Giải mã chuyện học sinh, sinh viên nhập viện... tâm thần

04/04/2012 06:10
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) - Áp lực học tập quá căng thẳng, gia đình, thầy cô đặt kỳ vọng quá lớn, tạo cho trẻ điểm sáng, ngôi sao thần tượng quá sức… đã đẩy không ít HS, SV nhập viện tâm thần.
Học sinh, sinh viên nhập viện tâm thần không là câu chuyện không mới nhưng năm nào cũng có và đặc biệt xảy ra nhiều hơn trước và sau mỗi kỳ thi học kỳ, tốt nghiệp, ĐH, CĐ căng thẳng. Năm nay, dù chưa đến kỳ thi nhưng nhiều học sinh, sinh viên đã liên tiếp phải nhập Viện tâm thần để khám, xin tư vấn và điều trị những chứng rối loạn tâm thần vì áp lực học tập quá căng thẳng. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, người đã trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên mắc những chứng rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt vì áp lực học hành.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thu Hòe)
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thu Hòe)
Thưa Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, thời gian gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (BV Bạch Mai) có tiếp nhận thêm ca nhập viện nào là học sinh, sinh viên đến điều trị các chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành không?Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng: Hiện tại, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đang điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân là học sinh, sinh viên; trong đó có 1 bệnh nhân 24 tuổi ở Bắc Giang bị chứng rối loạn tâm thần vì thi trượt ĐH Sư phạm Hà Nội và 1 bệnh nhân khác là học sinh xuất sắc của 1 trường THPT ở Cần Thơ. Bệnh nhân này nhập viện vì không vượt qua được áp lực tâm lý trước sự kỳ vọng thay đổi số phận cho cả gia đình.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tr, lớp 11, trường THPT Đò Sơn, Hải Phòng nhập viện ngày 26/3. (Ảnh Thu Hòe)
Bệnh nhân Nguyễn Văn Tr, lớp 11, trường THPT Đò Sơn, Hải Phòng nhập viện ngày 26/3. (Ảnh Thu Hòe)
Mới đây nhất (ngày 26/3) là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tr, học sinh lớp 11, trường THPT Đồ Sơn, Hải Phòng. Bệnh nhân này đã 2 lần tự tử không thành chỉ vì áp lực học môn Toán quá lớn ở lớp chọn. Những thời điểm nào trong năm có tỷ lệ học sinh, sinh viên nhập Viện Sức khỏe Tâm thần nhiều nhất, thưa bác sỹ?Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng: Bệnh nhân đến khám, xin tư vấn và điều trị tại Viện rải rác vào các thời điểm khác nhau trong năm. Tuy nhiên, trước và sau các kỳ thi (thường là từ tháng 4 – tháng 9) các ca nhập viện đông hơn bình thường.Các bệnh nhân là học sinh, sinh viên khi nhập Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia thường có những biểu hiện bệnh lý như thế nào?
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng: Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân thường là sự mệt mỏi của cơ thể, chán nản với những thói quen, sở thích thường ngày. Bệnh nhân không muốn giao tiếp, gặp gỡ, ngại tất cả các công việc kể cả việc học tập, vui chơi… Kết quả học tập giảm sút, thường xuyên bị thầy, cô nhắc nhở. Tâm sinh lý có những biểu hiện thất thường, thờ ơ với thời cuộc. Nguyên nhân của những triệu chứng lâm sàng đó là do những thay đổi sinh hóa não. Bình thường trẻ cần ngủ từ 8 -12 giờ/ngày để đảm bảo cho não bộ hoạt động được bình thường và tỉnh táo. Khi trẻ mất ngủ sẽ dẫn đến sự “mệt não”. Nguyên nhân của mệt não là sự rối loạn chuyển hóa, thay đổi một số axit amin, xáo trộn quá trình chuyển hóa não. Biểu hiện của hiện tượng này là sự mệt mỏi của cơ thể, rối loạn sự chú ý, rối loạn cảm xúc và nặng hơn là rối loạn tư duy. Bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc sẽ dẫn đến trầm cảm, lo âu, hứng cảm thái quá. Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức sẽ dẫn đến những ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng…Tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc những chứng rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt vì áp lực học tập hiên nay là như thế nào, thưa bác sỹ? Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng: Qua việc tổ chức thăm khám cho các học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, 1 lớp có 40 học sinh thì có đến 4 học sinh có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản, lo âu, sợ hãi với việc học tập. 100% câu trả lời cho hiện tượng trên chúng tôi nhận được là: “Tối qua cháu thức khuya học bài; Cô giáo giao quá nhiều bài tập cháu không làm được hết”. Vài năm trở lại đây, trong số các bệnh nhân bị tâm thần phải vào viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, bênh viện Bạch Mai khám và điều trị, có tới 47% là người trẻ (dưới 30 tuổi). Không riêng gì học sinh, sinh viên nhập viện vì áp lực học hành mà tỷ lệ những sinh viên mới tốt nghiệp gặp phải những sang chấn, khủng hoảng tâm lý do áp lực xin việc cũng ngày càng nhiều hơn.Bác sỹ lý giải như thế nào về tình trạng học sinh, sinh viên nhập viện điều trị các chứng rối loạn tâm thần ngày càng nhiều hiện nay?BS. Nguyễn Văn Dũng: Dưới góc độ nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy về sinh lý của các cháu vị thành niên: Bình thường các cháu phải ngủ từ 8 đến 12 giờ/ ngày. Thời gian chơi của các cháu cũng phải tương xứng. Ăn từ 1.800 đến 2.200kcal/ngày. Khi không đáp ứng đủ yêu cầu này thì cơ thể trẻ rất dễ bị thay đổi bởi tác nhân môi trường bên ngoài. Thứ hai từ sự thiếu hụt không đáp ứng đủ yêu cầu trên sẽ dẫn đến tình trạng gây sức ép về quy tắc, về y tế, vế sức khỏe. Trong khi đó, nhận thức của giáo viên, gia đình và của xã hội đều cho rằng những việc này là bình thường, chỉ việc ăn thôi, cứ học đi, ngủ vừa thôi, dẫn đến việc trẻ rất dễ tổn thương. Khi các cháu đã bị tổn thương thì rất dễ dẫn đến các bệnh khác. Sau mỗi đợt thi chúng tôi nhận được rất nhiều ca rối loạn cảm xúc. Các cháu rất dễ cáu giận, có thể làm những việc rất khó tưởng tượng. Có 3 mức độ biểu hiện. Một là mức độ dễ thay đổi của cảm xúc. Khi bị áp lực của học tập, áp lực của kiến thức sẽ khiến trẻ rất dễ cáu giận, gây lo âu, gây rối loạn tinh thần. Sau một thời gian, trẻ sẽ cục cằn hơn, dễ tấn công mọi người. Thứ hai là dễ mắc các bệnh do cơ thể bị suy nhược. Cơ thể mất sức đề kháng do suy sụp về tinh thần sẽ dẫn đến gầy yếu từ đó dẫn đến tổn thương. Đó là một tác nhân. Thứ ba là do cơ thể suy kiệt nặng là cơ hội cho các rối loạn tinh thần. Đây là biểu hiện nặng nhất và rất khó chữa.Vậy bác sỹ có lời khuyên gì cho những gia đình đang có con trong độ tuổi học sinh, sinh viên?
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng: Khi phát hiện ra con em mình có những biểu hiện bất thường, các gia đình nên đưa con em mình đến khám và xin tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần. Lập lại kế hoạch sinh hoạt, học tập cho trẻ. Tùy thuộc vào biểu hiện bệnh lý, mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân mà có kế hoạch, pháp đồ điều trị cho phù hợp. Chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân bị gián đoạn cuộc sống vì những rối loạn tâm thần. Ngoài ra, cũng cần lưu ý, với những chương trình học tạo áp lực học tập căng thẳng khiến trẻ bị ảnh hưởng, gián đoạn cuộc sống cần dừng lại ngay. Áp lực học tập quá sức làm trẻ quên mất thời gian chơi với bạn bè, làm cùn mòn mọi mối quan hệ với xung quanh, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ bình thường của 1 đứa trẻ. Sự cùn mòn các mối quan hệ, giao tiếp sẽ khiến trẻ có những biểu hiện tâm sinh lý bất thường dần dần sinh ra những rối loạn về cảm xúc và nhận thức. Bố, mẹ không ép trẻ làm quá nhiều bài tập mà chỉ cần làm đủ bài trong tầm tuổi quy định. Đặc biệt, các bậc cha mẹ không nên bắt con học thêm quá nhiều mà cần tạo không gian học tập thoải mái nhất cho trẻ, không tạo điểm sáng, ngôi sao quá lớn cho trẻ. Vì khi đó, trẻ sẽ bị áp lực tâm lý rất nặng, không còn bước lùi nữa khi không đạt đến điểm sáng của thần tượng… Với học sinh tiểu học, chúng ta cần cho trẻ chơi nhiều hơn học. Các phương pháp dạy và học nên gắn liền với vui chơi, thực hành nhằm tạo nên 1 cuộc chơi trong lúc học sẽ giúp tăng cường ham muốn học tập của trẻ… Với học sinh THCS, THPT, các gia đình nên có thời gian biểu cho con học tập hợp lý. Thứ hai là tăng cường chế độ dinh dưỡng, đảm bảo đủ ca-lo trong ngày. Ăn các chất dễ tiêu như hoa quả. Tránh tạo cho trẻ những sang chấn tâm lý, những áp lực quá lớn. Không nên dùng bất cứ loại thuốc gì với cơ thể của trẻ. Nếu cần nhiều thời gian để ôn thi, cần thiết phải uống cà phê hay nước chè thì nên uống buổi sáng, hoặc buổi chiều, không nên uống buổi tối. Các loại thuốc bổ, vitamin không nên uống vào buổi tối. Đặc biệt thuốc tuần hoàn não không nên uống buổi tối. Những trường hợp có rối loạn giấc ngủ kéo dài trên một tuần cần nên khám ngay bác sĩ. Tôi muốn truyền đạt tới mọi người là hãy có kiến thức về sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần phải biết rằng sau 22 tuổi não con người mới biệt hóa.
Trân trọng cảm ơn Bác sỹ!
Thu Hòe (thực hiện)