, tăng số môn bắt buộc, để giảm số tổ hợp môn. Bác Hồ kính yêu từng viết “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều quy định Lịch sử là môn học bắt buộc, nên đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc, chứ không phải tự chọn như hiện nay.

Các cơ sở giáo dục trung học cơ sở cần tuyên truyền, giải thích cho học sinh lớp 9 hiểu rõ tầm quan trọng của chọn tổ hợp môn, giúp các em chọn được môn phù hợp bản thân.

Các trường trung học phổ thông cần có kế hoạch đến trường trung học cơ sở, giải thích, định hướng cho học sinh lớp 9 biết kế hoạch của mình, giúp các em chọn được trường có tổ hợp môn phù hợp năng lực, phẩm chất của bản thân.

Cuộc đua vào lớp 10 năm học 2022-2023 không chỉ đơn thuần trường điểm, trường có tiếng như trước đây nữa, chọn được trường có tổ hợp môn phù hợp với mình mới quan trọng hơn.

Học sinh lớp 9 cần cân nhắc lựa chọn trường, chọn tổ hợp môn phù hợp, cùng với đó cố gắng ôn học để có kết quả học tập tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

- Văn bản Số 87/SGDDT-DGTrHTX, văn bản số 84/KH-THPT.XM.

- Công văn 5512/BDGĐT-GDTrH.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến