Gần 90 nhân viên y tế trường học ở Hà Nội bị cắt giảm phụ cấp gần 1 triệu/tháng

08/06/2021 06:26
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 6 năm qua, gần 90 nhân viên y tế Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở tại huyện Thường Tín bức xúc khi bị cắt, giảm 20% phụ cấp/tháng (gần 1 triệu đồng).

Vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của gần 90 nhân viên y tế tại các trường học bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở tại 29 xã và thị trấn của huyện Thường Tín.

Theo nội dung đơn, những nhân viên này được nhận quyết định biên chế vào năm 2008 (đối với nhân viên y tế bậc Tiểu học và Trung học cơ sở) và năm 2010 (đối với nhân viên y tế bậc Mầm non). Kể từ thời gian được biên chế đến năm 2014, họ được nhận phụ cấp tiền lương và phụ cấp ưu đãi 20% từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, kể từ ngày 10/1/2015 đến nay, nhân viên y tế tại các bậc học trên trên bị cắt, giảm 20% phụ cấp theo văn bản 204 của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thường Tín. Theo đó, thay vì huyện Thường Tín chi trả ngân sách nhà nước đối với khoản phụ cấp của nhân viên y tế, thì huyện giao cho nhà trường tự chủ việc này.

Năm 2014, huyện Thường Tín có văn bản 204 thông báo về việc chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trường học trong huyện là sai và kể từ năm 2015, huyện sẽ giao về các trường tự thực hiện theo Nghị định 56. Ảnh: M.ĐNăm 2014, huyện Thường Tín có văn bản 204 thông báo về việc chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trường học trong huyện là sai và kể từ năm 2015, huyện sẽ giao về các trường tự thực hiện theo Nghị định 56. Ảnh: M.Đ

Về việc cắt, giảm phụ cấp, có nơi nhân viên y tế chỉ được nhận được phụ cấp 0,15 % đến 0,2 % theo mức lương cơ bản từ nhà trường (khoảng hơn 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng), nơi nào cao thì chi trả 10% lương hệ số, cá biệt nhiều trường còn cắt hẳn khoản phụ cấp này.

Nội dung đơn nêu, các nhân viên y tế làm trong các trường học phải làm rất nhiều công việc như chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Họ là những người phải tiếp xúc trực tiếp với học sinh, người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

“So với môi trường làm việc tại Trạm y tế xã hay bệnh viện thì chúng tôi bị thiệt thòi rất nhiều về các khoản ưu đãi nghề, nay lại cắt của chúng tôi 20%...”, trích đơn.

Trong khi huyện Thường Tín cắt giảm 20% phụ cấp của các nhân viên y tế thì theo tìm hiểu của phóng viên, tại các huyện lân cận khác như Phú Xuyên, Thanh Oai…nhân viên y tế trong trường học tại đây vẫn được nhận 20% phụ cấp. Từ lẽ trên, các nhân viên y tế trường học tại huyện Thường Tín mong muốn được cơ quan ban ngành xem xét để họ được nhận phụ cấp như các đồng nghiệp ở huyện khác.

Nhân viên y tế trường học nói gì?

Trong những ngày dịch COVID-19 cao điểm, tại huyện Thường Tín có 3 xã có ca mắc COVID-19, chị H.T. phải cùng đồng nghiệp nhân viên y tế đi tăng cường hỗ trợ các địa phương có dịch. Chị T. nói bản thân bị cắt phụ cấp từ hai năm trước.

“Trường tôi đang công tác cắt hẳn 20% phụ cấp đối với nhân viên y tế vài năm trước. Tôi được nhận mức lương khoảng 4 triệu đồng thì bị cắt 800 nghìn đồng, có người vào lâu hơn thì bị cắt gần 1 triệu đồng”, chị H.T. (nhân viên y tế tại một trường Trung học cơ sở) chia sẻ.

Nhân viên y tế trường Trung học cơ sở N.Đ.C cho hay, kể từ năm 2015, anh bị cắt hẳn 20% phụ cấp. Với mức lương khoảng trên 4 triệu đồng, tính ra anh bị cắt khoản thu nhập 800-900 nghìn đồng, dù là ít ỏi với nhiều người nhưng với anh là là số tiền lớn.

“Tôi có hai con gửi lớp bán trú cũng mất một triệu rưỡi một tháng. May mắn tôi không phải thuê nhà”, anh C. chia sẻ.

Anh C. cũng như nhiều nhân viên y tế cho hay, công việc của nhân viên y tế trường học thì không hề nhàn như nhiều người nghĩ.

Nam nhân viên y tế phân tích, bên trạm y tế thì họ có sự chủ động bởi bệnh nhân đến trạm thì đã có biểu hiện về bệnh lý, trong khi đó nhân viên y tế trường học tiếp xúc với các em học sinh thường tức thời như chảy máu, sốt…

“Dù chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các giáo viên về y tế nhưng họ không có chuyên môn, nên chúng tôi cũng gặp khó khăn ít nhiều trong công việc”, anh C. chia sẻ.

Phụ cấp cho nhân viên y tế từ đâu?

Trái ngược với tình cảnh của các nhân viên y tế tại huyện Thường Tín, chị T. (nhân viên y tế tại trường Tiểu học thuộc huyện Phúc Thọ) cho hay, hiện nay, chị vẫn được nhận 20% phụ cấp kể từ năm 2011. Bởi vậy, chị thấy thiệt thòi cho các đồng nghiệp ở Thường Tín.

Một nhân viên y tế bậc Trung học cơ sở ở huyện Chương Mỹ được nhận 20% phụ cấp vào năm 2015.Một nhân viên y tế bậc Trung học cơ sở ở huyện Chương Mỹ được nhận 20% phụ cấp vào năm 2015.

“Các nhân viên y tế ở Thường Tín bị cắt phụ cấp thì họ thiệt thòi hơn, thua bạn kém bè”, chị T. chia sẻ.

Ông Ngô Viết Thành (Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Thanh Oai) cho hay, đơn vị vẫn thực hiện chi trả 20% phụ cấp cho nhân viên y tế của nhà trường từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ông Thành cũng khá ngạc nhiên về việc huyện Thường Tín lại giao cho các trường tự chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế: “Làm sao các trường có thể tự chủ được chứ”.

Theo ông Thành, việc cắt hẳn phụ cấp của nhân viên y tế là không đúng vì luật quy định nhà trường có thể trả họ tối đa 20%, có trường chỉ chi trả 15% là căn cứ vào nguồn ngân sách của họ.

“Tôi nghĩ ở Thanh Oai chúng tôi không có trường nào chi trả 10-15% phụ cấp cho nhân viên y tế đâu, bởi họ đều được nhận cao hơn”, ông Thành chia sẻ.

Đồng quan điểm như ông Thành, chia sẻ với phóng viên, 2 cán bộ Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên và Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cho hay, họ vẫn đang chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế 20% phụ cấp và số tiền này được trích từ ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Uông Thị Phượng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thường Tín cho hay, trước năm 2015, huyện Thường Tín chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau đó Thanh tra Sở tài chính kiểm tra thanh tra và nhắc nhở.

“Năm 2014, huyện Thường Tín có văn bản 204 hướng dẫn lại cho các trường thực hiện theo Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư 02 của liên Bộ gồm Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo”, bà Phượng nói.

Theo bà Phượng tại Nghị định 56 quy định, Thủ trưởng cơ quan đơn vị sự nghiệp căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn kinh phí của đơn vị để chi trả phụ cấp, không vượt quá 20%. Việc chi trả này là do đặc thù của đơn vị, công việc của nhân viên và là nguồn thu của nhà trường.

Trước câu hỏi của phòng viên về việc tại các huyện như Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức… vẫn chi trả phụ cấp cho viên y tế từ ngân sách nhà nước, bà Phượng cho hay bà không rõ về điều này.

Phóng viên có đặt câu hỏi, tại sao lại không có sự thống nhất giữa các huyện, phía bên Sở không có văn bản nào thống nhất về giữa các huyện sao?

Trả lời câu hỏi trên, bà Phượng cho hay, Sở Tài chính cũng có văn bản để hướng dẫn các quận huyện về việc này. Tuy nhiên, khi phòng viên xin văn bản trên, bà Phượng từ chối cung cấp và nói phải được bút phê của lãnh đạo huyện thì mới được cung cấp (?).

Về việc các trường tại huyện Thường Tín chi trả không thống nhất mức phụ cấp cho nhân viên y tế, bà Phượng cho biết, trong Nghị định 56 đã ghi rõ rằng, nhà trường tự thống nhất với nhau và căn cứ trên đặc thù công việc được giao.

Theo nội dung văn bản số 04/2014 của Phòng tài chính kế hoạch huyện Thường Tín, tại Điều 4, Nghị định số 56 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và khoản a mục 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02 của Bộ tài chính nêu: “Nguồn kinh phí hực hiện chế độ phụ cấp… do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định”.

Do vậy, thẩm quyền quyết định mức phụ cấp ưu đãi đối với viên chức làm chuyên môn y tế trong các trường học là các thủ trưởng đơn vị, và nguồn kinh phí thực hiện chi trả là nguồn thu của đơn vị đã được giao dự toán hàng năm theo quy định của luật ngân sách nhà nước.

Theo đó, Phòng tài chính kế hoạch đề nghị Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện căn cứ vào khả năng kinh phí của trường (nguồn hoạt động và thu khác theo quy định), và khối lượng công việc thực tế của viên chức làm chuyên môn y tế để ra quyết định chi trả theo quy định.

Nguyễn Nhất