Giờ vẫn chưa biết ai sẽ chấm điểm, vào điểm, nhận xét các môn tích hợp

19/01/2022 06:31
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến thời điểm kiểm tra cuối kỳ I, hiện nay các thầy cô vẫn chưa biết ai sẽ chấm điểm, vào điểm, nhận xét khi nhiều giáo viên cùng dạy 1 môn “tích hợp”.

Hiện nay đang trong giai đoạn kiểm tra cuối kỳ I, sau đó giáo viên sẽ chấm bài, vào sổ điểm cá nhân, vào điểm phần mềm, vào học bạ, ký tên vào sổ gọi tên ghi điểm,…

Tuy nhiên, với việc nhiều giáo viên dạy cùng một môn, hoạt động trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thì đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ, Sở Giáo dục, nên các trường vẫn lúng túng, bị động trong việc phân công giáo viên thực hiện các công việc trên.

Điểm lại các môn học, hoạt động có nhiều giáo viên dạy

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở lớp 6 xuất hiện các môn học, hoạt động mới do nhiều giáo viên giảng dạy như:

Môn Khoa học tự nhiên do 3 giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học giảng dạy, dự kiến sau này sẽ do 1 giáo viên đảm nhận khi giáo viên có chứng chỉ “tích hợp” Khoa học tự nhiên;

Môn Lịch sử và Địa lý do 2 giáo viên Lịch sử, Địa lý giảng dạy, dự kiến sau này sẽ do 1 giáo viên đảm nhận khi giáo viên có chứng chỉ “tích hợp” Lịch sử và Địa lý;

Môn Nghệ thuật do 2 giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật giảng dạy dự kiến sau này vẫn do 2 giáo viên giảng dạy, chưa có định hướng đào tạo giáo viên môn Nghệ thuật;

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thường do giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội phối hợp thực hiện.

Môn giáo dục địa phương sẽ do nhiều giáo viên giảng dạy (5-6 giáo viên), dự kiến vẫn sẽ do nhiều giáo viên dạy.

Ảnh minh họa: Daidoanket.vn

Ảnh minh họa: Daidoanket.vn

Chưa có bất kỳ hướng dẫn chấm điểm, vào điểm, nhận xét, đánh giá các môn trên

Hiện nay các trường đang trong quá trình hiểm tra cuối học kỳ I, việc phân công nhiều giáo viên cùng ra đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… ở lớp 6 theo hướng giáo viên dạy phần nào ra đề phần đó và tổng hợp thành 1 đề chung gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Tuy nhiên, vấn đề chấm bài, vào điểm, nhận xét,… cuối kỳ gặp khó khăn, vất vả hơn rất nhiều và hiện nay các hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa cụ thể các đầu việc này.

Đối với việc chấm bài, các môn học trên sẽ do nhiều giáo viên chấm, phần của giáo viên nào người đó chấm gặp rất nhiều khó khăn, một bài thi thường có nhiều câu nhưng thuộc nhiều phân môn, do nhiều giáo viên chấm bài sẽ rất “rối”, dễ nhầm lẫn, vô cùng phức tạp khi tổng hợp điểm.

Tôi được một đồng nghiệp chia sẻ có đơn vị “sáng tạo” khi kiểm tra cuối kỳ I như sau, đối với bài thi môn Khoa học tự nhiên, học sinh sẽ làm trên 3 tờ giấy thi gồm phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý làm trên 2 tờ giấy thi gồm phân môn Lịch sử, Địa lý để tiện cho việc chấm bài, giáo viên không phải chấm chung 1 tờ giấy thi.

Tuy nhiên, đây cũng là cách khiên cưỡng, 1 môn thi mà phải làm trên 2, 3 tờ giấy thi khác nhau, rồi học sinh khi làm thì lẫn lộn của phân môn này qua phân môn khác khiến giáo viên cũng vất vả, học sinh bị áp lực.

Sau khi từng giáo viên các phân môn chấm bài thì ai sẽ tổng hợp, ai là người ghi cột điểm kiểm tra đó vào sổ điểm cá nhân của giáo viên.

Ba giáo viên dạy một môn nên mỗi giáo viên sẽ 1 quyển sổ điểm cá nhân, nhưng chỉ có 1 cột kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thì sẽ do giáo viên phân môn nào ghi sổ điểm cá nhân, giáo viên nào vào phần mềm, giáo viên nào sẽ nhận xét,..?

Tham khảo một số đơn vị cách thực hiện một môn có nhiều giáo viên dạy thì mỗi nơi mỗi khác, đối với môn Khoa học tự nhiên có trường phân công học kỳ I giáo viên Vật lý vào điểm, nhận xét; ở học kỳ II do giáo viên Sinh học thực hiện; giáo viên Hóa học vào điểm, nhận xét cả năm, có trường yêu cầu cả 3 giáo viên chia nhau vào điểm và cùng nhận xét trên học bạ, phần mềm và ký tên để cả 3 cùng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cách thực hiện nào cũng bất hợp lý, không phù hợp với ý nghĩa của một môn học.

Các công việc về bộ môn tích hợp hiện tại rối tung nhưng đến nay các hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo khá mơ hồ, chưa rõ ràng nên hầu hết các trường tự xoay sở, thực hiện mỗi nơi một kiểu.

Vẫn chưa biết ai sẽ chịu trách nhiệm về môn tích hợp

Nhiều giáo viên dạy một môn học, khi có kết quả thấp thì vẫn chưa biết giáo viên nào sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Ở học kỳ II, nếu học sinh không đạt phải thi lại hoặc ở lại lớp thì chất lượng của học sinh sẽ được tính cho giáo viên nào?

Khi học sinh chỉ học yếu, kém 1 phân môn nhưng khi kiểm tra lại cả 2, 3 phân môn liệu có công bằng.

Giả sử 3 giáo viên dạy một môn, nếu 2 giáo viên của 2 phân môn cho điểm học sinh trung bình, khá nhưng do 1 phân môn còn lại kém nên cộng chung lại môn đó học sinh đó xếp loại yếu thì trách nhiệm của giáo viên 1 phân môn hay trách nhiệm của 3 giáo viên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Mỗi học sinh sẽ có học sinh học giỏi phân môn Vật lý, học kém phân môn Sinh học là điều hết sức bình thường, khi ghép thành một môn thì tình trạng đó sẽ giải quyết như thế nào, có bất công đối với học sinh, giáo viên?

Đối với môn Nghệ thuật còn bất cập hơn, khi học sinh học 2 phân môn riêng, 2 quyển sách riêng nhưng lại là một môn học, nếu học sinh không đạt 1 phân môn có thể phải thi lại cả 2 phân môn là một bất công đối với học sinh.

Người viết cho rằng, không có bất kỳ lý do gì để gom 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật thành môn Nghệ thuật chung 1 cột điểm, chung đánh giá, nhận xét.

Môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương và môn Nghệ thuật hiện nay khiến các cơ sở giáo dục trong cả nước vô cùng rối rắm, bất cập rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu một cách toàn diện và có hướng giải quyết thấu đáo và nhanh chóng hướng dẫn để các trường thực hiện đừng để mỗi nơi một kiểu.

NHẬT KHOA