Giáo viên thị xã Sơn Tây bị cắt hợp đồng nếu không được xét trước ngày 31/8

07/08/2019 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong trường hợp không được xét đặc cách, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây sẽ bị cắt hợp đồng từ ngày 31/8/2019.

Chưa có thông báo thi tuyển - xét tuyển, giáo viên đã bị cắt hợp đồng

Cô V.T.T., 24 năm làm giáo viên hợp đồng, nhận được thông báo cắt hợp đồng bắt đầu từ ngày 31/8/2019.

Hà Nội sẽ xét tuyển đối với 800 giáo viên hợp đồng
Hà Nội sẽ xét tuyển đối với 800 giáo viên hợp đồng

Thông báo này do hiệu trưởng một trường tiểu học tại Thị xã Sơn Tây nơi cô công tác, ký. 

Gần 24 năm công tác trong ngành giáo dục, đến tuổi 46 cô T. nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng. 

Cô T. cho đây là hành động “vắt chanh, bỏ vỏ” và không có tính nhân văn. 

Cô nói: “Tôi công tác tại trường từ năm 1996.

Đến năm 2000 có quy định sẽ giải quyết toàn bộ số giáo viên hợp đồng. 

Tại các trường chỉ còn hợp đồng với một số bộ phận như nhà bếp, bảo vệ, văn thư.

Tuy nhiên năm 2000 chúng tôi không được giải quyết, không được vào biên chế, vẫn tiếp tục ký hợp đồng cho đến tận ngày hôm nay. 

Nếu như ngày đó họ thông báo chấm dứt hợp đồng chúng tôi vẫn còn trẻ vẫn còn đường mưu sinh.

Nhưng nếu cắt hợp đồng giáo viên khi đó thì lấy ai dạy dỗ con họ. Một nửa đời người làm giáo viên. 

Bây giờ khi con họ lớn thì chúng tôi bị cắt hợp đồng. Điều đó có thực sự nhân văn với giáo viên hay không”.

Huyện Sóc Sơn trả lời 256 giáo viên hợp đồng
Huyện Sóc Sơn trả lời 256 giáo viên hợp đồng

Cô T. phân tích nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.

Thứ nhất: Năm 2000 và năm 2012, đáng lẽ ra các giáo viên hợp đồng đường hoàng được vào biên chế. 

Tuy nhiên, trong 2 năm đó, số giáo viên hợp đồng này bị bỏ quên hoặc “cố tình” bỏ quên. 

Điều này dẫn đến việc có những giáo viên hợp đồng đến 20 năm, 23 năm. Thầy cô vẫn tận tình dạy dỗ với đồng lương ít ỏi. 

Có những nơi không được đóng bảo hiểm như huyện Mỹ Đức. Đến tuổi trung tuần, tóc bạc da mồi, trường thông báo cắt hợp đồng.

Thứ hai: Việc xét đặc cách nhưng không giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện do hầu hết các giáo viên đều làm việc tại các trường công (hưởng ngân sách nhà nước). 

“Việc ra quyết định xét đặc cách nhưng không ai đủ điều kiện để đặc cách có phải là một quyết định đẹp lòng dư luận?” – cô T. bày tỏ.

Thứ ba: Trong chính sách tiền lương và bảo hiểm của giáo viên hợp đồng có nhiều vấn đề. 

Chẳng hạn huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng hưởng lương dưới mức tối thiểu (1.210.000 đồng) và không được đóng bảo hiểm. 

Cô T. nói: “Tại thị xã Sơn Tây, giáo viên hợp đồng chúng tôi được ký hợp đồng 1 năm/ lần. 

Bản thân tôi kể từ ngày về trường cũng chỉ được hợp đồng 1 năm. Đến năm 2013 giáo viên hợp đồng mới được hưởng hệ số 1.86 còn trước đó là 1.0. 

Tôi cũng nhiều lần hỏi: Vì sao hợp đồng của tôi là hợp đồng 1 năm mà đến nay không được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn? 

Họ trả lời đây là chính sách của Ủy ban Nhân dân huyện. Tôi nghĩ như vậy là họ đã làm sai luật khi không chuyển chúng tôi sang hợp đồng không xác định thời hạn”.

Thứ tư: Cùng là giáo viên hợp đồng trong huyện nhưng lại có sự khác nhau trong chế độ và chính sách. Lấy ví dụ giáo viên hợp đồng khối mầm non được xét đặc cách từ năm 2013. 

Năm 2019, số giáo viên hợp đồng mầm non còn lại được chuyển sang công việc khác như nấu ăn, bảo vệ. 

Trong khi đó giáo viên hợp đồng tiểu học và trung học cơ sở lại không có được những ưu đãi đó.

Giáo viên mầm non tại huyện Mê Linh được chuyển hợp đồng sang công việc khác (Ảnh:V.N)
Giáo viên mầm non tại huyện Mê Linh được chuyển hợp đồng sang công việc khác (Ảnh:V.N)

Cô T. tâm sự: “Tôi công tác đến nay đã 24 năm. Nếu năm 2000 họ thông báo cắt hợp đồng của mình thì từng đó thời gian chúng tôi có thể tìm được một công việc mới. 

Thế nhưng nếu năm đó cắt hợp đồng của chúng tôi thì ai dạy học sinh? Đằng đẵng từng đấy năm đến nay họ cắt hợp đồng, không một lời giải thích, không có các chính sách hỗ trợ. 

Thậm chí họ còn định cắt hợp đồng của tôi từ ngày 31/5/2019 nhưng tôi nói rằng: Hợp đồng của tôi đến ngày 31/8/2019 thì các anh phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu cắt hợp đồng sớm của tôi là sai quy định pháp luật”.

Vết thương trong trái tim cô giáo

Cô T. buồn bã nói: “Mất việc chỉ là một chuyện những tác động khác mới ghê gớm. Tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh. 

Nói thẳng bây giờ có thi tôi cũng chẳng sợ. Nhưng đau ở chỗ: Học sinh mình từng dạy nó lại nghĩ các cô bon chen, tranh giành miếng cơm với chúng nó”.

Chủ tịch Hà Nội nói xét tuyển, các huyện vẫn đồng loạt bắt giáo viên thi tuyển
Chủ tịch Hà Nội nói xét tuyển, các huyện vẫn đồng loạt bắt giáo viên thi tuyển

Nói đến đây cô T. thở dài:

“Học sinh của tôi có những đứa trước kia không biết cô dạy hợp đồng; cô không đi đấu tranh gặp ngoài đường chúng nó còn chào hỏi.

Bây giờ nhìn thầy cô chúng nó còn chẳng thèm chào. 

Trong một số diễn đàn nhiều bạn trẻ có những bình luận mà khi đọc được chúng tôi buồn lắm. 

Khoảng cách cô trò tự nhiên xa nhau đến thế! Nhiều bạn trẻ còn mắng thẳng: Vì các cô đấu tranh cho nên chúng tôi mới phải chậm trễ trong việc thi cử. 

Có bạn còn nói: Các cô già rồi sao không về vườn đi nhường cơ hội cho lớp trẻ.

Những bình luận và những câu nói như vậy động đến trái tim nhà giáo. Thậm chí có những em còn là học sinh cũ của mình. Những cái đấy mong lãnh đạo thấy được hết”.

Tâm sự của cô T. cũng là tiếng lòng của hơn 2000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.

Khoảng cách cô trò, vết lằn giữa thế hệ giáo viên già và giáo viên trẻ bỗng trở thành hố sâu. 

“Ai đã đẩy những giáo viên hợp đồng lâu năm phải đi tranh đấu với học trò của mình?

Ai đã đẩy những học trò ngoan ngoãn của tôi vào bước đường gần như không nhìn mặt thầy cô của mình?

Chỉ một quyết định được đưa ra mà khiến cho hàng nghìn giáo viên bị ảnh hưởng, nghề giáo mất đi hào quang của nó” - cô T. giãi bày.

Không được xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách, giáo viên tại thị xã Sơn Tây sẽ bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/8/2019 (Ảnh:V.N)
Không được xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách, giáo viên tại thị xã Sơn Tây sẽ bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/8/2019 (Ảnh:V.N)

Theo Quyết định số 3455/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các quận, huyện đã rà soát và đăng ký hình thức tuyển dụng

Trong đó, 21 quận, huyện đăng ký hình thức thi tuyển, 9 quận, huyện đăng ký xét tuyển theo Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại thị xã Sơn Tây, theo phản ánh của giáo viên hợp đồng vẫn chưa công bố hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến số giáo viên trên. 

Nhiều giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây cũng như các quận, huyện sẽ bị cắt hợp đồng nếu không có phương án xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách.

Nguyện vọng của hơn 2000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội là sớm được xét đặc cách hoặc xét tuyển để ổn định công việc (Ảnh: V.N)
Nguyện vọng của hơn 2000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội là sớm được xét đặc cách hoặc xét tuyển để ổn định công việc (Ảnh: V.N)

Thầy Nguyễn Viết Tiến tâm tư: “Các giáo viên hợp đồng đều mong muốn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có phương án giải quyết thấu tình đạt lý để giúp chúng tôi tiếp tục được gắn bó với bục giảng, được cống hiến cho ngành giáo dục. 

Qua đó bảo đảm cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo động lực để các thầy cô dành hết tâm huyết chỉ sự nghiệp giáo dục của thủ đô. 

Năm học mới đang tới gần, rất mong thành phố Hà Nội nhanh chóng ra một quyết định nhân văn, một quyết định làm yên lòng giáo viên hợp đồng toàn Thành phố đó là: xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước theo đúng tinh thần của công văn 9028- CV/VPTW”.

Vũ Ninh