Gần hết học kỳ I, giáo viên vẫn rối bời, khổ sở với các môn tích hợp mới

29/11/2021 06:37
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đáng lẽ ra, khi thay đổi chương trình mới thì việc đầu tiên là phải bồi dưỡng giáo viên xong xuôi mới áp dụng nhưng chúng ta đang thấy một quy trình ngược.

Trước khi tổ chức kiểm tra giữa kỳ I, chúng tôi được tham dự buổi họp giao ban trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo với tất cả các Phòng Giáo dục và trường phổ thông trên địa bàn. Trong những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Ban Giám hiệu các trường học với Sở Giáo dục thì chúng tôi thấy nhiều nhất là hỏi về việc dạy và kiểm tra các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Nhưng, những ý kiến trả lời của một số chuyên viên và lãnh đạo phụ trách chuyên môn của Sở có lẽ vẫn chưa làm hài lòng người hỏi bởi nó chưa làm sáng tỏ được vấn đề.

Vẫn là cách trả lời, chỉ đạo chung chung và biểu dương “cách làm sáng tạo” của một số nhà trường trong việc phân công, phân bổ tỉ lệ các đơn vị kiến thức cho các bài kiểm tra môn tích hợp.

Gần một học kỳ trôi qua nhưng nhiều trường vẫn loay hoay về môn tích hợp, tổ trưởng các môn có liên quan đến 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vẫn đang chủ động tính toán, tham mưu, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình giảng dạy.

Điều đáng nói nhất là thời điểm này, các Hội đồng bộ môn cấp Phòng, Sở vẫn đang hoạt động theo các môn học đơn lẻ, chưa có Hội đồng bộ môn các môn tích hợp. Vì thế, quyền tự chủ về chuyên môn gần như vẫn thuộc về nhà trường.

Việc triển khai dạy và học môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn đang khá rối (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Việc triển khai dạy và học môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn đang khá rối

(Ảnh minh họa: VTV.vn)

Vừa qua, chúng tôi thấy Sở, Phòng gửi công văn, kế hoạch về các nhà trường cho giáo viên đăng ký học chứng chỉ bồi dưỡng các môn tích hợp theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông, chúng tôi luôn xác định việc đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng nó phải kế thừa cái cũ và điều quan trọng là đổi mới để giáo viên và học sinh đỡ vất vả, thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, hiệu quả giáo dục phải được tốt hơn.

Nhưng, nhìn lại các lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong mấy chục năm qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang làm khổ giáo viên nhiều nhất. Bất cập và cũng rối rắm nhiều nhất- điều này được thể hiện rõ nhất ở cấp trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ trương “tích hợp” 3 môn học độc lập ở chương trình 2006 là Vật lí, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và 2 môn học Lịch sử, Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí.

Ngoài 2 môn tích hợp ra thì Nội dung giáo dục địa phương mỗi năm học có có 35 tiết được gộp từ nội dung kiến thức của 6 môn học, đó là: Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Môn Nghệ thuật thì gộp môn Âm nhạc, Mĩ thuật lại với nhau trong phần kiểm tra, vào điểm, nhận xét nhưng chương trình, sách giáo khoa và dạy học riêng lẻ.

Nhìn cách “tích” các môn học ở cấp trung học cơ sở mà nhiều giáo viên không khỏi...băn khoăn.

Chính vì thế, năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới ở lớp 6 khiến cho Ban giám hiệu và gần hết tổ chuyên môn khổ vô cùng trong việc sắp xếp, phân chia các đơn vị kiến thức.

Họ phải họp hành liên miên để thống nhất việc bố trí giáo viên giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu, phân chia tỉ lệ kiểm tra, làm kế hoạch giảng dạy…

Những ngày chuẩn bị và thực hiện kiểm tra giữa kỳ đối với lớp 6 vừa qua mới thấy được những vất vả của giáo viên dạy khối 6 đối với các môn tích hợp.

Những thầy cô tổ trưởng, giáo viên dạy các môn tích hợp phải phân chia tỉ lệ % kiến thức trong đề kiểm tra rồi xây dựng ma trận chung, dựng đề lên phần mềm online chung, chấm điểm chung, vào điểm chung trong 1 môn học bởi vì có tới 2-3 phân môn khác nhau.

Bây giờ, Sở, Phòng đã bắt đầu triển khai Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT bằng hình thức gửi email về các nhà trường và yêu cầu giáo viên đăng ký học chứng chỉ tích hợp.

Nhưng, kinh phí như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Bởi, cả 2 quyết định này đều hướng dẫn kinh phí được lấy từ 3 nguồn, đó là: Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; Do người học tự đóng góp.

Vậy, kinh phí đào tạo do ai trả thì các địa phương cũng chưa nói rõ nhưng giáo viên đăng ký, hoặc không muốn đăng ký thì cũng bắt buộc phải đăng ký để đi học. Tất nhiên, học xong 20- 36 tín chỉ (tùy từng đối tượng) thì cho dù kinh phí học tập giáo viên không phải chi trả nhưng chắc chắc sẽ tốn kém thêm rất nhiều tiền.

Bởi lâu nay, những người đã có lương đi học thì tất nhiên sẽ có rất nhiều khoản phát sinh trong quá trình học tập. Chuyện “quỹ lớp” không mới nhưng chưa bao giờ cũ…đối với những người vừa đi làm vừa đi học…

Đáng lẽ ra, khi thay đổi chương trình như vậy thì việc đầu tiên là phải bồi dưỡng giáo viên xong xuôi mới áp dụng nhưng chúng ta đang thấy một quy trình ngược đã diễn ra.

Lớp 6 năm nay đã đang dạy chương trình mới thì giờ đây mới rục rịch cho giáo viên đăng ký đi bồi dưỡng kiến thức môn học mới theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT.

Bộ chủ trương đổi mới giáo dục bằng cách gộp các môn học độc lập ở chương trình 2006 thành những môn học tích hợp trong chương trình giáo dục 2018 rồi ban hành quyết định hướng dẫn giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp.

Lịch sử đổi mới giáo dục chưa bao giờ rối và khiến cho giáo viên vất vả nhiều như chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chắc chắn nó còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng nhưng liên tục phải tham gia học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác. Nào là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ. Bây giờ đến chứng chỉ tích hợp và nhiều thầy cô còn phải đi học nâng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019.

Việc giáo viên tham gia bồi dưỡng, học tập chuyên môn thì cũng là lẽ thường tình nhưng với kiểu đào tạo, học chứng chỉ như mấy năm nay rất khó nhận được sự đồng tình từ đội ngũ nhà giáo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH