"Giáo dục 2013 - Chính sách và con người, có phải cặp đôi hoàn hảo?"

01/01/2014 08:09
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Bắt đầu năm 2013, ngày 1 tháng 1, Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thi hành, đấy là “sinh”, đấy là bắt đầu một chu trình mới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các bậc cao tăng nhà Phật thường khuyên kẻ lầm đường: “Biển khổ mênh mông, quay đầu là thấy bến”. Cuối năm nhìn lại nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn chuyện tổng kết “thành tích”, người lao động thì mong chờ tiền thưởng, chỉ có ngành Giáo dục là không phải lo lắng gì vì “Bộ GD-ĐT không có nguồn nào để thưởng Tết, ngân sách không được dùng cho việc này”.  

Bộ như thế nên các địa phương cũng phải noi gương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên cho biết “từ lâu ngành giáo dục tỉnh này không có khái niệm thưởng Tết cho giáo viên”. Chỉ có các thầy cô giáo thì nghĩ ngược lại: “Có lẽ phần thưởng lớn nhất của những giáo viên vùng cao như chúng tôi là xong Tết, học sinh đến trường đầy đủ, không còn bỏ lớp, bỏ trường nữa” [1].

Sự tồn tại, phát triển của bất kỳ sự vật nào, từ cuộc sống cỏ cây, muông thú, con người đến các vì tinh tú đều bao gồm bốn giai đoạn “sinh – lão – bệnh – tử”. Tuy nhiên các cung bậc cảm xúc “ái - ố - hỷ - nộ” thì chỉ thấy rõ nhất ở loài người. Dù vui hay buồn, hãy cùng nhau thử quay đầu xem năm qua và cả những năm trước nữa  “bến bờ” của “biển học” nước nhà có gì đáng xuy ngẫm.

Bắt đầu năm 2013, ngày 1 tháng 1, Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thi hành, đấy là “sinh”, đấy là bắt đầu một chu trình mới. Kết thúc năm 2013 là một sự kiện gây phẫn nộ cả nước, đó là vụ hành hạ trẻ em ở nhà trẻ  Phương Anh,  Q. Thủ Đức, TP. HCM, đó là “nộ”, là sự giận dữ của cộng đồng. Bắt đầu năm mới ở tầng cao nhất trong bậc thang giáo dục - bậc đại học, kết thúc ở tầng thấp nhất - giáo dục mầm non. 

Tính từ khi hòa bình lập lại năm 1954, giáo dục nước nhà đã qua một chặng đường 60 năm, tròn một “hoa giáp”. Theo cách nói của người xưa “thầy già, con hát trẻ” thì giáo dục đã đủ tuổi để gọi là “thầy già” nhưng đáp ứng kỳ vọng của nhân dân thì chắc chắn là chưa, đây là một nghịch lý không ai mong muốn.

Trong khoa học tự nhiên có một hiện tượng gọi là “cộng hưởng”, khi tần số dao động riêng (của vật thể) và tần số dao động cưỡng bức (từ ngoài tác động vào) trùng nhau thì xảy ra cộng hưởng, nó làm cho biên độ dao động của hệ thống tăng vọt. Hiểu rõ điều đó người ta cấm các đơn vị quân đội khi qua cầu không được đi theo kiểu duyệt bình để tránh cộng hưởng có thể làm gãy cầu. 

Với khoa học xã hội, hiện tượng cộng hưởng vẫn có tuy hơi khó nhận dạng. Hai thành tố quyết định chất lượng một nền giáo dục là “chính sách” và “con người”. Khi hai yếu tố này cộng hưởng với nhau nó sẽ tạo đột biến, đột biến có thể tốt mà cũng có thể xấu. 

Chính sách giáo dục áp dụng sáu mươi năm qua có thể thấy rõ trong kết luận tại hội nghị TW 8, khóa 11 (Nghị quyết số 29-NQ/TW): “Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về  phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng… Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp… Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém”…

Chỉ cần điểm qua các từ ngữ trong nghị quyết được trích dẫn trên đây có thể thấy nhiều vấn đề cần được xem xét như “quan điểm”, “chủ trương”, “chính sách”, “cơ chế”, “quản lý”. Quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" tuy đã được nêu trong hiến pháp song “việc thể chế hóa còn chậm và lúng túng” cho thấy “quan điểm” vẫn chỉ đang ở mức quan điểm, chưa biến thành luật và vì vậy chưa có các chế tài bắt buộc phải thực thi. Trong thực tế giáo dục chưa dành được sự ưu tiên hơn so với quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế và vì vậy chưa thể là “quốc sách hàng đầu”.

Không phải chỉ đến khi ban hành nghị quyết 29, chúng ta mới thấy những điểm yếu trong chỉ đạo, điều hành giáo dục, chỉ có điều để đến tận năm 2013 mới giật mình thì quả thật là quá “chậm” và quá “lúng túng”. Việc TW phải ban hành nghị quyết cho thấy sự xuống cấp của giáo dục đã đến ngưỡng báo động đỏ, đi kèm sự xuống cấp của giáo dục là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nó đang kéo con người văn minh trở lại với cuộc sống bản năng hoang dã. 

Thế nhưng khi mà người ta không ngại ăn cướp của rơi, ăn chặn của trẻ tàn tật, "ăn" đá gửi ra Trường Sa, "ăn" nhà vệ sinh trong trường học, "ăn" không từ một cái gì thì đó lại không phải là bản năng của thú hoang, đó chỉ có thể là của một loài “văn minh” hơn thú hoang nhiều lần, một loài mới xuất hiện mà chúng ta tạm gọi là “người – thú”. Với loại người này liệu dân tộc Việt có thể tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc? 

Chính sách là như vậy, còn phía con người thì thế nào? Vấn đề toàn xã hội đều biết là mấy chục năm nay, phần lớn nhân lực ngành giáo dục đều không phải là những người ưu tú nhất, không phải là những người vào nghề với tình yêu cao cả dành cho sự nghiệp trồng người. Đã có quá nhiều phân tích, mổ xẻ về bất cập của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nếu tiếp tục nói e là thừa. Vấn đề là hai sự yếu kém về chính sách và con người lại “cùng tần số” đã nảy sinh cộng hưởng, đã khiến cho biên độ tụt dốc của giáo dục trở nên mạnh hơn bao giờ hết. 

Có một sự may mắn là trí thông minh, sáng tạo của người Việt vẫn chưa bị mai một, các huy chương vàng quốc tế, chỉ số PISA cao cho thấy ít nhiều nền giáo dục cũng tạo được hình ảnh đẹp trước cộng đồng quốc tế, nhưng cũng thật “không may” khi những con người tài năng lại thường “khó bảo”, thường không muốn núp dưới ô của người khác. Những Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu… một năm về nước làm việc được bao nhiêu ngày?  Nếu hệ thống chỉ còn lại những người “chậm” và  “lúng túng” thì hy vọng đổi mới thật là mong manh.

Đổi mới toàn diện giáo dục, đổi mới tư duy của hơn hai triệu cán bộ, giáo viên không phải nhằm mục tiêu loại bỏ hiện tượng cộng hưởng mà là tận dụng nó để thúc đẩy phát triển. Sau khi có nghị quyết 29-NQ/TW (NQ29), điều khó không nằm ở quan điểm vĩ mô mà lại nằm ở phía con người, nhất là phía các chức sắc. Đơn cử việc cho phép tự chủ tuyển sinh năm 2014 theo quy định của Luật Giáo dục đại học. 

Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. 

Nghị quyết là như vậy nhưng Bộ GD&ĐT lại đưa ra công thức “3-3-3-11” gồm: 3 không, 3 không được, 3 vòng và phương án tuyển sinh 11 điểm cho các trường muốn tự chủ tuyển sinh [2]. Dù có vì lý do bảo đảm chất lượng thì cũng vẫn là cách làm của những người “chậm và lúng túng”, cũng vẫn chỉ là cách nhìn “ngắn”, vừa không phù hợp với mong muốn của xã hội vừa trái với tinh thần mà Trung ương chỉ đạo. 

Như đã viết trong bài: “Bỏ thi tốt nghiệp đồng nghĩa với việc chạy điểm” (Vietnamnet/Tuanvietnam 6/8/2013), tại sao Bộ không nghĩ đến chuyện ngay năm 2014 tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thật nghiêm túc giống như kỳ thi tuyển sinh đại học với 6 môn thi (hoặc 8 môn như kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập). 

Kết quả thi ấy được sử dụng  làm cơ sở tuyển chọn sinh viên. Với một số trường trọng điểm có thể tổ chức sát hạch thêm một số kiến thức chuyên ngành.  Làm được như thế sẽ chẳng còn 3 chung, 3 không, 3 vòng, 3 gì gì đó nữa. Ai cũng hiểu để có một kỳ thi như thế thì phải nhanh, phải thông suốt, phải làm việc cật lực, phải bỏ cái thói “chậm và lúng túng”, điều này có lẽ không phù hợp với tuổi tác và phong cách của những người đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ. 

Trước khi có NQ29, kỳ thi 3 chung dự định đến hết 2015, nay thì lại dự kiến đến 2017, không biết có phải tại nghị quyết nên Bộ GD&ĐT phải kéo dài 3 chung hay chỉ vì để bảo đảm chất lượng? Nếu quả thật kỳ thi 3 chung đươc tiếp diễn đến 2017 thì  nghĩa là trong bốn năm tới sẽ không có chuyện lấy kết quả tốt nghiệp phổ thông để tuyển sinh CĐ-ĐH. Phải chăng đây không phải là biểu hiện “trên bảo, dưới không nghe”? hay là Bộ còn phải chờ Quốc hội ban hành thêm luật mới và chờ Chính phủ hướng dẫn để Bộ thi hành?

“Biển học mênh mông, quay đầu nhìn lại” vẫn chỉ thấy trùng trùng lầu son gác tía với bao con người “chậm và lúng túng” chẳng khác gì chuyện thời gian ngừng trôi khi nàng Bạch Tuyết trúng tà thuật phải ngủ trong lâu đài. Lòng vị tha của người Việt thể hiện ở câu nói: “không biết thì không trách lỗi”, biết lỗi mà cố gắng sửa chữa thì cần được động viên khích lệ. Thế còn với những người đã tham gia soạn thảo nghị quyết, đã nhìn thấy bất cập, thậm chí đã được được chỉ cho thấy lỗi mà vẫn không chịu sửa thì phải thế nào? 

Nói mà người ta không muốn nghe, chẳng lẽ chỉ còn cách quay đầu và … nhắm mắt?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nld.com.vn/ban-doc/ham-hiu-thuong-tet-giao-vien-20131215094611802.htm

[2] 3 không (không luyện thi, không tiêu cực, không chạy theo số lượng); 3 không được (không được sử dụng kết quả thi 3 chung, không được sử dụng kết quả thi riêng của trường khác, không được tự ấn định ngày thi), 3 vòng (vòng 1 xin ý kiến góp ý của sinh viên, cán bộ , giảng viên nhà trường,  vòng 2 xin ý kiến góp ý của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, vòng 3 xin ý kiến góp ý của xã hội)…

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành