Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An nói lý do học sinh lớp 1 không phải tựu trường sớm

17/08/2021 06:57
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghệ An đang thực hiện mô hình chuyển tiếp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các con đã được làm quen với 1 số kỹ năng tiểu học từ trong năm học 2020-2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 4/8/2021 đã có quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 cho các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể, thời gian tựu trường của học sinh trên cả nước sớm nhất vào ngày 1/9, riêng lớp 1 lịch tựu trường từ ngày 23/8 và tổ chức lễ khai giảng trên cả nước vào ngày 5/9.

Theo khung kế hoạch này, tính đến sáng ngày 15/8 đã có gần 40 tỉnh, thành phố trên cả nước có thông tin về lịch tựu trường và khai giảng năm học mới 2021 - 2022.

Tại Nghệ An, học sinh toàn tỉnh sẽ cùng tựu trường ngày 1/9. Lễ khai giảng năm học mới diễn ra đồng loạt vào ngày 5/9. Các trường kết thúc học kỳ một vào 16/1/2022 và hoàn thành chương trình năm học vào 25/5/2022. Như vậy, khối lớp 1 ở Nghệ An sẽ tựu trường muộn hơn so với khung dự kiến 1 tuần.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Nghệ An thì cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đang phải lên kế hoạch tựu trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thầy Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Thầy Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Vì thế, việc làm sao để các học sinh trên toàn tỉnh được tựu trường đầy đủ và đúng kế hoạch nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, chúng tôi quyết định cho các cấp học của tỉnh bắt đầu tựu trường từ ngày 1/9”.

Giải thích về việc, tại sao học sinh lớp 1 tại Nghệ An sẽ tựu trường vào ngày 1/9 thay vì ngày 23/8 theo khung dự kiến của Bộ Giáo dục, thầy Thành cho biết: “Việc cho các cấp học lịch tựu trường như thế nào cũng được chúng tôi tính toán rất kỹ, dựa trên các điều kiện thực tế.

Thứ nhất, hiện giờ tình hình dịch bệnh Covid – 19 của một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Số người trở về từ các tỉnh thành phía Nam cũng rất nhiều.

Thứ hai, một số điểm trường mầm non, tiểu học trên địa bàn hiện đang dùng làm điểm cách ly y tế, chưa kịp bàn giao vào sát ngày mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Đặc biệt, một số huyện trên địa bàn miền núi không có khách sạn đủ tiêu chuẩn làm khu cách ly, nên hầu như khuôn viên của các trường mầm non, tiểu học ở các khu vực đó đều được trưng dụng làm khu cách ly hết.

Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng đang thực hiện mô hình chuyển tiếp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, nên trong năm học 2020 – 2021 các cháu cũng đã được làm quen với các hoạt động và một số kỹ năng trong trường Tiểu học. Việc này nhằm đảm bảo cho trẻ có điều kiện thích ứng sớm trước khi lên lớp 1.

Đồng thời, khi giao lưu ở các trường Tiểu học sẽ giúp các thầy cô và phụ huynh nắm bắt tâm lý, cũng như là sự phát triển thể chất của các cháu 5 tuổi và có được phương án đón các cháu và tổ chức hoạt động đi học phù hợp.

Hoạt động chuyển tiếp này đã được chúng tôi cho triển khai cả năm trước rồi, khoảng thời gian làm quen với môi trường mới của các cháu cũng được chúng tôi tập dượt rồi, nên xét thấy không cần thiết phải cho các cháu đến sớm hơn 1 tuần”.

Về tiến độ bàn giao lại các trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly ở các địa phương, thầy Thành chia sẻ: “Nói chung, đến thời điểm hiện tại thì có thể khẳng định rằng, các địa phương hoàn toàn đảm bảo tiến độ để trả lại khuôn viên trường học để cho các học sinh trở lại tựu trường theo đúng kế hoặc mà Sở Giáo dục Nghệ An đề ra.

Việc này cũng được Sở thống nhất với chính quyền các địa phương là hoàn trả lại không gian các trường học đang làm khu cách ly trước ngày 25/8, vì các trường còn phải làm các khâu từ khử khuẩn đến sửa sang các thứ”.

“Riêng với cấp học mầm non, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì có thể kéo dài thời gian đến trường muộn hơn một chút.

Điều này một phần vì hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, một số huyện, thị vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid – 19, vì vậy, có thể một số điểm trường mầm non đang làm khu cách ly sẽ được bàn giao muộn hơn.

Hơn nữa, với đặc thù của cấp học này thì chúng ta không chỉ gọi đơn thuần là ngày khai giảng mà nó còn là ngày hội đến trường đối với các cháu, nên chúng tôi muốn tạo ra một buổi đến trường đầu năm học cho các cháu vừa có không khí nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. Có thể muộn nhưng cũng chỉ nằm trong khung thời gian của tháng 9.

Với bậc mầm non thì chúng tôi có phương án là tựu trường muộn hơn nhưng đối với bậc phổ thông thì chúng tôi thống nhất phương án là sẽ khai giảng trực tiếp vào ngày 5/9 đối với địa phương không có dịch. Những địa phương nào đang nằm trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 thì sẽ bố trí để các em khai giảng trực tuyến”, thầy Thành nói rõ.

Dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp khiến ngành giáo dục của các địa phương phải có nhiều kịch bản để thích ứng. Ảnh: Trung Dũng

Dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp khiến ngành giáo dục của các địa phương phải có nhiều kịch bản để thích ứng. Ảnh: Trung Dũng

Ngành cũng có một số biện pháp và phương án dự phòng để có thể ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thầy Thái Văn Thành cho hay: “Thực ra, các phương án để ứng phó với dịch bệnh thì chúng tôi cũng đã có kế hoạch cụ thể từ đầu mùa dịch.

Các tình huống xảy ra có thể được xử lý theo mô hình hình chóp. Cụ thể là, học sinh nào có biểu hiện bệnh hoặc có bố mẹ, người thân tiếp xúc với các các trường hợp đã dương tính hoặc từ vùng dịch trở về thì chúng tôi sẽ cho các học sinh đó tạm dừng đến trường. Các thầy cô sẽ có trách nhiệm giao bài tập trực tuyến cho các em đó.

Còn trong trường hợp, khi đã đi học nhưng trong một lớp có một học sinh có biểu hiện bệnh thì chúng tôi cũng cho lớp đó tạm nghỉ. Việc này được chúng tôi quán triệt tới tất cả các trường, yêu cầu cần bám sát và sàng lọc kỹ từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng được chúng tôi giao trách nhiệm là phải giao bài và dạy học trực tuyến đầy đủ cho các trường hợp như thế, không để đứt gãy chương trình.

Còn trong phạm vi của một huyện thì chúng tôi tính đến phương án cho các trường trong vùng dịch được nghỉ cục bộ, còn các trường khác trong huyện đó nếu không có dịch thì vẫn đi học bình thường.

Trong trường hợp cả trường đó phải học trực tuyến thì cần sử dụng đến các phương án tinh giảm số lượng tiết học, buổi học với một số môn. Với những môn nào trong thời gian học trực tuyến không đủ thì sẽ có phương án để dạy bù cho các em sau này.

Việc này chúng tôi cũng đã Bộ tiêu chí trường học an toàn trong phòng, chống dịch covid-19 và có quy trình giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các trường, từ đó Hiệu trưởng sẽ phổ biến đến các giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình các học sinh từ các phụ huynh thông báo lên.

Tất cả các huyện, thị trong tỉnh cũng được yêu cầu phải báo cáo về các tình hình xảy ra đột xuất về Sở Giáo dục là cuối buổi chiều trong ngày. Nhất là với các trường hợp học sinh có tiếp xúc người thân đi từ vùng dịch về, để theo dõi và có phương án là sẽ cho em đó tiếp tục đến trường hay phải học trực tuyến ở nhà”.

Trung Dũng