Giữa dịch Covid-19, nhiều nơi vẫn chiêu sinh lớp văn bằng 2, chứng chỉ

03/04/2020 06:00
Nam Dương
(GDVN) - Nhiều trung tâm liên kết với các trường đại học vẫn tổ chức chiêu sinh các lớp văn bằng 2, chứng chỉ nghiệp vụ giữa tâm bão dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đang diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp. Bắt đầu từ 0h ngày 1/4/2020, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc, trong vòng 15 ngày, theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3.

Trong thời điểm này, mỗi cá nhân, tổ chức càng phải đề cao tinh thần tự giác, trách nhiệm; chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ quyết tâm dập dịch Covid-19.

Giữa dịch Covid-19, nhiều nơi vẫn chiêu sinh lớp văn bằng 2, chứng chỉ ảnh 1

Ông Trương Huy Hoàng qua mặt EVN và Bộ Công Thương, thao túng trường Điện Lực?

Thế nhưng theo khảo sát của phóng viên, vẫn có nhiều trung tâm và một số trường Đại học lợi dụng thời gian này để tổ chức chiêu sinh, thi và mở các lớp văn bằng 2, lớp tại chức, chứng chỉ nghiệp vụ các loại. 

Điều đáng nói nhiều trung tâm mạnh miệng: Sẽ tổ chức thi và học ngay trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội.

Một trung tâm có địa chỉ tại ngõ 58 Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy) quảng cáo chiêu sinh các lớp học tại chức, văn bằng 2, chứng chỉ nghiệp vụ và tự nói là do 2 trường Đại học Thủ đô và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Khi liên hệ đến trung tâm này, một tư vấn viên tên N.T.P cho biết: “Trung tâm bên em liên kết với trường Đại học Thủ đô và Đại học Sư phạm Hà Nội cung cấp.

Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 trường để đăng ký thi và học. Lịch thi của trường Đại học Thủ đô dự kiến trong ngày 5/4/2020.

Sau khi thi xong một tuần có kết quả anh chị có thể nhập học. Các lớp học được tổ chức thứ 7, chủ nhật mỗi tuần.

Với lớp văn bằng 2 học trong 1.5 năm. Đối với các anh chị ở xa bên em hỗ trợ một số buổi có thể thuê người học hộ, thi hộ”.

Nhiều trung tâm và các trường đại học vẫn tổ chức chiêu sinh trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh:N.D)
Nhiều trung tâm và các trường đại học vẫn tổ chức chiêu sinh trong đợt dịch Covid-19 (Ảnh:N.D)

Về mức phí, người này cho biết: Lệ phí thi là 1.350.000 đồng, học trong 1.5 năm anh chị đóng khoảng 15 triệu đồng.

Khi hỏi về hình thức “hỗ trợ” học và thi, người này nói: “Anh chị yên tâm khi thi sẽ có phao cho thí sinh chép bài. Còn đối với việc học thứ 7, chủ nhật nếu anh chị ở xa có thể thuê người học họ. Ở đây thi thoảng các bạn vẫn nhờ giáo viên điểm danh.

Anh chị đăng ký học và thi ở trung tâm có thể lựa chọn học tại Đại học Thủ đô hoặc trung tâm em ở Trần Bình. Học ở trung tâm thì mình có thể linh động một số buổi để tạo điều kiện cho mọi người”.

Các loại chứng chỉ kiểu này nhằm đáp ứng nhu cầu của những người cần nâng chuẩn, thăng hạng (Ảnh:N.D)
Các loại chứng chỉ kiểu này nhằm đáp ứng nhu cầu của những người cần nâng chuẩn, thăng hạng (Ảnh:N.D)

Người này cũng rất thẳng thắn: Mình cũng biết nhiều bạn đăng ký học liên thông,văn bằng 2 hoặc tại chức cho đủ điều kiện bằng cấp theo quy định mới. Về chất lượng chắc cũng không cần quá quan tâm đâu nhỉ?

Với những chia sẻ của trung tâm này có thể thấy một số trường vẫn tranh thủ tận dụng khoảng thời gian này mở lớp bất chấp các cảnh báo nguy hiểm về dịch bệnh Covid-19.

Một trung tâm khác có địa chỉ tại Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn liên tục tổ chức các lớp chứng chỉ ngắn hạn bao gồm; chứng chỉ tin học ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non, nghiệp vụ quản lý giáo dục mầm non…

Có chứng chỉ tin học, sinh viên Trường Nguyễn Tất Thành vẫn phải kiểm tra lại
Có chứng chỉ tin học, sinh viên Trường Nguyễn Tất Thành vẫn phải kiểm tra lại

Khi gọi điện đến trung tâm, một tư vấn viên cho biết:

“Trung tâm em vẫn liên tục mở các lớp ôn tập, thi chứng chỉ.

Lớp mở cuối tuần: thứ 7, chủ nhật. Anh chị có thể sắp xếp thời gian học linh động. 

Đối với anh chị ở xa có thể gửi hồ sơ theo đường bưu điện. Khi nào lên học, thi mới cần đóng lệ phí thi và học phí”.

Phóng viên hỏi: Trong thời dịch Covid-19,  việc tổ chức ôn tập và thi các loại chứng chỉ có an toàn cho người học không? 

Người này trả lời: “Nhiều anh chị cần hoàn thiện hồ sơ, bằng cấp trước ngày 1/7/2020 nên bọn em vẫn tổ chức các lớp học bình thường dành cho những ai có nhu cầu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ nhiều trung tâm và người học vẫn chạy đôn, chạy đáo mở các lớp ôn thi, học tập văn bằng 2, chứng chỉ các loại để chạy đua với mốc thời gian 1/7/2020.

Luật Giáo dục ngày 14/6/2019 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020 trong đó có rất nhiều điều khoản quan trọng về Chuẩn trình độ giáo viên mầm non sẽ là cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông là đại học sư phạm.

Căn cứ theo chuẩn mới này thì theo thống kê hiện nay có hàng trăm ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn phải học tập nâng cao trình độ để đạt chuẩn quy định trong Luật giáo dục mới.

Các trường Đại học cần chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch Covid-19 (Ảnh:Đ.N.T)
Các trường Đại học cần chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch Covid-19 (Ảnh:Đ.N.T)

Có cầu ắt có cung, nhiều trung tâm và một số trường Đại học vẫn bất chấp những cảnh báo về dịch Covid-19 mở các lớp học, ôn thi trong thời điểm này.

 Đáng nói, sự việc này vẫn chưa được kiểm soát, nhiều trung tâm vẫn tổ chức chiêu sinh trên cả nước. 

Nhiều thí sinh ở các tỉnh/ thành, địa phương vẫn kéo về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để tham gia các lớp học kiểu trên.

Bên cạnh đó vẫn còn có tình trạng mua, bán các loại bằng cấp, chứng chỉ giả.

Có tình trạng mua bán các loại chứng chỉ, bằng cấp giả (Ảnh:N.D)
Có tình trạng mua bán các loại chứng chỉ, bằng cấp giả (Ảnh:N.D)

Chính vì thế các học viên, thí sinh phải thực sự tỉnh táo tránh rơi tình trạng tiền mất, tật mang. 

Đối với các trung tâm và các trường Đại học cần đề cao sự an toàn của học viên, tạm dừng tổ chức mở các lớp ôn tập, thi văn bằng, chứng chỉ các loại. 

Thiết nghĩ trong thời điểm này các trường cần đề cao tinh thần, ý thức trách nhiệm vì xã hội, cộng đồng.

Nam Dương