Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã gặp những tỷ phú chưa từng học Đại học

20/04/2021 13:18
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nghiên cứu ra robot công binh đi dò mìn giúp cho lực lượng quân đội giảm thiểu được thương vong về người không đáng có.

Chiều 19/4, gần 900 học sinh cùng thầy cô trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 (Hiệp Hoà, Bắc Giang) vui mừng chào đón Diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về nói chuyện tại trường.

Sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Được biết, Trường Hiệp Hoà số 6 được thành lập theo Quyết định số 177/QĐ - UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Nơi đứng chân hiện nay của Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 6 chính là nằm trên cơ sở cũ của trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 2, sau khi trường này chuyển về cơ sở mới.

Gần 900 học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 "đội nắng" nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện. Ảnh: Trung DũngGần 900 học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 "đội nắng" nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện. Ảnh: Trung Dũng

Trải qua hơn 20 năm phát triển, đến nay trường đã được đầu tư xây dựng cơ bản về cơ sở vật chất, các phòng học được tu sửa, nâng cấp nhằm đảm bảo cho việc dạy và học. Cùng với đó, nhà trường đầu tư xây mới thêm phòng họp tổ chuyên môn, phòng máy, phòng thí nghiệm, thư viện, khu nhà hiệu bộ làm cho cảnh quan nhà trường ngày càng khang trang hơn.

Ban đầu, nhà trường chỉ có 3 lớp 10 với 141 học sinh, những năm gần đây số lớp học đã tăng lên 16 lớp với gần 900 học sinh. Đội ngũ cán bộ giáo viên từ 7 người nay đã tăng lên 36 cán bộ, đảm bảo về chất lượng với trình độ đạt chuẩn 100% giáo viên có trình độ Đại học, và 2 giáo viên có trình độ Thạc sĩ.

Diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi trò chuyện. Ảnh: Trung DũngDiễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi trò chuyện. Ảnh: Trung Dũng

Buổi hội thảo cũng được diễn ra trong không khí chăm chú theo dõi của đông đảo thầy cô dành cho một người thầy từng tốt nghiệp đại học trẻ nhất Việt Nam, với cách chia sẻ vui vẻ, dễ hiểu và khoa học nên Giáo sư đã dẫn dắt được người nghe đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác.

Nói về cuộc cách mạng 4.0, Giáo sư không quên việc nêu khái quát và đầy đủ các thông tin, sự kiện liên quan về các thành tựu của các cuộc cách mạng trước đó để các học sinh dễ hình dung.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng của cuộc cách mạng này khi nó vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Vị Giáo sư nổi tiếng cũng nhấn mạnh về sự tuyệt vời trong thành tựu của cuộc cách mạng công nghiêp 4.0 chính là sự ra đời của robot.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Ngày nay, khi robot ra đời chúng ta đã nhìn thấy được nhiều lợi ích mà nó mang lại. Tuyệt vời nhất chính là việc tạo ra các robot công binh dò mìn giúp các lực lượng quân đội giảm thiểu được sự thương vong về người không đáng có.

Hoặc là ở trong nhà máy sản xuất xe hơi của Việt Nam, hầu như các robot đều tham gia vào các công đoạn để tạo ra một chiếc xe thành phẩm. Công nhân trong các nhà máy này không còn phải tham gia trực tiếp vào các công đoạn có tính độc hại như sơn hay hàn xì... Việc này đảm bảo được sức khoẻ cho người lao động ở đây.

Những câu hỏi dí dỏm của vị Diễn giả nổi tiếng luôn làm cho các học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 thấy phấn khích. Ảnh: Trung Dũng

Những câu hỏi dí dỏm của vị Diễn giả nổi tiếng luôn làm cho các học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 thấy phấn khích. Ảnh: Trung Dũng

Hay như các robot hữu ích ở lễ tân của các sân bay có thể tư vấn cho các hành khách tận tình về lộ trình và hướng dẫn cửa ra tàu bay cũng như đăng ký làm thủ tục lên máy bay.

Cũng có thể nhắc tới các robot cảnh báo tụ tập đông người trong thời kỳ cách li xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang áp dụng. Hoặc các robot tự động giao hàng cũng là một phần cho thấy những thành tựu mà cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nó hữu ích đến nhường nào”.

Không chỉ nêu ra những thế mạnh mà robot mang lại, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động hiện nay khi mà các robot đang dần thay thế sức lao động của con người.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ: “Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Nếu các em không trang bị cho mình những hành trang kỹ năng tiến bộ, đổi mới để phát triển bản thân thì rất có thể chính các em sẽ là nạn nhân của tình trạng này.

Các học trò vui vẻ nhận món quà tri thức từ vị Giáo sự đáng kính. Ảnh: Trung Dũng

Các học trò vui vẻ nhận món quà tri thức từ vị Giáo sự đáng kính. Ảnh: Trung Dũng

Đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công các em hãy nhớ lấy điều đó. Chính tôi cũng đã gặp và giúp đỡ rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhưng trình độ của họ cũng không phải là đại học hay cao hơn.

Trong tương lai thế hệ các em chính là những chủ nhân của đất nước. Tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên”.

Để các học trò không bị mơ hồ về khởi nghiệp, Giáo sư đã kể cho thầy cô, học sinh toàn trường nghe về những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống. Làm động lực cho các em có những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo.

Thầy Nguyễn Đình Cung, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 tặng hoa và cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vì buổi trò chuyện nhiều ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Nguyễn Đình Cung, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 tặng hoa và cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vì buổi trò chuyện nhiều ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng

Đó là câu chuyện về Lê Thị Thắm vượt lên nghiệt ngã của số phận khi sinh ra không có hai tay như người thường, nhưng vẫn phấn đấu và đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa bằng chân.

Rồi tiếp đến là câu chuyện của Trần Hồng Giang ở Nam Định tuy liệt cả tay lẫn chân nhưng có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng từ việc biên tập sách cho các nhà xuất bản. Hay câu chuyện kể về cuộc đời của anh nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) vươn lên làm giàu khi trình độ chưa hết cấp hai.

Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng

Phát biểu tại hội thảo, thầy Nguyễn Đình Cung - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hiệp Hoà số 6 cho rằng: “Cuộc nói chuyện hôm nay của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đem đến cho thầy trò trường chúng tôi rất nhiều điều bổ ích.

Buổi hội thảo không những giúp các em học sinh của nhà trường được tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc mà còn giúp các em sống tình nghĩa và có trách nhiệm hơn với tương lai của chính mình. Thay mặt nhà trường, tôi xin cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa này”.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trung Dũng