Giáo viên lý giải vì sao Giáo dục công dân nhiều điểm 10 nhất trong các môn thi

02/08/2021 06:10
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều này phản ánh giáo dục đạo đức, nhân cách hàng ngày như đã ngấm vào bản thân học sinh, vậy nên các con dễ dàng làm được bài. Điều đó không có gì là lạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, nhìn vào phổ điểm các môn cho thấy, môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất là 8,37 điểm, đứng đầu các môn thi.

Môn Giáo dục công dân có 534.123 thí sinh thi, trong đó điểm trung bình là 8.37 điểm, điểm trung vị là 8.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9.25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 29 (chiếm tỉ lệ 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5.321 (chiếm tỉ lệ 1,00%).

Biểu đồ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Giáo dục công dân năm 2021.
Biểu đồ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Giáo dục công dân năm 2021.

Giải đáp vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Trần Văn Năng - Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thầy Năng chia sẻ: “Hình phổ điểm của môn Giáo dục công dân năm 2021 có hình tương tự chữ J, không đối xứng, lệch hẳn về bên phải. Điều này là phù hợp với bài thi xét công nhận tốt nghiệp.

Tuy nhiên, môn Giáo dục công dân năm nay tiếp tục ghi nhận những số liệu chưa từng thấy đối với môn thi này nói riêng, và kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nói chung, đỉnh phổ là 9,25 tăng 0,5 điểm so với năm ngoái.

Số điểm từ 9 đến 10 chiếm 39,99% số bài thi. Có thể nói, đây là môn có kết quả thi tốt nhất trong tất cả các môn thi của kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đợt 1.

Theo tôi, để lí giải cho những số liệu cao kỉ lục của môn Giáo dục công dân, có thể đưa ra một số lí do như sau: Nội dung kiến thức môn học hiện nay khá ngắn gọn, súc tích. Kiến thức gắn liền với đời sống, nên thí sinh dễ dàng trả lời được các câu hỏi gắn với thực tiễn.

Có thể hiểu, việc truyền đạt kiến thức là do giáo viên dựa trên cơ sở sách giáo khoa, nhưng đối với bản thân tôi còn mở rộng các tình huống ngoài thực tế xã hội, dựa vào đó học sinh mới giải quyết được những câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, câu hỏi tình huống.

Những ví dụ có sẵn trong sách giáo khoa thường rất ít và ở mức độ vận dụng thấp, chính vì vậy tôi thường lấy thêm những ví dụ trong cuộc sống để minh họa cho những câu hỏi có mức độ vận dụng cao. Tìm thêm, dựa vào những câu hỏi vận dụng của những năm trước để dạy học sinh, từ đó tôi có thể tạo được thêm nhiều câu hỏi khác, câu hỏi mới giúp cho học sinh làm quen với các dạng câu hỏi, các dạng bài.

Thường những câu hỏi mới này rất thu hút được học sinh, các em hứng thú bởi những vấn đề đó thường gây tranh cãi, thậm chí là rất nhiều giáo viên cũng tham gia tranh luận “nảy lửa”. Từ những vấn đề được thảo luận đó đã giúp cho các em học sinh có thêm kiến thức thực tế, áp dụng vào bài thi, cũng như trong cuộc sống sau này.

Những kiến thức đó hoàn toàn không phải là học thuộc lòng, từng câu, từng chữ, học sinh vẫn phải nắm được những kiến thức cơ bản thì mới làm được các dạng câu hỏi trong đề thi với 4 mức độ khác nhau”.

So sánh phổ điểm thi môn Giáo dục công dân của 2 năm 2020 và 2021.
So sánh phổ điểm thi môn Giáo dục công dân của 2 năm 2020 và 2021.

Đề thi năm nay, có 30% câu hỏi nhận biết và thông hiểu, những phương án “gây nhiễu” chưa cao, thí sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản sẽ nhận ra ngay đáp án đúng. Các câu hỏi vận dụng thấp là những câu hỏi tình huống đơn giản, học sinh vận dụng kiến thức ở mức độ cơ bản đã có thể trả lời?

Về vấn đề này, thầy Năng nói: “ Ở các đáp án đưa ra trong đề thi, với khoảng 30% câu hỏi nhận biết thông hiểu đều ở mức độ dễ, học sinh cần đọc qua là đã có thể làm đúng. Đề thi dễ là đối với những người đã được học theo Tổ hợp xã hội, tuy nhiên vẫn có những câu hỏi khó, đó là những câu ở mức độ vận dụng cao.

So với đề thi mọi năm, phần câu hỏi này có nhẹ hơn một chút, và những kiến thức cơ bản đều có trong sách giáo khoa. Ngược lại với những câu hỏi dễ, nếu là thầy cô, hoặc những em học sinh không học môn Giáo dục công dân thì cũng khó có thể làm được đề thi này.

Dạng câu hỏi vận dụng cao tuy là những tình huống phức tạp, nhưng qua nhiều năm áp dụng dạng bài này, thí sinh đã có kinh nghiệm xử lí nên cũng không làm khó được các em. Hoàn toàn không phải làm theo thói quen, mà hiểu đúng thì đó là các dạng bài quen. Những câu hỏi đó thầy cô đã luyện cho học sinh rất nhiều ở trên lớp”.

Có ý kiến cho rằng môn Giáo dục công dân chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp, qua điểm liệt là được, học sinh không quan trọng là điểm cao hay thấp? Về vấn đề này, thầy năng cho biết: “Hiện nay có một số trường đại học cũng có xét tuyển môn này, tuy nhiên số lượng trường như vậy rất ít.

Hơn nữa có thể hiểu, đây là môn thi “cứu cánh” để giúp gỡ điểm cho những môn khác khó hơn, chính vì vậy các em học sinh cũng học một cách nghiêm túc. Nhưng điều quan trọng nhất là hiện nay công tác giảng dạy môn Giáo dục công dân được các thầy cô đổi mới rất nhiều, từ đó lôi cuốn học sinh rất thích học môn này, giúp các em mở mang kiến thức về mặt xã hội.

Tất cả kiến thức các em có được từ môn này đều có thể vận dụng vào cuộc sống. Ví dụ, trong trường hợp các em đang bị khống chế, đe dọa…thì qua bài học quyền tố cáo, các em sẽ biết cần nhờ sự trợ giúp ở đâu. Hoặc bây giờ điểm thi bị thấp, trong khi các em nghĩ điểm mình rất cao, vậy phải làm gì? Lúc này các em sử dụng quyền khiếu nại”.

Điểm thi năm nay với môn Giáo dục công dân có số lượng thí sinh đạt điểm 10 lớn nhất với 18.680 em, trong khi năm 2020 là 4.163 em, tăng gần gấp 5 lần. Thầy Năng nêu nhận định về hiện tượng này: “Đầu tiên, là đề thi dễ hơn so với những năm trước.

Phương pháp dạy của thầy cô môn Giáo dục công dân ngày càng thực tế hơn, dẫn tới học sinh yêu thích môn học này, ôn tập bám sát đề tham khảo của Bộ, học sinh ham học nên quá quen với các dạng bài, dẫn tới kết quả thi tốt. Điểm 10 nhiều như vậy nhưng việc chấm điểm ở đây hoàn toàn bằng máy vì thi theo hình thức trắc nghiệm, điều này mang tính khách quan, minh bạch, phản ánh đúng tinh thần học thật, thi thật của thầy và trò”.

Cô Nghiêm Thị Thu Trang - Tổ trưởng môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.
Cô Nghiêm Thị Thu Trang - Tổ trưởng môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Điểm thi cao là điều tất yếu

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nghiêm Thị Thu Trang - Tổ trưởng môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã chia sẻ: “Tôi thấy đề thi năm nay tương đối phù hợp, không nói là dễ, và đặc biệt là phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, cũng như làm căn cứ xét tuyển đại học.

Tôi thấy điểm thi cũng phản ánh thực chất năng lực của học sinh, còn lý do nhiều em đạt được điểm cao, nó cũng một phần do đặc thù môn học, môn này gắn liền với thực tế đời sống, bản thân nó đã gắn bó với đời sống rồi thì học sinh cũng sẽ yêu thích, các em vận dụng được hiểu biết của bản thân để làm bài thi.

Đề thi năm nay đã đưa vào được các nội dung rất hay, ví dụ: Các nội dung gần gũi như dịch bệnh Covid- 19, ủng hộ tiêm vacxin, hoặc nội dung về an toàn giao thông, các mối quan hệ xoay quanh gia đình, thầy cô… tất cả những điều này tôi đánh giá nó rất gần gũi với thực tế cuộc sống.

Mà khi đã gần gũi, học sinh đọc đề thi cũng dễ hình dung được ngay, đâu là đúng, và đâu là vi phạm pháp luật, chính vì thế mà việc chọn đáp án cũng dễ dàng hơn. Một điều nữa tôi nhận thấy đề thi năm nay bám rất sát so với đề thi minh họa của Bộ, chính vì thế mà các con rất chủ động vì đã được học rất kĩ, không bị bất ngờ, bỡ ngỡ.

Bản thân ngay như học sinh của tôi cũng chọn môn này để xét tuyển đại học, từ khi trở thành môn thi thì vị thế môn học này cũng đã khác rất nhiều theo hướng tích cực, không còn bị coi là môn phụ. Nhà trường cũng quan tâm hơn, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, và đặc biệt là chủ thể học sinh cũng tiếp nhận kiến thức với một tâm thế hoàn toàn khác, học thật sự chứ không phải là đối phó”.

Việc điểm 10 năm nay hơn 4,5 lần so với năm 2020, cô Trang cho biết: “ Theo tôi không hẳn là do đề thi dễ quá, điểm mấu chốt là, khi vị thế của môn Giáo dục công dân được nâng lên một tầm khác, các nhà trường cũng đầu tư thời lượng chương trình, tăng tiết, tăng cường cho môn học này, học sinh có thời gian tìm tòi, nghiên cứu kĩ hơn.

Đặc biệt về phía giáo viên, sau khi trải qua vài năm môn học này được nằm trong các môn thi tốt nghiệp, nguồn tư liệu cũng đã phong phú hơn rất nhiều, thầy cô có một kho tư liệu chất lượng để ôn tập cho học sinh. Những năm gần đây, tôi nhận thấy giáo viên dạy Giáo dục công dân tham gia rất nhiều trên các diễn đàn xã hội một cách sôi nổi.

Khi vị thế môn học được thay đổi, giáo viên cũng tâm huyết hơn, thể hiện được tình yêu với môn học, sẵn sàng học hỏi đổi mới, sẵn sàng để môn mình dạy trở thành môn quan trọng, trên hành trình dạy học trò làm người”.

Cô Trang nhấn mạnh: “Từ sự gần gũi của môn học, cùng với sự cố gắng của thầy và trò, thì việc đem về “trái ngọt”, là nhân cách và sự hiểu biết của học sinh đã tỏa sáng trong kì thi lần này, đó là điều tất yếu.

Bản thân tôi mong muốn, trong các năm tiếp theo, việc giáo dục nhân cách, đạo đức, tổ chức thi cho học sinh vẫn nên làm theo hướng hiện tại. Các nhà trường cần chú trọng hơn nữa vào chương trình bởi học sinh rất yêu thích môn này.

Điểm thi năm nay không phải tự nhiên lại cao như vậy, bởi để đạt được điểm cao thì học sinh cần phải có sự hiểu biết về pháp luật, có kĩ năng giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Trên nhiều diễn đàn xã hội, khá nhiều ý kiến đánh giá đề thi năm nay có những câu “xoắn não” hoặc có ý kiến nói rằng “dã man” như trong phim, như vậy không thể nói là đề thi quá dễ được.

Khó như vậy nhưng học sinh vẫn làm tốt, đạt điểm cao. Điều này phản ánh giáo dục đạo đức, nhân cách hàng ngày giống như đã ngấm vào bản thân học sinh, vậy nên các con dễ dàng làm được bài. Điều đó không có gì là lạ”.

Tùng Dương