Dùng tiền ngân sách đi đào tạo mà không trở về, cần phải đền bù "1 vốn 4 lời"

03/06/2021 06:28
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mặc dù có ý kiến cho rằng ở trong nước hay ở nước ngoài đều phục vụ được đất nước nhưng nói gì thì nói người trực tiếp phục vụ đất nước phải được ưu tiên.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89 "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030", trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Như vậy, nếu so với mục tiêu của Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm, thì mục tiêu của Đề án 89 đã giảm số lượng hơn một nửa.

Trong thời gian dài, chuyện tiến sĩ được cử đi đào tạo nhưng một số lại không về nước đang gây chú ý của dư luận. Nhiều người cho rằng, nếu họ không trở về là “chảy máu chất xám”.

Trước vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực tế là không thể nào ngăn cản được ý muốn hay kế hoạch cá nhân của mỗi người, tuy nhiên về mặt pháp lý, khi dùng tiền ngân sách để đi đào tạo thì phải có cam kết, nếu không trở về thì dứt khoát phải đền bù số tiền không chỉ bằng mà cần gấp 2, gấp 3 thậm chí “một vốn bốn lời”.

“Chừng nào chúng ta đồng bộ, minh bạch chính sách, khuyến khích người trở về làm việc trong nước và có chính sách đãi ngộ đủ thu hút thì mới mong hạn chế việc “chảy máu chất xám” chứ không thể tuyệt đối được”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet

Ngược lại, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu có người tự đi học nước ngoài bằng tiền túi, có năng lực thực sự thông qua hiệu quả công việc mà họ sẵn sàng trở về nước thì Nhà nước cũng phải rõ ràng xem họ được ưu tiên cái gì, khuyến khích những gì hay vẫn luôn bị gây khó khăn, hạnh họe đủ thứ.

Bởi họ là tấm gương để những người được cử đi học có quyết định trở về nước hay không.

Mặc dù có ý kiến cho rằng ở trong nước hay nước ngoài đều phục vụ được đất nước nhưng nói gì thì nói người trực tiếp phục vụ đất nước phải được khuyến khích, ưu tiên, động viên bằng nhiều cách.

Trước hết ưu tiên để họ có công ăn việc làm phù hợp, có chính sách đãi ngộ, không phải một hay nhiều căn hộ mà khi họ làm tốt thì họ phải được thăng tiến theo đúng lộ trình chứ đừng để xảy ra chuyện ngáng chân nhân tài.

Tiến sĩ Chức cho hay, ông từng chứng kiến, người đi học nước ngoài về ít nhiều ảnh hưởng văn hóa nên nhiều khi thẳng thắn, bộc trực, không khôn khéo trong giao tiếp nên sinh ra mất lòng, thậm chí sinh ra thù oán, trù dập nên họ lại phải “bỏ” đi.

Quan điểm của Tiến sĩ Chức là cần rõ ràng để đánh giá công bằng thông qua hiệu quả công việc, vì lợi ích chung chứ không phải vì cá nhân.

Còn nếu cá nhân nào muốn không trở về sau khi hoàn thành khóa đào tạo thì phải giải trình, phải bồi hoàn không chỉ tiền vốn còn gấp vài lần tùy theo mức độ đánh giá bởi lẽ vì là giảng viên, cán bộ trường A nên mới đủ bàn đạp để được cử đi học nhưng lại không về nên rõ ràng cần phải có cam kết, thậm chí phải ký cam kết với phụ huynh của người được cử đi học để làm sao thu lại được.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, một số trường hợp học quá xuất sắc nên nước ngoài muốn đặt vấn đề, lúc đó cần được thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục đại học và người học, cũng giống như cầu thủ bóng đá đang đá cho câu lạc bộ này nhưng câu lạc bộ kia muốn mượn hoặc muốn mua thì hoàn toàn có thể đưa ra mức giá phù hợp.

Được biết, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ba hình thức đào tạo thuộc Đề án 89: Đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam; Đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; Đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài (chỉ dành cho đào tạo ở trình độ tiến sĩ).

Về ngành đào tạo, đối với trình độ tiến sĩ là tất cả các ngành theo nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học và chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Học bổng ở trình độ thạc sĩ chỉ được cấp cho các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

Đối với đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam, người học được hỗ trợ học bổng và học phí, hỗ trợ chi phí đi dự hội thảo hoặc thực tập ở nước ngoài.

Đối với đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, người học được hỗ trợ học bổng và chi phí đào tạo bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay một lượt đi và về, các loại phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở tiếp nhận (nếu có).

Đối với đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài, người học được hỗ trợ tùy theo thời gian học ở Việt Nam hay nước ngoài.

Học bổng và chi phí đào tạo hỗ trợ người học không quá 2 năm đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ không quá 4 năm đối với người được cử đi đào tạo tiến sĩ, trong đó kinh phí thực tập, nghiên cứu và tham gia hội thảo ở nước ngoài đối với người được cử đi học toàn thời gian ở Việt Nam tối đa không quá 6 tháng.

Thùy Linh