Giáo viên sửa điểm học sinh khi nào hợp pháp, khi nào phi pháp?

22/07/2021 10:41
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giáo dục thật, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có quản lý không để giáo viên sửa nâng điểm cho học sinh.

Chuyện giáo viên tại Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) sửa điểm đánh giá học sinh năm học 2020 – 2021 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam viết “Chỉnh sửa sổ điểm điện tử, ai phải chịu trách nhiệm?”. [1]

Việc quản lý điểm kiểm tra đánh giá học sinh đang được thực hiện như thế nào?

Phần lớn các cơ sở giáo dục hiện nay đều có phần mềm quản lý điểm, như Vnedu…; giáo viên vào điểm xong, nhà trường in sổ điểm lớn, học bạ; giáo viên bộ môn ký xác nhận.

Thầy cô và nhà trường cần nắm rõ các quy định của ngành trong việc cho điểm, vào điểm, sửa điểm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vtv.vn.

Thầy cô và nhà trường cần nắm rõ các quy định của ngành trong việc cho điểm, vào điểm, sửa điểm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vtv.vn.

Theo Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, đối với nhà trường có Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học); đối với giáo viên có Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (sổ cá nhân).

Điểm kiểm tra đánh giá học sinh gồm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và điểm kiểm tra đánh giá định kì.

Điều 7 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có ghi: Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập;

- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định.

Điều 8. Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có ghi: Số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm.

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên: - Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx; - Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 ĐĐGtx; - Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 ĐĐGtx.

Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên quy định. Với kiểm tra đánh giá định kì, mỗi học sinh có 2 bài/học kì (giữa kì và cuối kì).

Ví dụ, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học có 2 con điểm, có thể kiểm tra đánh giá 5 lần, giáo viên có quyền chọn 2 con điểm cao nhất trong 5 lần kiểm tra đánh giá đó vào điểm cho học sinh, tức là giáo viên có quyền sửa nâng điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.

Sửa điểm như thế nào là hành vi vi phạm pháp luật?

Với kiểm tra đánh giá định kì, mỗi học sinh có 2 bài/học kì (giữa kì và cuối kì), giáo viên phải vào điểm kết quả kiểm tra đánh giá chính xác, chỉ có quyền sửa cho đúng điểm học sinh đạt được (có thể nâng lên hay hạ xuống), không có quyền sửa nâng lên như điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên.

Sửa điểm cho đúng kết quả học sinh đạt được trong kiểm tra đánh giá là chuyện bình thường, là chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên ở trường học.

Kết quả kiểm tra việc sửa điểm ở Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, phát hiện có 40 giáo viên chỉnh sửa điểm, trong đó có, 26 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ. [1]

Nếu những điểm số sau khi sửa, đúng là điểm số học sinh đạt được khi kiểm tra đánh giá, được minh chứng trên bài kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, thực hành…), việc sửa điểm đó đúng pháp luật.

Tuy nhiên, những điểm số sau khi sửa, không đúng là điểm số học sinh đạt được (tăng lên hay hạ xuống) khi kiểm tra đánh giá, việc sửa điểm là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì hành vi sửa điểm sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ, tính chất thì có thể bị xử lý mang tính nội bộ như: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy có thời hạn…

Làm sao tránh hành vi sửa điểm sai trái của giáo viên?

Vào điểm sai thì phải sửa điểm cho học sinh, để bảo vệ quyền lợi cho người học. Vì thế cần có quy trình vô điểm khoa học, đảm bảo vô điểm không phải sửa, sửa điểm phải quy được trách nhiệm.

Với điểm kiểm tra định kì, giáo viên chỉ vô điểm vào phần mềm quản lý sau khi trả bài cho học sinh kiểm tra, nếu có sai sót học sinh đã phản hồi (phúc khảo). Học sinh có quyền theo dõi điểm của cá nhân mình, nếu giáo viên vô điểm sai sẽ phản hồi ngay.

Với điểm kiểm tra thường xuyên, giáo viên thông báo cho học sinh số con điểm của bộ môn mình phụ trách, điểm vào phần mềm quản lý là điểm số cao nhất trong các lần kiểm tra. Thao tác này giúp minh bạch nhưng cũng là thông tin để học sinh cố gắng học tập, rèn luyện.

Việc không cho giáo viên sửa điểm sau khi nhập vào phần mềm quản lý là thao tác kĩ thuật, đơn giản của người phụ trách công nghệ thông tin.

Quản trị mạng của trường sẽ “khóa”, không cho sửa, muốn sửa phải được sự đồng ý của quản trị mạng, có minh chứng là bài kiểm tra… của học sinh. Lúc này trách nhiệm pháp lý rất rõ ràng, giáo viên bộ môn và quản trị mạng chịu trách nhiệm về hành vi sửa điểm, nếu vi phạm luật pháp.

Đơn giản hơn, khi sửa điểm, điểm số mới sửa sẽ đổi màu so với ban đầu, quản lý nhà trường, quản trị mạng, sẽ biết ngay giáo viên có sửa điểm hay không, việc thanh kiểm tra sẽ đơn giản hơn. Việc sửa điểm để lại “dấu vết”, trách nhiệm, giáo viên phải “cân nhắc” trước khi sửa điểm.

Trên thực tế, giáo viên không muốn sửa điểm, nhưng vì phải đảm bảo chất lượng bộ môn theo chỉ tiêu đầu năm, lãnh đạo nhắc nhở, nên đành sửa điểm để học sinh yếu lên trung bình. Cá biệt lắm mới có hành vi sửa nâng điểm để học sinh từ trung bình lên khá hay từ khá lên giỏi.

Để giáo dục thật, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có quản lý không để giáo viên sửa nâng điểm cho học sinh.

Biện pháp kĩ thuật trên phần mềm quản lý rất đơn giản, nhưng về lâu dài, không nên bắt giáo viên đăng ký chất lượng bộ môn cao ngất ngưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, thực hiện nghiêm Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/chinh-sua-so-diem-dien-tu-ai-phai-chiu-trach-nhiem-585720.html

- Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT

- Thông tư Số: 26/2020/TT-BGDĐT

- Nghị định 04/2021/NĐ-CP

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai