Giáo viên làm tổ trưởng tham nhũng được gì mà năm nào cũng phải kê khai tài sản?

29/12/2021 09:11
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu cầu tổ trưởng chuyên môn phải kê khai tài sản hàng năm chỉ là việc làm hình thức, lãng phí thời gian vô ích.

Bốn năm nay, cứ vào dịp cuối năm là hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn các đơn vị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh phải kê khai tài sản theo quy định. Điều đáng nói là, không biết tổ trưởng chuyên môn thì tham nhũng được gì mà năm nào cũng phải kê khai.

Kê khai tài sản theo quy định

Ngày 30/11/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch số 3386/KH-SGDĐT về thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục.

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập năm 2021 gồm 03 nhóm:

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm: Người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên;

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bổ sung: Người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập lần đầu năm 2020, có biến động tài sản thu nhập từ 300 triệu trở lên;

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu: Người được bổ nhiệm giữ chức vụ lần đầu tính từ tháng 3/2021 đến nay có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0.25 trở lên và chưa thực hiện kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. [1]

Như thế, người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0.25 (tổ trưởng chuyên môn) trở lên thì phải thực hiện kê khai tài sản theo quy định chung.

Nội dung kê khai tài sản bao gồm: kê khai đất; kê khai nhà; công trình xây dựng khác là công trình xây dựng không phải nhà ở; tài sản gắn liền với đất; vàng, kim cương, bạch kim…

Sau khi giáo viên thực hiện xong kê khai tài sản, hiệu trưởng triệu tập buổi họp để công khai tài sản, thu nhập của cá nhân có liên quan tại đơn vị.

Giáo viên không giữ chức vụ phải miễn cưỡng ngồi nghe từ hiệu trưởng đến tổ trưởng chuyên môn lần lượt công khai tài sản. Người có nhiều tài sản thì cứ thế mà liệt kê, người không có tài sản đôi lúc cũng không tránh khỏi chạnh lòng.

Ảnh minh họa: Plo.vn

Ảnh minh họa: Plo.vn

Tổ trưởng chuyên môn tham nhũng được gì?

Theo quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 thì:

“1. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Như vậy, chỉ những chủ thể nêu trên mới có thể là chủ thể của các tội phạm tham nhũng. [2]

Khoản d Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng là quản lý tài chính và tài sản của nhà trường. [3]

Hay nói cách khác, ở trường học hiệu trưởng là chủ tài khoản, có quyền quyết định sự thu chi của nhà trường (ở những mặt cho phép). Cho nên, hiệu trưởng phải thực hiện kê khai tài sản hàng năm là đúng theo quy định của pháp luật.

Riêng tổ trưởng chuyên môn, Điều 14 Thông tư 32 quy định tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

“a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.” [3]

Chiếu theo những quy định trên, tổ trưởng chuyên môn chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của hiệu trưởng.

Thỉnh thoảng tổ chuyên môn có tổ chức những hoạt động chuyên môn cho giáo viên, học sinh, nếu cần kinh phí hoạt động thì tổ trưởng cũng phải làm đề xuất, nếu được hiệu trưởng duyệt chi thì kế toán mới chi tiền (dĩ nhiên phải có hóa đơn chứng từ kèm theo hoặc theo quy chế chi tiêu nội bộ).

Dẫu biết rằng, mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Thế nhưng như đã phân tích ở trên, cá nhân người viết cho rằng, việc yêu cầu tổ trưởng ở trường học phải kê khai tài sản hàng năm chỉ là việc làm hình thức, lãng phí thời gian mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ke-hoach-thuc-hien-ke-khai-tai-san-thu-nhap-cua-nguoi-co-nghia-vu-ke-k/ctmb/41012/67634

[2] //luatminhkhue.vn/xac-dinh-chu-the-cua-toi-tham-nhung--quy-trinh-ap-dung-an-le-trong-phap-luat-hinh-su--.aspx

[3] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

[4] //nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/bo-may-hanh-chinh/muc-dich-nguyen-tac-ke-khai-tai-san-thu-nhap-duoc-quy-dinh-nhu-the-160018

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương