Gặp khó khi xếp loại hạnh kiểm, các trường ở Hải Phòng khắc phục thế nào?

30/12/2021 08:53
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường trung học cơ sở ở Hải Phòng đã đưa ra nhiều biện pháp, cách làm hay để khắc phục khó khăn trong việc xếp loại hạnh kiểm khi học trực tuyến.

Theo khung chương trình năm học 2021-2022 sẽ có 35 tuần thực học trong đó có 18 tuần ở kỳ I và 17 tuần ở kỳ II.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đa số các trường trung học cơ sở ở Hải Phòng đã hoàn thành kiểm tra học kỳ I vào tuần thứ 13, 14.

Để hoàn thành khung chương trình vào tuần 18, sau khi kiểm tra, các trường bắt đầu triển khai việc xếp loại học tập, hạnh kiểm đối với học sinh lớp 7, 8, 9 (Thông tư 58) và đánh giá kết quả rèn luyện đối với học sinh lớp 6 (Thông tư 22).

Theo đó, kết thúc học kỳ I, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ căn cứ vào các tiêu chí trong Thông tư để đưa ra xếp loại hạnh kiểm, đánh giá kết quả rèn luyện phù hợp với từng học sinh.

Điều này không gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy, quản lý học sinh trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên, khi chuyển sang trạng thái học trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên sẽ khó khăn hơn để đánh giá, xếp loại trong điều kiện học sinh không được tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục.

Nhiều vấn đề bất cập được đưa ra như làm sao để 100% học sinh tập trung tương tác trong giờ học, nhiều học sinh lấy lý do camera hỏng, mic hỏng để làm việc riêng, không hoàn thành nhiệm vụ học tập,…

Việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh khi học trực tuyến còn nhiều bất cập (Ảnh: LT)

Việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh khi học trực tuyến còn nhiều bất cập (Ảnh: LT)

Linh hoạt sử dụng phần mềm để quản lý học sinh

Cô Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Hà (quận Kiến An, Hải Phòng) cho biết, học trực tuyến sẽ có nhiều hạn chế so với trực tiếp về việc quản lý, đánh giá ý thức rèn luyện của học sinh.

Theo đó, để có được đánh giá, xếp loại khách quan với từng học sinh, công tác quản lý của nhà trường phải thật chặt chẽ.

Đặc biệt, nhà trường tích cực nghiên cứu, ứng dụng phần mềm phù hợp để khắc phục những nhược điểm của quản lý trực tuyến.

“Học trực tuyến tất nhiên sẽ có nhiều hạn chế so với trực tiếp về việc quan sát học sinh.

Tuy nhiên, từ đợt học trực tuyến đầu tiên nhà trường đã nghiên cứu và quyết định sử dụng phần mềm Trans.

Phần mềm này giúp giáo viên có thể nhìn thấy tất cả học trò và hỗ trợ nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu quản lý học sinh trong giờ học trực tuyến.

Việc giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh xuyên suốt quá trình học sẽ thuận lợi hơn.

Cùng với phần mềm dạy học trực tuyến, nhà trường sử dụng Sử dụng enetViet để cập nhập tình trạng lên lớp mỗi ngày của học sinh tới phụ huynh”.

Ứng dụng đa dạng các phần mềm mang lại hiệu quả quản lý cao trong quá trình học trực tuyến (Ảnh: LT)

Ứng dụng đa dạng các phần mềm mang lại hiệu quả quản lý cao trong quá trình học trực tuyến (Ảnh: LT)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng có đồng quan điểm về việc ứng dụng phần mềm mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý học sinh khi học trực tuyến.

Cô Hương cho biết: “Đối với lớp 9 đang học trực tiếp, việc đánh giá sẽ không khó khăn còn các khối lớp 6, 7, 8, hiện nay nhà trường để các thầy cô sử dụng nhiều phần mềm phù hợp, đáp ứng nhu cầu quản lý.

Trường khuyến khích sử dụng phần mềm Teams 365 để thuận tiện cho công tác giảng dạy và theo dõi được sát sao ý thức học tập của học trò.

Các hoạt động tương tác, hoạt động kiểm soát, chia nhóm của phần mềm này giúp giáo viên quan sát ý thức của học sinh trong các giờ học đấy như thế nào.

Khi ứng dụng Teams cũng giúp các thầy cô nắm bắt được học sinh có truy cập các trang web khác hay chơi trò chơi trong giờ học hay không”.

Duy trì giám sát nề nếp học sinh

Bên cạnh việc sử dụng phần mềm, để có đánh giá xếp loại hạnh kiểm khách quan, việc đưa ra nội quy đối với thầy và trò, công tác trực ban và sự phối hợp quản lý giữa giáo viên, nhà trường và học sinh cũng được triển khai chặt chẽ.

Ghi nhận tại Trường Trung học cơ sở An Đà (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), để đánh giá xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh học trực tuyến một cách khách quan, về phương diện kiểm diện hằng ngày, nhà trường đã xây dựng hệ thống phần mềm kiểm diện vào mỗi buổi học.

“Ngay từ đợt học trực tuyến đầu tiên, nhà trường đã lập một bảng nội quy dành cho thầy cô và học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như ý thức rèn luyện của học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường có nội quy học tập riêng đối với thầy cô và học sinh như không gian học phải đảm bảo ra sao, quá trình học các em phải tuân thủ những điều gì?

Theo đó, quá trình tham gia học trực tuyến, học sinh nhà trường đều có ý thức tốt, không xảy ra tình trạng mặc quần áo không đúng quy định. Những trường hợp trục trặc về đường truyền của học sinh cũng không phát sinh nhiều.

Giáo viên chủ nhiệm của mỗi lớp cũng phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để sát sao về ý thức học tập của học sinh.

Do có sự chủ động ngay từ đầu nên việc đánh giá hạnh kiểm cho học sinh khi học trực tuyến không khó khăn đối với nhà trường” Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Sự quản lý, phối hợp giữa giáo viên, nhà trường và học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, đánh giá ý thức học tập (Ảnh: LT)

Sự quản lý, phối hợp giữa giáo viên, nhà trường và học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, đánh giá ý thức học tập (Ảnh: LT)

Còn tại Trường Trung học cơ sở Nam Hà (quận Kiến An, Hải Phòng) bên cạnh việc sử dụng phần mềm hỗ trợ, cách quản lý, giao việc cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên trong trường được nhà trường chú trọng.

“Dù học trực tiếp hay trực tuyến, nhà trường vẫn duy trì các hoạt động như: sinh hoạt tập thể, trực ban, quản lý nề nếp,…đối với các lớp.

Nếu làm chặt chẽ và có quy trình sẽ không lo đến việc xếp loại hạnh kiểm không khách quan hay không sát sao.

Nhà trường vẫn duy trì giáo viên trực ban ngay từ những buổi đầu tiên, thậm chí tăng cường nếu cần thiết.

Mỗi buổi học, giáo viên trực ban sẽ vào lớp kiểm tra ít nhất 2 lần để kiểm diện và ý thức học tập của học sinh.

Ban giám hiệu cũng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu 100% học sinh phải bật camera đúng quy định về không gian, ánh sáng, đảm bảo trang phục nghiêm túc.

Trường cũng có nhóm zalo chung và yêu cầu giáo viên sau mỗi buổi dạy sẽ công khai sĩ số học sinh để khớp với danh sách của giáo viên trực ban.

Đôi khi đến 10 giờ tối, giáo viên vẫn báo cáo tình hình với ban giám hiệu để có điều chỉnh phù hợp.

Cùng với giáo viên, mỗi lớp sẽ có một học sinh phụ trách vấn đề nề nếp như phụ trách mở phòng học, kiểm diện đầu giờ để báo cáo sĩ số và ghi chép trong quá trình thầy cô dạy nếu bạn nào không chú ý thì nhắc nhở” Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH