GS Chu Hảo: Đề án 70.000 tỷ đổi mới giáo dục - Xin chớ vội lo

09/06/2011 00:41
"Chưa có "Đổi mới căn bản và toàn diện nền GDVN", chưa có "Chiến lược Phát triển GD giai đoạn 2011- 2020" thì làm sao đã có cơ sở đổi mới SGK?

"Chưa có đề án "Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam", chưa có "Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2011- 2020" thì làm sao đã có cơ sở định hướng cho những đề án nhỏ như về Chương trình và Sách giáo khoa cấp phổ thông sau năm 2015 này? " - GS Chu Hảo trả lời phỏng vấn báo chí về đề án "Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa Giáo dục Phổ thông sau năm 2015” đang thu hút sự chú ý của dư luận.

{iarelatednews articleid='4184'}

Thưa GS Chu Hảo, ông nghĩ thế nào về những điểm mà nhiều người đang phản biện, ví dụ như con số 70.000 tỷ đồng?


Tôi cũng được mời tham dự buổi góp ý kiến cho Đề án "Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa Giáo dục Phổ thông sau năm 2015” của Bộ Giáo dục, do Liên hiệp các Hội KH&KT VN tổ chức ngày 1 tháng 6 vừa qua.

Cũng như GS Văn Như Cương, chúng tôi đều ngạc nhiên về con số dự toán kinh phí khổng lồ của Đề án. Càng ngẫm tôi lại càng băn khoăn, e rằng cách làm không bình thường này lại có vẻ như thông thường của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT), rằng sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân, sự thiếu minh bạch về tài chính vẫn tiếp diễn...

Nhưng mà, có nhiều ý kiến phản hồi nói rằng, con số 70.000 tỷ đang treo ở đâu đó. Từng là một thứ trưởng một bộ quan trọng, ông có thể cho biết con đường đi của tiền nằm trên “đề xuất dự án” đến khi nó được thực chi là qua những khâu nào và mất bao nhiêu thời gian?


À, thì cũng xin các bạn chớ vội lo. Đây mới là Dự thảo lần thứ 12, còn được góp ý kiến nhiều! Dự thảo "Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn  2008 (rồi lần lượt lùi sang 2009, 2009, 2010, 2011... ) - 2020 đã làm Dự thảo đến lần thứ 14 mà vẫn chưa có hồi kết thúc đấy thôi! Vả lại Đề án trên 3 tỷ rưỡi USD này chắc chắn phải thông qua Quốc hội theo luật định; mà toàn dân đang mong muốn Quốc hội khoá này sẽ mạnh mẽ hơn khoá trước, khoá đã dám nói  "Không!" với Dự án "Đường sắt cao tốc".

Chu Hảo
GS Chu Hảo: "Dự toán kinh phí hoàn toàn không có cơ sở,
không theo chuẩn mực nào và quá lớn".

"Đẻ" ngược

Cá nhân GS Chu Hảo nhận xét như thế nào về đề án này?

Theo tôi, một là, dự thảo được soạn thảo theo một quy trình ngược như vẫn thường nói trong dân gian: Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu quét nhà rồi mới sinh ông. Nhóm soạn thảo khẳng định là Đề án được khởi thảo xuất phát từ yêu cầu được ghi trong Văn kiện ĐH XI của Đảng: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, các bậc học. Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới".

Tiếc thay nhóm soạn thảo lại không được lãnh đạo ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện yêu cầu ở tầm vĩ mô, quan trọng hơn yêu cầu nói trên nhiều, cũng ở trong văn kiện đó, là: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản ký là khâu then chốt”.
 

PV Bee có trao đổi với GS.VS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về điều này, ông nói: “Tôi nghĩ rằng những phản biện có tính khoa học của LHH đăng công khai sẽ có lợi vì qua đó nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của công chúng. Từ khi tôi về đây - và chắc là từ trước tới giờ cũng thế - tôi thấy những kết luận phản biện của LHH chưa có gì là không công khai cả. Vì thế, kết quả phản biện về đề án "Đổi mới  Chương trình, Sách giáo khoa Giáo dục Phổ thông sau năm 2015”  chắc là càng không có vấn đề gì để LHH không công khai.

Chưa có đề án "Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam", chưa có "Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2011- 2020" thì làm sao đã có cơ sở định hướng cho những đề án nhỏ như về Chương trình và Sách giáo khoa  cấp phổ thông sau năm 2015 này?

Nếu lãnh đạo ngành Giáo dục dám nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận tình trạng khủng hoảng giáo dục như ý kiến của các nhà khoa học và toàn xã hội lên tiếng từ hàng chục năm nay thì việc cấp thiết hơn cả là phải tiến hành soạn thảo Đề án Cải cách toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà, chứ không phải là tiếp tục thực hiện các đề án đổi mới chắp vá, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ và tốn kém như trong nhiều năm qua.

Hai là, dự thảo Đề án lần này không được chuẩn bị kỹ như Đề án năm 2002. Các đề mục vẫn “kinh điển” như vậy, nhưng sơ sài, nhiều các “khẩu hiệu” mang tính mục tiêu mà ít kế hoạch hành động cụ thể. Vẫn rất thiếu các nội dung liên quan đến hệ thống dạy nghề và định hướng phân luồng sau trung học cơ sở. Không có đề xuất gì mới  và cụ thể về  việc đổi mới hệ thống bằng cấp và  chế độ thi cử  hết sức lỗi thới và nặng nề như hiện nay…

Ba là, không xác định một chương trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh nào làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đề án ở khâu đầu tiên và cũng không có kế hoạch rõ ràng cho công tác chuẩn bị triển khai Chương trình và làm lại Sách giáo khoa ở khâu cuối cùng.

Bốn là, dự toán kinh phí hoàn toàn không có cơ sở, không theo chuẩn mực nào và quá lớn.

Nhiều người muốn biết phản biện của Liên hiệp các Hội KH&KT

Trong buổi thảo luận hôm 1/6 mà ông vừa nhắc đến, LHH đã có ý kiến thế nào về đề án này, thưa ông?

Tôi được biết Lãnh đạo LHH đã có công văn tổng hợp ý kiến các nhà khoa học được mời tham gia hội thảo gửi cho Bộ Giáo dục. Ý kiến ở buổi góp ý rất cởi mở, thẳng thắn, phong phú, nhưng khá tập trung. Tôi tin rằng nội dung kết luận của lãnh đạo LHH sẽ rất xác đáng, trí tuệ và xây dựng.

Tôi nghĩ nhiều người quan tâm tới giáo dục rất mong muốn được biết cụ thể ý kiến phản biện đó...


Bản thân tôi cũng rất lấy làm tiếc là ý kiến phản biện rất sâu sắc, có luận cứ khoa học chắc chắn, trên tinh thần xây dựng và có tính thuyết phục cao, của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT VN, lại nhiều khi chưa được công bố rộng rãi trong xã hội trước khi các quyết sách của Chính phủ được ban hành.

Theo Lương Bích Ngọc (Bee.net.vn)