Đường ra biển lớn tự chủ đại học là tự chủ học thuật

04/02/2022 06:55
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ học thuật là văn hóa, là nhu cầu tự thân của giáo dục đại học, gắn liền với năng lực nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu đào tạo các trường đại học.

Trong những quyền tự chủ cơ bản của các trường đại học, tự chủ học thuật được đánh giá là có cơ chế thông thoáng nhất hiện nay, giúp cơ sở giáo dục chủ động đổi mới và phát triển công tác đào tạo, tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi diện mạo giáo dục đại học.

Nhìn nhận lại vấn đề tự chủ học thuật tại các trường đại học ở Việt Nam, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giảng viên cao cấp - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải.

Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải cho rằng, việc thực hiện tự chủ học thuật vẫn còn những hạn chế, nhất là chưa tạo được văn hóa môi trường học thuật. (Ảnh: Phạm Minh)

Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải cho rằng, việc thực hiện tự chủ học thuật vẫn còn những hạn chế, nhất là chưa tạo được văn hóa môi trường học thuật. (Ảnh: Phạm Minh)

PV: Thưa Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải, ông đánh giá như thế nào về những kết quả, thành tựu đã đạt được từ khi các trường đại học được thực hiện quyền tự chủ về học thuật?

Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải: Nhờ thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tự chủ học thuật được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã gặt hái được nhiều thành tựu đóng góp tích cực cho giáo dục đại học.

Cụ thể là các trường đại học đã chủ động mở ngành mới, chủ động đổi mới, cập nhật ban hành chương trình, nội dung đào tạo, ngôn ngữ đào tạo, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, phương pháp đánh giá, nhiều trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá và có chứng nhận kiểm định chất lượng.

Các trường đại học thay đổi cơ cấu tổ chức tăng cường tự chủ học thuật, bố trí thêm phòng đảm bảo chất lượng giáo dục và cử đi đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục.

Nhờ tự chủ học thuật, số chương trình đào tạo đại học và sau đại học chính quy tăng thêm nhiều ở các trường đại học. Một số trường đại học đã phát huy tối đa quyền tự chủ về học thuật, nhất là tự chủ trong việc xây dựng hồ sơ mở ngành đào tạo mới, đề án tuyển sinh đa dạng, phương thức tuyển sinh và công khai xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Tự chủ học thuật cũng đã được kiểm tra, giám sát, đánh giá chặt chẽ và hiệu quả từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vậy theo ông, trong thực tiễn triển khai tự chủ học thuật, liệu còn tồn tại hạn chế nào không?

Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải: Bên cạnh những bước tiến và những chuyển biến tích cực nêu trên, việc thực hiện tự chủ học thuật vẫn còn những hạn chế, nhất là chưa tạo được văn hóa môi trường học thuật.

Thứ nhất, các đơn vị quản lý, lãnh đạo, đơn vị triển khai thực hiện vẫn chưa nhận thức tự chủ học thuật là nhu cầu tự thân của giáo dục đại học.

Tự chủ học thuật đề cập đến năng lực của trường đại học trong việc quản lý các vấn đề học thuật của mình một cách độc lập. Đó là quyền tự chủ đề cập đến khả năng của trường đại học trong việc quyết định kế hoạch chiến lược học thuật, chẳng hạn như mở ngành, tuyển sinh, chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, đảm bảo chất lượng, liên kết đào tạo, cấp bằng và ngôn ngữ giảng dạy, đầu tư thích đáng cho nghiên cứu khoa học phát triển học thuật, tự do trao đổi học thuật, tiêu chuẩn đạo đức học thuật...

Lịch sử giáo dục đại học nước ta cho thấy sự thăng trầm về tự chủ học thuật qua cơ chế quan liêu bao cấp trước đây và đổi mới giáo dục đại học hiện nay. Ngày nay chính sách pháp luật khá hoàn chỉnh đối với tự chủ học thuật từ Luật giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo như là Điều lệ trường đại học năm 2014, Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 23 /2021/TT-BGDĐT.

Tự chủ học thuật đó chính là nền tảng, là động lực tự thân của giáo dục đại học. Không đảm bảo tự chủ học thuật, rất khó thực hiện tự chủ đại học. Nghiên cứu kinh nghiệm của EU và các quốc gia OECD cho thấy, tự chủ học thuật có vai trò quan trọng trong tự chủ đại học bởi vì nó là điều kiện cơ bản nhất để tự chủ đại học thành công.

Hạn chế thứ hai là chưa thấy được tự chủ học thuật gắn liền với năng lực nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu các trường đại học.

Chúng ta cần nhận thức rất rõ là tự chủ học thuật phải gắn với các nguồn lực, nhất là năng lực nguồn nhân lực của các trường đại học.

Năng lực nguồn nhân lực là năng lực của các giảng viên, nhất là giảng viên chủ chốt cơ hữu đứng mở ngành. Tối thiểu đảm bảo đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo giảng dạy các học phần chuyên ngành của ngành được mở.

Năng lực giảng viên chủ chốt đứng mở ngành quyết định thành hay bại tự do học thuật. Nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học thành công khi có giảng viên chủ chốt đứng mở ngành được đào tạo từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu của các trường đại học cũng quyết định tự chủ học thuật.

Hạn chế thứ ba là chưa thấy được tự chủ học thuật cần cân bằng giữa học thuật và nhu cầu thị trường.

Một mặt có xu hướng thiên về đào tạo theo nhu cầu thị trường, tức là đáp ứng nhu cầu thị trường hơn là đảm bảo học thuật chuẩn quốc tế. Mặt khác nhiều đơn vị đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những kiến thức ngành mà xã hội cần thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu môn của mã ngành chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Bối cảnh năng lực học thuật còn yếu kém, xu hướng thị trường hóa khá phổ biến, nếu tự chủ học thuật bị chi phối bởi thị trường sẽ dẫn đến hậu quả chất lượng đào tạo kém.

Bên cạnh đó, có trường hợp trường đại học tập trung vào học thuật , không tính đến nhu cầu thị trường việc làm dẫn đến tuyển sinh khó.

Xu hướng khá phổ biến là lựa chọn cân bằng hài hòa giữa chuẩn mực học thuật và nhu cầu thị trường để phát triển. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự ủng hộ của các giáo chức chuyên ngành, thực sự vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bên cạnh có một số trường đại học đã phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, cũng còn có nhiều trường chưa chú trọng quốc tế hóa học thuật.

Ngoài ra, còn có những khó khăn, rào cản tự chủ học thuật hiện nay. Cụ thể như việc thực hiện tự chủ học thuật chưa đến tay đội ngũ giảng viên cũng là một hạn chế.

Điều 32 của Luật giáo dục đại học năm 2012 quy định: “….Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. Luật giáo dục đại học quy định tự chủ học thuật là quyền của cơ sở giáo dục đại học, chứ chưa phải của đội ngũ giảng viên, nhất là cá nhân giảng viên chủ chốt đứng mở ngành.

Vấn đề là học thuật lại nằm ở đội ngũ giảng viên, trong khi hội đồng khoa học đào tạo có chức năng tham mưu giúp việc cho Hội đồng trường và Ban giám hiệu hoạt động còn mang tính hình thức thì tự chủ học thuật luôn mang tính hình thức mà chưa phát huy năng lực khoa học và sức sáng tạo của đội ngũ giáo chức. Đó là môi trường học thuật và văn hóa đại học không phù hợp cho tự chủ học thuật.

Vấn đề nữa ở nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay là định mức khối lượng kiến thức theo tín chỉ cao như quốc tế, trong khi phương pháp dạy và học lạc hậu ở phần lớn trường đại học nước ta sẽ dẫn đến cắt giảm chương trình, hạ thấp chất lượng đào tạo.

Khối lượng tối thiểu của chương trình cử nhân được quy định 120 tín chỉ, thạc sĩ – 60 tín chỉ, tiến sĩ 120 tín chỉ (khoảng 30 tín chỉ một năm học) cứng nhắc cho các trường đại học, bởi vì số giờ lên lớp ở các đại học quốc tế rất ít so với số giờ tự học.

Quy định tín chỉ theo định mức châu Âu ETCS (60 giờ tín chỉ một năm học) có thể phù hợp hơn với nhiều trường đại học nước ta, nhưng chưa được khuyến khích sử dụng.

Các triết lý về cấu trúc chương trình đào tạo (hai khối giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp) và kiểu quản lý mềm dẻo theo “khung chương trình” làm cho “tự chủ” khó khăn. Nhiều trường đại học vẫn còn lúng túng triển khai đào tạo theo tín chỉ.

Điều kiện mở ngành đào tạo ngày càng cao gây khó khăn hơn cho tự chủ học thuật, quy định hiện nay 5 tiến sĩ phù hợp để mở ngành đào tạo là cao, rất ít trường có thể thỏa mãn, đặc biệt điều kiện đó chỉ thích hợp với loại trường đại học theo hướng học thuật chứ không phải theo hướng ứng dụng.

Ngoài ra, xuất hiện Hội đồng tư vấn khối ngành thuộc các bộ chủ quản càng khó cho tự chủ học thuật. Thông tư 17/2021 còn quy định cả số thành viên 9 người gồm cả Bộ chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp. Những khó khăn đó vô hình trung vô hiệu hóa cái gọi là tự chủ học thuật. Các trường đại học có ý kiến là trong quy trình triển khai đào tạo việc xin mở ngành đào tạo thường là khâu khó khăn và tốn kém nhất.

Thay đổi liên tục các quy định (Thông tư) về học thuật gây ra sự xáo trộn và khó khăn cho các trường bởi vì đó chỉ là các văn bản hồ sơ trên giấy, gốc của vấn đề nằm ở đội ngũ giảng viên. Chất lượng giảng viên quyết định chất lượng giáo dục chứ không phải là do làm đầu ra hay, thẩm định đúng, kiểm định đẹp mang lại chất lượng đào tạo cao.

Hạn chế của tự chủ học thuật còn là vấn đề hành chính quan liêu. Không ít bộ phận đơn vị trong trường đại học vẫn vận hành theo “thói quen”, hoạt động đào tạo theo cung cách, phương thức “bao cấp”, chưa chủ động bắt nhịp với cơ chế tự chủ.

Thời gian tự học, thực hành, nơi thực hành không đáp ứng được yêu cầu số lượng và chất lượng dẫn đến sinh viên, học viên khó trải nghiệm và rèn luyện tốt các kỹ năng cần thiết.

Thưa ông, vậy đâu sẽ là giải pháp tăng cường tự chủ học thuật trong các trường đại học hiện nay?

Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải: Giải pháp nằm nhiều ở 03 nhóm chủ thể quan trọng đó là trường đại học; cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ chủ quản; các giảng viên chủ chốt các trường đại học. Tôi cho rằng, đường ra “biển lớn” tự chủ đại học chính là tự chủ học thuật. Và để tự chủ học thuật đi vào thực chất, cần thực hiện 7 giải pháp sau:

Thứ nhất là cần tăng cường nhận thức cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước và phía các trường đại học và đội ngũ giảng viên chủ chốt về tự chủ học thuật. Tự chủ học thuật là tạo ra văn hóa đại học với môi trường học thuật.

Thứ hai, để thực hiện tự chủ học thuật, cần tăng cường trao quyền tự chủ học thuật cho các trường đại học. Đó là sự tăng cường quyền quyết định về học thuật của các trường trong nghiên cứu và đào tạo, việc còn lại phía cơ quan quản lý có trách nhiệm giám sát và đánh giá đảm bảo tuân thủ theo quy phạm pháp luật. Cần đánh giá lại tác động, sửa ban hành văn bản QPPL theo chuẩn tự chủ học thuật để tổ chức thực hiện lâu dài. Không nên thay đổi liên tục các văn bản quy phạm pháp luật.

Các quy định hiện nay rất bó hẹp tự chủ học thuật từ mở ngành mới đến tuyển sinh, và các hoạt động đào tạo. Thiết nghĩ, sẽ làm khó cho Bộ chủ quản ban hành chuẩn chương trình đào tạo, bởi vì việc này là nhiệm vụ của các trường, tốt nhất là của Khoa và Bộ môn có đội ngũ giảng viên chủ chốt có học hàm học vị đảm nhiệm.

Tôi cho rằng văn bản quy phạm cần thiết lập 1 khung tham chiếu cho tự chủ học thuật ở mức thấp nhất từ khâu mở ngành đến khâu cấp bằng, để các trường đại học thực hiện, bắt buộc công khai minh bạch trên website và phương tiện thông tin đại chúng, chịu sự kiểm tra giám sát, đánh giá của cả xã hội và cơ quan quản lý nhà nước với chế tài nghiêm khắc nhất.

Thứ ba, muốn thành công, các trường đại học cần tăng cường quốc tế hóa học thuật, khuyến khích phát triển học thuật, trao đổi học thuật trong và ngoài nước, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: CDIO, POHE, chương trình tiên tiến, chương trình PFIEV, chương trình chất lượng cao và các chương trình liên kết quốc tế khác; rà soát chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn AUN-QA, thậm chí chuẩn chất lượng EU hoặc Hoa Kỳ.

Thứ tư, để tự chủ học thuật, các trường đại học cần thiết chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên chủ chốt trình độ cao, nhất là giảng viên đầu ngành hoặc ít nhất có 01 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế đầu ngành, bởi vì đây là mấu chốt thành công của tự chủ học thuật trong các trường đại học. Lời khuyên là nên tìm kiếm "săn" về, quản lý nguồn nhân lực chuyên nghiệp sẽ đảm bảo tự chủ học thuật.

Để tự chủ học thuật, các trường đại học cần chú trọng đầu tư thích đáng nghiên cứu khoa học theo định hướng học thuật, có nghiên cứu khoa học tốt thì tự chủ học thuật thành công. Tất nhiên là mục tiêu của nghiên cứu khoa học ở các trường đại học phải nhằm vào phục vụ đào tạo.

Thứ năm, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhất các trường đại học đều cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là quản lý về học thuật, đội ngũ này nên được đào tạo từ lĩnh vực quản lý giáo dục đại học và có kinh nghiệm làm việc ở trường đại học.

Thứ sáu, đội ngũ giảng viên chủ chốt cần ý thức được sứ mệnh thiêng liêng tự chủ học thuật, tăng cường nghiên cứu khoa học, bám sát học thuật quốc tế.

Thứ bảy, cần tăng cường giao lưu trao đổi học thuật cả nội bộ và cả trong nước và quốc tế (cử giảng viên đi học, mời nhà khoa học giỏi về), tổ chức hội thảo trao đổi, bồi dưỡng thường xuyên và phổ biến những kinh nghiệm thành công.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải!

Phạm Minh