Giáo dục đang…săm soi trên ngọn

28/10/2019 06:31
LÊ TRƯỜNG SA
(GDVN) - Các vấn đề nan giải trong ngành giáo dục không phải bây giờ mới có và không phải tự nhiên mà có. Cái gốc của vấn đề có thể do nhiều nguyên nhân.

Có câu ca dao ngày xưa nói thật sâu sắc rằng: “Tiếc công vun quén cây tùng/ Săm soi trên ngọn, gốc sùng không hay”.

Chăm sóc cây mà chỉ biết “chăm” phần “trên ngọn” không chú trọng “chăm” phần gốc của cây thì đó chỉ là cách làm không khoa học, hiệu quả thấp, nếu không muốn nói là thất bại.

Cách giải quyết các vấn đề đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục (đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, thói lạm thu…) cũng như cách “chăm” cây tùng nêu trên, càng “chăm” càng đi vào bế tắc vì chúng ta chỉ làm phần “ngọn”.

Cần có những giải pháp để phát triển ngành giáo dục nước nhà (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Cần có những giải pháp để phát triển ngành giáo dục nước nhà (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).

Các vấn đề nan giải trong ngành giáo dục không phải bây giờ mới có và không phải tự nhiên mà có. Cái gốc của vấn đề có thể liệt kê một số nguyên nhân sau đây:

Một là: Đây là hậu quả của một thời kỳ “nhà nhà đi sư phạm, người người đi sư phạm”. Xin nói thật là làm người đi dạy (nghề sư phạm) rất khó, không phải ai cũng làm “thầy” được.

Khi ngành giáo dục thiếu giáo viên thì tuyển sinh ồ ạt, hạ điểm chuẩn và hạ luôn cả mặt hạnh kiểm đầu vào.

Lẽ ra phải có môn “Nhân tướng học” tham gia vào việc tuyển chọn người vào nghề sư phạm. Họ chỉ cần nhìn tướng mạo, cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ sẽ biết được cơ bản phần nào về tâm tính, khí chất của con người.

Ví dụ: Người có khí chất nóng nảy, thiếu kiềm chế sẽ được tư vấn chọn nghề khác phù hợp hơn. Hoặc do bệnh lý (dạng tâm thần, yếu tim…chẳng hạn) thì không nên tuyển vào ngành sư phạm…

Như trên đã nói, tố chất của người làm thầy (nói cách khác là tố chất của một nhà sư phạm) chưa được lưu tâm khi tuyển chọn.

Yếu tố gia đình cũng chưa được coi trọng trong tuyển sinh vì gia đình mà lục đục, cha mẹ bất hòa nhau thì con cái vào ngành sư phạm rất dễ bị ảnh hưởng sau này.

Hai là: Chương trình đại học sư phạm chỉ chú trọng dạy về chuyên môn, chưa chú trọng dạy đạo đức làm thầy cho sinh viên.

Kiến thức sách vở, lý thuyết được trang bị rất cao siêu nhưng kiến thức về mặt đạo đức của người thầy phải có thì thiếu hụt… Thành ra khi ra trường, thầy cô phải mất nhiều thời gian mới tự mình điều chỉnh được để tồn tại…

Thủ tướng: Dạy chữ đã quan trọng, dạy người càng quan trọng hơn
Thủ tướng: Dạy chữ đã quan trọng, dạy người càng quan trọng hơn

Ba là: Khâu tự học, tự giáo dục của đội ngũ giáo viên còn yếu, thậm chí rất yếu. Đa số tự bằng lòng với tấm bằng tốt nghiệp, coi đó là cái “cần câu cơm” cho cuộc đời.

Họ không màng đến chuyện tự học vừa nâng cao năng lực chuyên môn vừa củng cố, nâng cao năng lực sư phạm. Bởi theo nhiều người, việc đó chỉ tổ mất thời gian chứ không có lợi ích gì.

Nếu có sự tự giáo dục thường xuyên, bền bỉ, tự giác “như là thở” thì giáo viên sẽ tự mình điều chỉnh theo những chuẩn mực quy định.

Cũng có thể do khâu khen thưởng, biểu dương chưa kịp thời, chưa thỏa đáng nên mới này sinh ra tình trạng này.

Có nhiều giáo viên tâm sự: “Dạy tốt cũng vậy, dạy bình bình cũng vậy. Không ai khen mà cũng chẳng ai chê” .

Bốn là: Giữa nhà trường và phụ huynh chưa “trùng khớp” cách giáo dục, cách dạy dỗ học sinh. Học sinh chưa ngoan thì phạt nhưng phạt như thế nào lại là vấn đề cần bàn và thống nhất.

Đánh bằng roi để các em vâng lời khác với đánh cho hả cơn giận của người thầy. Nhưng khoảng cách giữa hai thái cực này rất mong manh nên nó dễ trở thành “bạo lực với học sinh”.

Nếu dùng lời nói thì lời nói phải chuẩn mực, mang tính sư phạm và có nội dung giáo dục rõ ràng. Không được chửi mắng, miệt thị, làm nhục học sinh qua lời nói…

Khi đã tìm ra nguyên nhân thì chúng ta mới “bắt mạch đúng bệnh” và có những phương thuốc “điều trị” phù hợp; có liệu trình, có quy trình để chữa những căn bệnh đang hoành hành trong ngành giáo dục hiện nay.

LÊ TRƯỜNG SA