Giáo viên tham gia trực Tết thời điểm nào thì được hưởng chế độ làm thêm giờ?

23/01/2022 07:16
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu xét về Luật, khi phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết thì nhà trường phải chi trả chế độ cho người lao động bằng 300% mức lương hiện hành.

Thời điểm này, các trường học từ mầm non đến phổ thông trên cả nước đã có lịch nghỉ Tết Nguyên đán và có lịch phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trường trong những ngày nghỉ Tết tới đây.

Việc hiểu đúng, phân công đúng việc trực trường và trả chế độ làm thêm giờ cho giáo viên trong dịp Tết Nguyên đán những năm qua vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của đội ngũ nhà giáo và cũng có nơi thực hiện đúng nhưng cũng có nơi chưa đúng.

Vậy, giáo viên có phải tham gia trực Tết hay không? Khi tham gia trực Tết thì thời điểm nào sẽ được nhà trường chi trả tiền làm thêm giờ vẫn chưa có sự đồng nhất trong việc thực hiện. Chính vì thế, một số trường đã vấp phải nhiều ý kiến, nhiều thị phi mỗi khi Tết đến, Xuân về trong việc phân công trực Tết.

Nếu trực Tết vào 5 ngày theo quy định thì giáo viên sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Nếu trực Tết vào 5 ngày theo quy định thì giáo viên sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Tết Nguyên đán năm 2022 giáo viên được nghỉ mấy ngày?

Ngày 11/01/2022 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 245/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022.

Theo đó, Chính phủ đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ bắt đầu từ ngày 31/01/2022 đến hết ngày 04/02/2022 (tức nghỉ 01 ngày trước Tết và 04 ngày nghỉ sau Tết).

Như vậy, người lao động trên cả nước nói chung, giáo viên ở các nhà trường nói riêng sẽ được nghỉ ít nhất 05 ngày liên tục từ ngày 31/01/2022 (tức ngày 29 tháng Chạp) đến hết ngày 04/02/2022 (tức ngày mùng 4 Tết).

Tuy nhiên, do chuỗi nghỉ 5 ngày liên tiếp liền kề với ngày nghỉ cuối tuần nên người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ có kỳ nghỉ Tết kéo dài 09 ngày liên tục từ ngày 29/01/2022 (tức ngày 27 tháng Chạp) đến hết ngày 06/02/2022 (tức ngày mùng 6 Tết).

Như vậy, về cơ bản thì các trường học nghỉ ít nhất là là 9 ngày, có những nơi cho học sinh nghỉ nhiều hơn, lên đến 2 tuần.

Trong khoảng thời gian này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường – nếu được phân công trực Tết trong khoảng thời gian từ ngày 31/01/2022 đến hết ngày 04/02/2022 (tức nghỉ 01 ngày nghỉ trước Tết và 04 ngày nghỉ sau Tết) sẽ được hưởng chế hộ làm thêm giờ.

Bởi, theo điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2012 hướng dẫn thì người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: “Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Như vậy, nếu xét về Luật, khi phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết thì nhà trường phải chi trả chế độ cho người lao động bằng 300% mức lương hiện hành.

Còn nếu như giáo viên được phân công trực ngoài khoảng thời gian này thì không được hưởng thêm bất kỳ chế độ nào khác ngoài chế độ tiền lương và phụ cấp hàng tháng như bình thường.

Đặc biệt, nếu nhà trường phân công giáo viên trực vào những ngày không nằm trong 5 ngày nghỉ Tết từ ngày 31/01/2022 đến hết ngày 04/02/2022 (tức nghỉ 01 ngày nghỉ trước Tết và 04 ngày nghỉ sau Tết) là chưa đúng.

Bởi lẽ, giáo viên làm việc theo định mức số tiết/ tuần. Còn Ban giám hiệu, nhân viên nhà trường thì làm việc theo chế độ hành chính 5 ngày/ tuần. Điều này cũng đồng nghĩa trong khoảng thời gian không phải là 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán là những ngày làm việc bình thường của Ban giám hiệu và nhân viên hành chính.

Khó khăn trong cách phân công trực Tết và chi trả chế độ làm thêm giờ hiện nay

Đối với các trường học thì thường có nhiều tài sản, có trang thiết bị dạy học nên việc luôn luôn có người bảo vệ là việc làm bình thường để đề phòng trộm cắp, cháy nổ trong dịp nghỉ dài ngày.

Nếu như các trường thuộc khu vực thành thị, nông thôn, hoặc những trường được biên chế bảo vệ thì việc phân công người trực trường không phải là điều khó khăn vì phần lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên sinh sống ở tại địa bàn hoặc các địa bàn lân cận.

Tuy nhiên, đối với những vùng khó khăn - nơi mà đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên từ các địa phương khác đến công tác thì việc phân công trực trường luôn gặp khó khăn vì Tết đến ai cũng muốn về quê sum họp cùng gia đình.

Chính vì vậy, những năm qua đã có trường thực hiện chủ trương là giáo viên góp tiền để thuê người trực trường thay và dẫn đến nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Bên cạnh đó, có trường gặp khó khi chủ trương của địa phương không chi tiền làm thêm giờ trong dịp Tết Nguyên đán mà thực hiện phương châm cho nghỉ bù luân phiên sau Tết.

Thế nhưng, Ban giám hiệu hay nhân viên hành chính nghỉ bù thì đơn giản vì công việc của họ không ảnh hưởng đến nhiều người và có thể chậm trễ được. Tuy nhiên, đối với giáo viên mà phân công trực Tết thì việc nghỉ bù không có ý nghĩa vì họ phải dạy theo định mức và thời khóa biểu của nhà trường.

Giáo viên mà nghỉ dạy thì cũng đồng nghĩa với lớp học đó phải nghỉ theo và tất nhiên trong trường hợp này nhà trường, tổ chuyên môn cũng rất khó phân công đồng nghiệp khác dạy thay vì ai cũng có lớp của họ.

Chính vì thế, để nhận được sự đồng thuận ở các nhà trường, của giáo viên thì không có cách nào hiệu quả hơn là các địa phương phải chủ trương áp dụng theo Luật hiện hành.

Những ngày không nằm trong quy định 5 ngày nghỉ Tết thì Ban giám hiệu và nhân viên làm việc bình thường theo giờ hành chính.

Những ngày nghỉ nằm trong 5 ngày được pháp luật cho phép thì phân công ai trực cũng được nhưng phải chi trả tiền làm thêm giờ bằng 300% mức lương hiện hành thì phân công giáo viên hay nhân viên sẽ thuận lợi mà không còn những thị phi, hay thoái thác trách nhiệm khi được phân công trực Tết.

NGUYỄN NGUYÊN