Giải pháp trước mắt để “cứu” trường CĐSP là thực hiện quy trình đào 3+1

04/02/2022 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Nhĩ hệ thống cao đẳng sư phạm cần được duy trì, tồn tại và tiếp tục phát triển, thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên cùng với các trường đại học.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin, tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương.

Trước năm 1994 cả nước có gần 200 cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm bao gồm cả mầm non, tiểu học, trung học. Tính bình quân mỗi tỉnh/ thành có 3 cơ sở đào tạo sư phạm nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Từ năm 1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình mục tiêu củng cố phát triển các trường cao đẳng, đại học sư phạm trong đó có nội dung sắp xếp lại các cơ sở đào tạo giáo viên cho địa phương để mỗi tỉnh có 1 cơ sở để đào tạo. Khi đó 63 tỉnh/ thành có 63 trường. Theo đó, các trường đại học sư phạm và đại học sư phạm kỹ thuật đào tạo giáo viên trung học phổ thông và giáo viên cho các trường dạy nghề, còn trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có trình độ trung học và cao đẳng.

Như vậy, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cốt cán mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế. Trong khi đó, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu, nguyên nhân gây ra những khó khăn cho các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục mới ban hành năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) mà không có kế hoạch nâng chuẩn các trường cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm, đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo lại giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (nguồn tuyển sinh chính của trường cao đẳng sư phạm trước đây) cho khoảng 10 trường đại học sư phạm trong khi hầu hết các trường này lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên các bậc học này.

Ngoài ra, do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia.

“Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác sứ mệnh, khác đẳng cấp, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương có đẳng cấp thấp hơn khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đẳng cấp cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Chưa kể, ở một số địa phương trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa” như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Từ các nguyên nhân trên, qua khảo sát thực tế, có thể thấy nguy cơ tiêu vong hệ thống trường sư phạm địa phương - một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại từ gần 60 năm qua là rõ ràng và dẫn đến sự thiệt hại rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục của các địa phương nhất là các địa phương ở vùng kinh tế khó khăn.

Nên sáp nhập cao đẳng sư phạm vào các trường đại học địa phương

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm cần được duy trì, tồn tại và tiếp tục phát triển, thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên cùng với các trường đại học.

Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo và bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình thực hiện.

Riêng đối với những trường cao đẳng sư phạm trong thời gian còn chưa đào tạo giáo viên đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo các trường cao đẳng sư phạm liên kết với các trường đại học sư phạm nâng cấp trình độ đội ngũ cán bộ của nhà trường thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm đầu đào tạo tại trường cao đẳng sư phạm địa phương còn 1 năm cuối do trường đại học sư phạm giảng dạy. Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xác định sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm, đó chính là đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo để đội ngũ giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ đại học. (ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xác định sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm, đó chính là đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo để đội ngũ giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ đại học. (ảnh minh họa: Thùy Linh)

Khi các trường cao đẳng sư phạm được sáp nhập với các trường đại học địa phương hoặc được nâng cấp để đào tạo giáo viên thì sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh từng địa phương đó. Nhưng nếu chỉ giao cho các trường đại học sư phạm trọng điểm nhận đặt hàng đào tạo thì học sinh ở các địa phương phải đi xa để học tập, chưa kể đến có thể xảy ra những xáo trộn trong việc phân công đội ngũ này về các địa phương sau khi tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xác định sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm, đó chính là đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo để đội ngũ giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ đại học. Và trong tương lai, các trường này sẽ từng bước phát triển thành trường đại học đa ngành ở địa phương.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng rõ ràng như vậy, các địa phương cũng sẽ tập trung đầu tư cho các trường về cơ sở vật chất (diện tích, điều kiện xây dựng,...) và đội ngũ cán bộ. Như vậy, chúng ta sẽ duy trì và ổn định các trường cao đẳng sư phạm hiện nay và sẽ bổ sung thêm một số trường đại học địa phương vào hệ thống các trường đại học của cả nước.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm: “Việc các trường cao đẳng sư phạm lựa chọn trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm trọng điểm là không phù hợp, dẫn đến các trường cao đẳng sư phạm xa rời sứ mệnh vốn có của mình, trong khi đó, chính địa phương cũng mất đi một cơ sở đào tạo nhân lực sư phạm”.

Bàn về giải pháp lâu dài cho các trường cao đẳng sư phạm, Phó giáo sư Nhĩ cho rằng, đối với các tỉnh đã có trường đại học địa phương thì tiến tới sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường đại học địa phương đó. Như vậy có thể giữ được cơ sở vật chất, giữ được đội ngũ cán bộ của trường cao đẳng sư phạm và giúp trường đại học địa phương phát triển lớn mạnh hơn.

Những tỉnh nào chưa có đại học địa phương như các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị,... thì nên từng bước nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm trở thành các trường đại học địa phương, để các trường được thực hiện sứ mệnh đào tạo đội ngũ giáo viên cho chính địa phương của mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng các trường đại học sư phạm trọng điểm vào nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học phổ thông, đào tạo giáo viên cho các trường dạy nghề, đào tạo sau đại học, đào tạo giáo viên đặc biệt và nghiên cứu khoa học.

Thùy Linh