Góc nhìn khác biệt về văn mẫu của giáo viên vùng cao

31/08/2021 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước việc dư luận bàn về loại bỏ văn mẫu khỏi giáo dục phổ thông, giáo viên vùng cao có những chia sẻ liên quan về việc này.

Vừa qua, trong Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu trong năm học mới với môn Ngữ văn phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Ý kiến chỉ đạo trên của Bộ trưởng nhận được nhiều sự ủng hộ của các chuyên gia, các nhà giáo tâm huyết.

Về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến một số giáo viên dạy Ngữ văn vùng cao, nơi có các em học sinh đa phần là dân tộc thiểu số.

Cô Bích Hân (giáo viên dạy Ngữ văn trường Trung học cơ sở Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cho biết, trường cô dạy có các em học sinh là dân tộc Mông, Dao và Pà Thẻn (dân tộc đặc biệt ít người). Nhà trường ở xa các thôn bản của các em, nên đường đến trường có khi cách xa hơn chục cây số, vì vậy nhiều em ở bán trú tại trường.

“Các em là dân tộc thiểu số nên kĩ năng nghe, nói, đọc, viết còn nhiều hạn chế. Câu văn của các em chưa chặt chẽ, cấu trúc ngữ pháp của các em viết còn chưa chuẩn và bản thân học sinh cũng không sáng tạo nên tôi thường không cho các em sử dụng văn mẫu”, cô Hân chia sẻ.

Theo cô Hân, để tránh cho học sinh sử dụng văn mẫu, cô luôn hướng các em kĩ năng để viết bài, làm sao để các em biết tạo lập văn bản, đảm bảo kiến thức.

Tuy nhiên, cô Hân cho hay, nếu loại bỏ hẳn văn mẫu thì cũng không nên, bởi nó có những kiến thức cơ bản trong đó. Ví dụ như trong văn mẫu, học sinh có thể nắm được kiến thức cơ bản nhất về các thể loại văn học và nó có sự khuyến khích sáng tạo của học sinh sẽ tốt hơn đưa ra khuôn mẫu nhất định.

“Nên tiếp thu điểm mạnh của bài văn mẫu, chứ còn dập khuôn máy móc thì không nên bởi không phát huy được phẩm chất năng lực của các em”, cô Hân nhấn mạnh.

Nữ giáo viên cho hay, đối với sách giáo khoa mới của khối lớp 6 năm nay, trong đó môn Ngữ văn có kiến thức khá nặng như học theo chủ đề, hay có cả chương trình lớp 8 cũ. Việc tiếp cận môn Ngữ văn của học sinh nơi đây sẽ là một bài toán khó với thầy cô.

Cô Hân lấy ví dụ, để hình thành phẩm chất lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu quê hương đất nước thì các em làm được. Tuy nhiên, nếu giáo viên vận dụng phương pháp tích cực hay hình thức kĩ thuật dạy học như thảo luận nhóm thì các em thiếu sự nhiệt tình.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Hoan (giáo viên dạy Ngữ văn trường Tiểu học – Trung học cơ sở Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) nhận định, bài văn mẫu cũng rất tốt cho học sinh để các em người dân tộc thiểu số tăng vốn từ sâu rộng hơn. Nếu bỏ văn mẫu đi thì sẽ hạn chế các em về điều này.

Đối với học sinh, thầy Hoan khuyến khích các em mua sách để tham khảo ở ngoài nhưng khi làm bài kiểm tra thì không được bê nguyên si vào.

Thầy Hoan cho rằng văn mẫu cũng giúp ích cho học sinh vùng cao nâng cao vốn từ sâu rộng (Ảnh: NVCC)

Thầy Hoan cho rằng văn mẫu cũng giúp ích cho học sinh vùng cao nâng cao vốn từ sâu rộng (Ảnh: NVCC)

“Tôi thường xuyên bảo học sinh câu văn nào hay thì các em ghi lại, xong các em lưu ý như phần mở bài thì mình đọc xem cách mở bài của họ; phần thân bài thì gạch ra những ý chính như liên hệ đến nhân vật nào, vấn đề gì; phần kết bài thì họ kết theo kiểu nào. Tôi cũng thường xuyên để cho học sinh tiếp cận thể loại văn học là đọc các bài văn mẫu, tìm hiểu các cách thức của họ làm để tham khảo”, thầy Hoan chia sẻ.

Thầy Hoan lấy ví dụ về đề văn nghị luận, thầy thường hay giới thiệu cho học sinh về “giới, giải, bàn, bài”. Giới là họ giới thiệu cách thức như thế nào, học sinh sẽ tóm tắt và nói được, giải thích vấn đề này như thế nào thì các em sẽ đọc hiểu thôi; bàn tức là bàn xuôi vấn đề như thế nào và lật ngược lại vấn đề làm sao; bài là mở rộng vấn đề và khái quát lại vấn đề. Khi các em học xong thì giáo viên quay sang hỏi những vấn đề như thế thì học sinh nắm chắc, nắm sâu kiến thức.

Theo thầy Hoan, việc học văn mẫu thì khối lớp 8-9 là phù hợp nhất bởi các em đã học văn nghị luận.

“Tôi thường trao đổi với học sinh rằng, nếu em nào chép văn mẫu y sì như vậy thì thầy không bao giờ cho điểm cao đâu. Thầy khuyến khích các em đọc văn mẫu, nhưng phải biết biến cái của người ta thành cái của mình. Quan trọng trong học văn mẫu là phương pháp hướng dẫn các em đọc như thế nào, để các em biết được mình đang đọc cái gì”, thầy Hoan chia sẻ.

Bên cạnh đó, với việc hướng dẫn cách học văn mẫu, khi về nhà thì các em học sinh sẽ tự chuẩn bị được câu hỏi ở sách giáo khoa và bài thực hành. Đến lớp, thầy cô nói lại vấn đề thì các em cũng nhớ được phần nào, từ đây cũng giúp ích cho giáo viên trong việc giảng dạy.

Thầy Hoan nhận định, do là vùng sâu vùng xa, bên cạnh đó các em học sinh là dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận kiến thức cũng có hạn chế. Bởi vậy, có các bài văn mẫu cũng rất tốt cho các em và thầy giáo cũng khuyên các em xuống thư viện để có tài liệu tham khảo, hoặc có điều kiện thì mua sách để tăng vốn từ, câu cú, hiểu rộng vấn đề hơn.

Mạnh Đoàn