Giáo viên sinh con thứ 3 thì xếp loại viên chức ở mức nào?

23/05/2021 06:14
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc vợ chồng bạn bị đơn vị xếp loại viên chức cuối năm ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có lẽ đơn vị cũng đã cân nhắc kĩ.

Bạn đọc Hà Tr. Ch. có địa chỉ email là htch..@gmail.com gửi thư đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về trường hợp của mình, nội dung câu hỏi như sau:

Vợ chông tôi là giáo viên, tôi là giáo viên cấp trung học cơ sở, vợ tôi là giáo viên mầm non có vấn đề xin ý kiến của tòa soạn.

Tháng 12/2019, vợ chồng tôi sinh con thứ 3, vì sinh con thứ 3 nên năm học 2019-2020 vợ tôi bị xếp loại viên chức cuối năm chỉ được ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” (hiệu trưởng bảo vi phạm về tư tưởng).

Đến năm học 2020-2021 mới xét kỉ luật đảng viên, khi xếp loại viên chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị định 90/2020 và chậm nâng lương 9 tháng (3 tháng vì mức kỷ luật khiển trách, 6 tháng vì không hoàn thành nhiệm vụ).

Bản thân tôi thì năm học 2020-2021 cũng bị xếp loại viên chức “Không hoàn thành nhiệm vụ” cũng chỉ vì sinh con thứ 3. Nếu, không vì sinh con thứ 3 tôi sẽ được xếp ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bản thân tôi rất hoang mang, lo lắng bởi vợ tôi 2 năm liền như vậy chỉ vì sinh con thứ 3 nên có thể nằm trong danh sách tinh giản biên chế.

Rất mong quý tòa soạn tư vấn giúp cho tôi”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân dân

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Nhân dân

Vấn đề bạn hỏi, người viết xin được cung cấp một số thông tin tư vấn để bạn tham khảo như sau:

Khi đọc thư của bạn, chúng tôi hiểu được sự lo lắng của vợ chồng bạn khi sinh con thứ 3 bởi cả vợ chồng bạn vừa là viên chức lại là những đảng viên đang sinh hoạt tại các Chi bộ nhà trường.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu, tra cứu các văn bản hiện hành thì chúng tôi thấy rằng các mức kỷ luật, xếp loại viên chức của vợ chồng bạn đã được đơn vị nơi mà 2 vợ chồng bạn đang công tác làm tương đối bài bản, phù hợp với hướng dẫn hiện hành.

Thứ nhất: Những năm trước đây, theo hướng dẫn của Nghị định số 114/2006/NĐ-CP, nếu cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ.

Khi Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực kể từ 31/12/2013 ra đời, thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đã không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ ba” nữa.

Chính vì Nghị định 176/2013/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể để xử lý viên chức vi phạm chính sách dân số nên hiện nay nên một số bộ, ngành đã ban hành Thông tư, Quyết định; Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, trong đó có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba trở lên.

Và, có thể địa phương nơi vợ chồng bạn đang công tác cũng đã có những hướng dẫn cụ thể cho sự việc này.

Tuy nhiên, cho dù địa phương có hướng dẫn về mức xử lý kỷ luật khi viên chức sinh con thứ 3 hay không thì việc vợ chồng bạn là đảng viên mà theo hướng dẫn về Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm hiện nay thì trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 sẽ bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”.

Thứ hai: việc bạn băn khoăn là vợ chồng bạn sinh con vào cuối năm 2019 nhưng mãi cuối năm 2020 mới bị xét kỷ luật đảng viên và cả 2 vợ chồng bạn đều bị xét viên chức ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” nhưng chúng tôi cho rằng Chi ủy và Ban giám hiệu nhà trường nơi vợ chồng bạn công tác đã làm đúng hướng dẫn.

Bởi, theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ ban hành ngày 18/9/2020 hướng dẫn chưa xem xét kỷ luật khi:

Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, việc vợ bạn sinh con vào cuối năm 2019 nhưng mãi cuối năm 2020 mới xử lý kỷ luật là phù hợp với hướng dẫn hiện hành vì đang có con nhỏ dưới 12 tháng.

Chính vì vợ chồng bạn bị kỷ luật ở mức “khiển trách” vào tháng 12 nên nó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xếp loại viên chức cuối năm học 2020-2021 này.

Bởi, việc cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật Đảng ít nhiều đều có ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại trong năm, ảnh hưởng lớn nhất là dẫn đến bị xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc vợ chồng bạn bị đơn vị xếp loại viên chức cuối năm ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có lẽ đơn vị cũng đã cân nhắc khá kỹ.

Bởi, theo hướng dẫn tại Điều 3, Điều 15 của Nghị định này; phần II Nghị quyết 04-NQ/TW 2016; Điều 7 đến Điều 12 tại Quy định 102-QĐ/TW 2017 cũng đã hướng dẫn khá cụ thể về việc này.

Thứ ba: khi bị kỷ luật ở mức “khiển trách”, viên chức bị xếp loại viên chức ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ” thì việc bị chậm nâng lương cũng phù hợp. Điều này đã được quy định tại điểm b, điểm c, Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn nâng bậc lương cán bộ, công chức quy định nên việc vợ bạn bị chậm nâng lương 9 tháng là đúng.

Như vậy, về cơ bản thì Chi ủy và Ban giám hiệu nhà trường nơi vợ chồng bạn công tác đã làm đúng hướng dẫn hiện hành khi xét kỷ luật vợ chồng bạn ở thời điểm năm 2020 và xét viên chức ở năm học 2020-2021.

Việc năm học 2019-2020 vợ bạn bị xếp loại viên chức ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” có thể là do vợ bạn nghỉ sinh từ tháng 12/2019 cho đến hết năm học (6 tháng) thì việc xếp loại này cũng phù hợp.

Việc còn lại là bạn “hoang mang” vì có thể vợ bạn nằm trong diện tinh giản biên chế nhưng thay vì “hoang mang” thì trong năm học tới đây cả 2 vợ chồng bạn cùng cố gắng phấn đấu để được xếp loại ở mức viên chức cao hơn là điều không khó vì thời gian kỷ luật đã hết.

Chúc 2 vợ chồng bạn công tác tốt và gặt hái được nhiều thành tích trong năm học tới đây.

Những tư vấn trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH